Vào ngày hôm qua, bài chia sẻ của nữ doanh nhân Thái Vân Linh - đồng thời cũng là 1 trong 5 shark chính của chương trình "Thương vụ bạc tỷ" đã nhận được sự chú ý của nhiều người. Trong phần trò chuyện của mình, shark Linh cho rằng: "Điều cơ bản nhất là các bạn đi làm từ 9h sáng đến 6h chiều về, nhưng sau đấy các bạn phải làm thêm cái gì đó nữa. Nghĩa là: Các bạn không nên về trước 7h, giờ đó là quá sớm rồi. Các bạn có thể ở lại làm thêm công việc khác, trả lời email, nghiên cứu thêm, tới khi về rồi cũng có thể nghiên cứu thêm nữa."
Ở độ tuổi 20+, người trẻ dễ cảm thấy đồng tình với bất kì lời khuyên nào đến từ các bậc tiền bối. Và trường hợp này cũng không phải là ngoại lệ. Trên newsfeed của tôi, kha khá bạn bè đã chia sẻ lại bài viết này với thái độ khá tâm đắc và tự cho rằng bản thân cần thay đổi cách làm việc. Một số khác thì lại nửa đùa nửa thật, tag vài đứa bạn thân vào rồi hỏi "nghe chưa? Liệu hồn thì đi làm đừng có mà đòi về sớm nhé!"
Với kinh nghiệm hàng chục năm làm việc trong lĩnh vực đầu tư và tiếp xúc với môi trường quốc tế, những lời khuyên của shark Linh chắc hẳn là đáng để người trẻ tham khảo và cân nhắc. Tuy nhiên nếu để cho rằng đây là một phương pháp làm việc mang tính tuyệt đối và cần áp dụng ngay và luôn thì lại là một câu chuyện khác.
Liệu có nhất thiết phải làm việc đến 7h tối? Liệu việc ở công ty 10 tiếng/ ngày có thật sự sẽ giúp bạn có những bước tiến đáng kể trong sự nghiệp? Cùng bóc tách câu chuyện này dưới một góc nhìn khác nhé!
Nếu đã và đang đi làm, bạn sẽ hiểu giờ hành chính thật ra chỉ là... trò đùa của các anh chị nhân sự mà thôi. Giờ tan tầm theo quy định là 5-6h, nhưng từ 3-4h chiều là dân tình đã "rã đông" hết cả rồi. Bên này thì một nhóm í ới rủ nhau đi mua đồ ăn vặt, bên kia thì một lũ túm tụm lại cãi nhau xem giữa Phú Sát Phó Hằng và Hoàng Thượng ai đáng để yêu trọn đời.
Hay một viễn cảnh khác cũng quen thuộc không kém, đó là cả đám sẽ rồng rắn lên mây kéo nhau ở lại công ty tới tận 7-8h. Ái chà, nghe có vẻ yêu nghề và trách nhiệm quá nhỉ! Nhưng đằng sau chồng giấy tờ ngổn ngang kia thật ra lại là một bàn tròn gossip girl phiên bản văn phòng, không thì cũng là một đám nhí nhố đang cười khúc khích vì bận tìm sói, tìm nhà tiên tri, tìm dân làng, hay chỉ đơn giản là ngồi bấm điện thoại giết thời gian chờ đến lúc hết kẹt xe... Tóm lại là không giống bất kì viễn cảnh nào trong các rom-com công sở mà chúng ta vẫn thường thấy.
Nói ra những điều này để thấy được thực tế rằng ngay cả khi đang được công ty trả tiền, nhiều người trẻ còn chẳng làm việc tới nơi tới chốn nữa thì huống hồ gì khi đã hết giờ hành chính. Còn trẻ, chưa vướng bận chuyện gia đình gì thì ở lại công ty thêm một chút để học hỏi, để làm việc là rất đáng hoan nghênh. Nhưng bên cạnh những reo hò bề nổi, nhiều người trẻ quên mất rằng mình nên thật sự làm gì trong khoảng thời gian "extra" đó.
Hít không khí ở văn phòng không giúp bạn tiến bộ hơn. Ngồi nhìn người khác làm việc với gương mặt dài thườn thượt chẳng dạy được cho bạn điều gì. Nếu đã có tâm thì xin hãy có tâm cho trót: xông vào xử lí vấn đề, đọc thêm tài liệu từ các đồng nghiệp, lên mạng nghiên cứu cái này thăm dò cái kia. Còn nếu nhắm không làm được thêm tích sự gì sau 6h tối thì xách cặp về ngay và luôn. Công ty đỡ tốn tiền điện, tiền net, bạn cũng thoải mái vui vẻ, không mang tâm lý phải làm việc overtime mà không được trả thêm đồng xu cắc bạc nào.
Đã bao giờ bạn tự hỏi tại sao có người 1 ngày chỉ làm đúng 8 tiếng nhưng lương vẫn cả ngàn đô, thăng tiến vù vù nhưng có người chôn vùi cả tuổi thanh xuân ở văn phòng nhưng thu nhập cả tháng vẫn không đủ để trả tiền nhà không? Câu trả lời nằm ở cách phân bố thời gian làm việc đấy!
