"Tại sao phim Việt bây giờ phim nào cũng có gì đấy thiếu thiếu nhỉ? Diễn viên lên phim không chút biểu cảm mà lôi hết từ chỗ này sang chỗ khác?" – Đó là một cuộc nói chuyện phiếm của ba bạn trẻ phía ngoài rạp chiếu nhưng phản ánh phần nào bức tranh phim Việt chiếu rạp năm 2016.
Nếu phim Việt chỉ có hài nhảm và hành động tỏ ra nguy hiểm, thì xin phép ủng hộ phim nước ngoài! - Ảnh 1.

"Tại sao phim Việt bây giờ phim nào cũng có gì đấy thiếu thiếu nhỉ? Diễn viên lên phim không chút biểu cảm mà lôi hết từ chỗ này sang chỗ khác?". Đó là một cuộc nói chuyện phiếm của ba bạn trẻ phía ngoài rạp chiếu nhưng phản ánh phần nào bức tranh phim Việt chiếu rạp năm 2016.

img

hững ngày cuối năm, lang thang ngoài rạp chiếu trong tiếng nhạc rộn ràng "Another Day of Sun" của "La La Land" – bộ phim đang tạo hiệu ứng mạnh mẽ dịp này, tôi bất chợt bị khựng lại bởi cuộc trò chuyện giữa ba bạn trẻ trước tấm poster một bộ phim Việt đang chiếu rạp. Ba bạn tầm ngoài 20 tuổi, có vẻ cũng là dân "sành" về phim ảnh và theo dõi kỹ lưỡng điện ảnh Việt Nam khi rất cập nhật về những phim Việt chiếu năm qua.

Nếu phim Việt chỉ có hài nhảm và hành động tỏ ra nguy hiểm, thì xin phép ủng hộ phim nước ngoài! - Ảnh 3.

"Tấm Cám: Chuyện chưa kể" - Một trong những bộ phim nổi bật nhất của điện ảnh Việt Nam năm 2016.

Theo quan điểm cá nhân, tôi nghĩ vấn đề lớn nhất hiện nay của phim Việt nằm ở khâu kịch bản. 

Nếu phim Việt chỉ có hài nhảm và hành động tỏ ra nguy hiểm, thì xin phép ủng hộ phim nước ngoài! - Ảnh 4.

Điểm chung giữa hàng chục phim Việt ra rạp tằng tằng năm qua là câu chuyện nghèo nàn, hời hợt, các nhân vật được ngớ ngẩn hóa, làm quá lên với mục đích… gây cười? Nhiều khi tôi xem trong trailer thôi là đã đủ nhức đầu vì không hiểu vì lý do gì, nhiều nhân vật trong phim Việt nói giao tiếp hàng ngày cứ phải gào thét thật to vào mặt người đối diện, mắt lúc nào cũng trợn lên như muốn ăn tươi nuốt sống. Điển hình là các phim Lộc Phát, Gái già lắm chiêu, Vợ ơi… Em ở đâu, Thần tiên cũng nổi điên… xem cứ thấy như đang xem kịch, mọi thứ đều bị làm quá.

Có những phim không phải là phim hài nhưng đi xem lại khiến tôi cùng nhiều người khác cười phá lên vì quá ngô nghê. Tôi nhớ lần đi xem Vòng eo 56. Trường đoạn Ngọc Trinh bị viết lên tường nhà chữ "Ngọc Trinh làm gái" hẳn là một đoạn phải rất xúc động và gây "phẫn nộ". Nhưng không hiểu sao cả rạp lại bật cười. Tới phim Khi nào có yêu nhau của Dustin Nguyễn, đoạn nhân vật của Kim Xuân nói với con gái (do Minh Hằng đóng) câu thoại kiểu như: "Con không được yêu nó. Con mới biết nó có mấy ngày". Cả phòng chiếu đồng thanh hô lên: "Đúng" và cười khúc khích. Ở phim Sứ mệnh trái tim, khoảnh khắc Angela Phương Trinh ôm ngựa nói: "Anh ấy đã chết vì em" còn Võ Cảnh nói: "Còn anh sẽ sống vì em" xứng đáng là khoảnh khắc "kinh điển" của điện ảnh Việt Nam năm qua vì độ sến và "kịch" của nó.

Nếu phim Việt chỉ có hài nhảm và hành động tỏ ra nguy hiểm, thì xin phép ủng hộ phim nước ngoài! - Ảnh 5.

Vẫn không nhiều bộ phim hài Việt có thể chạm đến cái ngưỡng trọn vẹn, thú vị và duyên dáng như Tèo Em đã làm năm 2013.

Đi ra rạp xem phim Việt cùng nhiều đối tượng khán giả và xem phản ứng của họ mới thấy giờ đây gu thưởng thức điện ảnh đã được nâng cao hơn rất nhiều. Yếu tố kịch bản luôn được đưa lên hàng đầu để đánh giá. Mỗi lần nghe khán giả nói trong rạp: "Đúng là phim Việt Nam" khi có một tình tiết không hợp lý trong phim là tôi lại thấy có một sự mỉa mai lướt qua. Một trong những lý do khiến phim Việt Nam năm qua bị giảm doanh thu nhiều có lẽ là do thị hiếu của khán giả nay đã lên "level" mới. Khán giả đã không còn dễ dãi, khi càng ngày - họ càng được tiếp xúc với sản phẩm đỉnh cao từ những nền điện ảnh lớn. Thậm chí, với nhiều khán giả trẻ tìm đến rạp chiếu với mục đích đơn thuần là giải trí với những bộ phim đơn giản, bom tấn - cũng có những đòi hỏi rất riêng cho cái mà mình chuẩn bị xem. Ngay như Fan cuồng - có hẳn sự xuất hiện của "vua phòng vé" Thái Hòa - cũng vẫn thất thu vì chất lượng không tốt, kịch bản đi vào lối mòn và âm nhạc cũng chẳng để lại ấn tượng gì.