Nhiều người trẻ tôn thờ vào những lời khuyên kiểu như "work smarter, not harder" (làm việc thông minh, đừng làm việc chăm chỉ) và xem đó là kim chỉ nam cho sự nghiệp của mình mà không biết rằng vấn đề thật sự nằm ở chính khả năng tập trung của mỗi cá nhân, không phải ở cách làm việc theo đường thẳng hay đường vòng.
Một nghiên cứu đã chỉ ra được rằng trong khi người trẻ Singapore làm việc năng suất hàng đầu châu Á và đứng thứ 5 trên thế giới với hiệu quả lao động tính bằng GDP là >133K đô la Mỹ/ năm thì người trẻ Việt lại chỉ mới ngoi ngóp chạm mức... 5K. Nghĩa là hiệu suất lao động đầu người của mình chỉ bằng 3,75% một người Singapore. Hay để dễ hình dung hơn, thì trong khi giới trẻ Singapore đang đi bằng tốc độ tên lửa thì người trẻ Việt lại lê lết đâu đó ở cuối đường đua.
Trước khi dương dương tự đắc với suy nghĩ "hôm nay mình đã làm được 9-10 tiếng" thì hãy tự vấn bản thân bằng một câu hỏi khác mang tính thực tế hơn: "trong 9-10 tiếng đó, mình đã thật sự làm được những gì?" Nếu bạn có thể nghĩ ra câu trả lời dưới 10 giây thì xin chúc mừng, bạn đang làm khá tốt đó! Còn nếu như đang phải phân vân giữa in tài liệu và làm đẹp màn hình desktop cái nào mang lại nhiều lợi ích hơn thì đó là dấu hiệu cho thấy sự nghiệp của bạn đang cần phải được xem xét lại rồi!
Nhiều người nghĩ rằng làm việc năng suất là phải hùng hục chạy từ đầu này sang đầu khác, liên tay liên chân giải quyết chuyện nọ chuyện kia mà không hiểu rằng đến cái máy hoạt động cả ngày còn phải nghỉ ngơi thì nói gì đến con người. Người nước ngoài có câu: “The time you wasted enjoying was not wasted", nghĩa là chỉ cần bạn tận hưởng trọn vẹn khoảnh khắc đó thì chẳng có khoảnh khắc nào là lãng phí cả.
Chẳng việc gì phải xoắn lên khi thấy người xung quanh làm việc khác với khung giờ của mình cả. Chỉ cần bạn biết rằng mình làm đúng, làm đủ, không lơ là trách nhiệm và vẫn đang tận tâm giải quyết vấn đề mỗi khi nó xuất hiện là đủ. Nếu không thể làm việc trước 9h sáng, hãy thẳng thắn trao đổi với sếp và đồng nghiệp để có thể sắp xếp mọi thứ sao cho không ảnh hưởng đến công việc chung. Nếu không thích làm việc sau 11h tối, bạn có thể chủ động cáo lui vì dù gì đó cũng không còn là giờ hành chính.
Tương tự với câu chuyện về hay ở sau 7h tối. Chỉ cần bạn đã làm tròn trách nhiệm thì có thể tự tin ra về. Đừng ngại ngần hay cảm thấy khó xử vì người khác vẫn đang hì hục làm việc. Và hãy thành thật nào, bạn không cảm thấy ngột ngạt khi cả ngày cứ chôn chân ở chốn văn phòng sao?
Ngoài kia là trời cao đất rộng. Có 1001 cách để bạn phát triển sự nghiệp và bản thân mà không biến mình thành "hồn ma văn phòng". Đi tập gym để giải toả căng thẳng và nâng cao sức khoẻ. Ghé qua nhà sách kiếm vài thứ hay ho để nhâm nhi trước khi ngủ. Đi các buổi net-working party để mở rộng mối quan hệ. Gặp gỡ bạn bè cùng ngành để biết thêm về thị trường đang biến chuyển ra sao.
Muốn hiệu quả là phải có kỹ năng: kỹ năng tổ chức, kỹ năng phân tích và nghiên cứu, kỹ năng nhận định và giải quyết vấn đề, kỹ năng quản lý thời gian, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng quan sát… Và những thứ này sẽ không thể có được nếu bạn cứ mãi ru rú trong văn phòng. Phải quăng mình ra ngoài kia, gặp gỡ những "ca khó", trải nghiệm những tình huống thực tế, lắng nghe câu chuyện của nhiều người khác thì mới mong bản thân cứng cáp hơn.
Doanh nhân Nguyễn Phi Vân - một người từng đi và làm việc tại 60 quốc gia đã chia sẻ trong cuốn sách đầu tay của mình: "Khi năng lực của bản thân chưa đủ thì cơ hội nó chẳng thèm ghé mắt. Trong kinh doanh có một triết lí rất hay: "farming, not hunting" (phải biết nuôi trồng chứ không nên chỉ lo đi săn bắn). Nếu cả đời chỉ lo đi săn cơ hội thì cả đời cũng chỉ là kẻ thợ săn nơm nớp từng ngày. Còn nếu biết bỏ công gieo trồng hạt giống, đúng là hồi đầu có cực một chút, nhưng một ngày kia nó sẽ nở ra một bầy cơ hội."
Chúc bạn sẽ là một người "nuôi trồng" thông minh: vừa thành công trong sự nghiệp, vừa có được một cuộc sống đáng mơ ước, có giá trị và không đánh mất những niềm vui của riêng mình nhé!