Cũng không thể kể đến một yếu tố khác khiến phim Việt vẫn là "phim Việt" nằm ở diễn xuất của các diễn viên.

Nếu phim Việt chỉ có hài nhảm và hành động tỏ ra nguy hiểm, thì xin phép ủng hộ phim nước ngoài! - Ảnh 6.

Có lẽ giờ chỉ cần là hot boy, hot girl, ca sĩ, người mẫu hay đơn giản là một nhân vật được cộng đồng mạng quan tâm là cánh cửa trở thành diễn viên luôn rộng mở. Không cần biết có diễn được hay không, chỉ cần hoạt động sôi nổi trên mạng xã hội và có lượng người theo dõi đông đảo là nhà sản xuất sẽ mời ngay vào phim để "viral" cho tốt. Còn nếu không, có thể tự bỏ tiền ra làm bộ phim về cuộc đời mình (như Ngọc Trinh).

Chính vì "ai cũng có thể làm diễn viên" nên đội ngũ các gương mặt trên màn ảnh rộng Việt Nam hiện nay đi vào tình trạng "thừa mà thiếu". Thừa vì có quá nhiều những cái tên có thể PR nhưng thiếu là thiếu người biết diễn. Hạ Vi là mỹ nhân "vạn người mê" trên Facebook, Instagram nhưng hãy xem khoảnh khắc "ngã cây" kinh điển của Tấm trong năm qua đã nhận được những bình luận thế nào của netizen. Mạc Hồng Quân, Công Vinh rồi An Nguy, Ngọc Trinh… cũng đi đóng phim mà chẳng cần qua đào tạo gì về diễn xuất.

Nếu phim Việt chỉ có hài nhảm và hành động tỏ ra nguy hiểm, thì xin phép ủng hộ phim nước ngoài! - Ảnh 7.

Khâu phát hành và PR cho các phim Việt hiện nay thực ra không hề yếu kém nhưng các nhà làm phim có lẽ đã quên mất rằng để được khán giả đón nhận và truyền miệng, trước hết đó phải là một bộ phim có chất lượng tốt đã.

Có rất nhiều những bộ phim, trước khi ra rạp đã được dân tình thuộc làu bộ sậu diễn viên lẫn từng diễn biến trong trailer. Những hình ảnh đẹp lung linh hay sự xuất hiện của một gương mặt sáng giá và một kịch bản "có vẻ" mới lạ luôn là những yếu tố được đưa ra để thu hút công chúng. Nhưng càng ồn ào, càng rình rang, khả năng bạn ra rạp và hụt hẫng lại... càng cao. Bởi đơn giản, những gì hay nhất của phim thì đã nằm ở trailer, và những cảnh diễn viên đóng tốt nhất cũng được trưng trổ hết để PR cho bộ phim rồi. 

Nếu phim Việt chỉ có hài nhảm và hành động tỏ ra nguy hiểm, thì xin phép ủng hộ phim nước ngoài! - Ảnh 8.

Trong vài năm gần đây khi điện ảnh Việt Nam phát triển, chỉ có vài bộ phim thật sự có nội dung được người xem đánh giá là "hài lòng" sau những chiến dịch PR rầm rộ. "Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh" là một bộ phim như vậy.

Ngày trước, sau mỗi buổi ra mắt phim Việt ở Hà Nội hay TP HCM, tôi hay theo dõi ý kiến của các chuyên gia được xem trước. Nhưng một năm trở lại đây, tôi gần như chẳng quan tâm nữa. Truyền thông cho phim thương mại Việt càng ngày càng mạnh. Và đôi khi, nhiều người tìm ra được những chi tiết đắt giá nhỏ nhặt để đưa lên làm điểm nhấn, "tung hoa" cho bộ phim. 

Năm 2017 hứa hẹn là một năm tươi sáng hơn cho điện ảnh nước nhà khi nhiều nhà làm phim đã tìm được hướng đi mới – remake lại các tác phẩm nước ngoài. Đây là một giải pháp tạm thời trong thời buổi không tìm thấy những kịch bản tốt. Tuy nhiên, về lâu về dài, tôi nghĩ cách làm phim hiện nay cần phải có sự thay đổi lớn. Kịch bản phải đi sâu sát hơn về đời sống thực tế mới có thể tạo nên những chi tiết tinh tế, thuyết phục được người xem, diễn viên cần là người biết diễn chứ không phải những tên tuổi "đẹp, hot mà mặt đơ" (như nhận xét của rất nhiều khán giả trong rạp khi đi xem phim Việt). Còn nếu phim Việt mà ra rạp mãi mãi chỉ có phim hài nhảm và phim hành động "tỏ ra nguy hiểm" thì tôi xin phép dành sự ủng hộ cho Hollywood và các nền điện ảnh khác vậy.

*Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân. 

Silver Screen Demon
nhatanhngx
Theo Trí Thức Trẻ30/12/2016