Lúc 9h30 sáng 17/10, giá vàng nhẫn tròn 9999 của Tập đoàn Vàng bạc Đá quý Doji được bán ra ở mức 84,45 triệu đồng/lượng, đây là giá cao chưa từng có và cũng là cao nhất trên thị trường vàng nhẫn hiện nay. Giá mua loại vàng này tại Doji đang là 83,45 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá bán 1 triệu đồng.
Cùng thời điểm, Công ty TNHH MTV Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 82,9 - 84,1 triệu đồng/lượng (mua - bán), thấp hơn giá vàng nhẫn tại Doji khoảng 350.000 đồng/lượng nhưng vẫn là mức giá cao nhất từ trước đến nay tại nhà vàng này dành cho vàng nhẫn.
Bảo Tín Minh Châu hiện cũng niêm yết giá vàng nhẫn ở mức 83,33 - 84,33 triệu đồng/lượng (mua - bán). Như vậy, giá vàng nhẫn đã vượt 84 triệu đồng/lượng ở hầu hết các thương hiệu vàng lớn.
Cùng thời điểm này hôm qua, giá vàng nhẫn tại Doji vừa lập kỷ lục 84,1 triệu đồng/lượng (giá bán). Như vậy chỉ trong 1 ngày, giá vàng nhẫn tại thương hiệu này đã tăng 350.000 đồng/lượng.
Trong khi giá vàng nhẫn liên tục "nổi sóng" thì giá vàng miếng SJC hôm nay không biến đổi, sau khi tăng mạnh 1 triệu đồng/lượng và leo lên mức 86 triệu đồng trong phiên giao dịch hôm qua. Hiện vàng miếng đang được các cửa hàng niêm yết ở mức 84 - 86 triệu đồng/lượng (mua - bán). Có điều dễ nhận thấy là khoảng cách giữa hai chiều của cả vàng nhẫn và vàng miếng đều đang rất xa, khiến người mua vàng lúc này nguy cơ gặp nhiều rủi ro.
Phân tích nguyên nhân giá vàng nhẫn liên tục tăng kỷ lục, các chuyên gia cho rằng do chịu tác động từ việc giá thế giới tăng mạnh sau khi Fed hạ lãi suất. Diễn biến này đã tác động trực tiếp đến giá vàng trong nước. Tuy nhiên, do được Ngân hàng Nhà nước bình ổn nên giá vàng miếng ít biến động, chỉ còn giá vàng nhẫn chịu ảnh hưởng liên tục.
Nguyên nhân tiếp theo là do lực mua của người dân tăng mạnh, trong khi nguồn cung khan hiếm. Chuyên gia vàng Trần Duy Phương nhận định: " Gần đây có nhiều dự báo về việc giá vàng thế giới sẽ sớm chạm ngưỡng 2.800 - 3.000 USD/ounce, do vậy đã kích hoạt lực mua vàng trở lại. Đặc biệt là vàng nhẫn. Tuy nhiên do nguồn cung khan hiếm nên đã đẩy giá vàng nhẫn ngày càng lên cao ".
Hiện trên thị trường, nhiều công ty vàng lớn gần như cạn nguồn cung từ nhiều tháng qua trong bối cảnh nguồn cầu tăng mạnh. Hiện Ngân hàng Nhà nước vẫn chưa có động thái nào cho phép các doanh nghiệp kinh doanh vàng được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu. Điều này đã diễn ra hơn 10 năm qua. Ngoài ra, việc cơ quan công an đã triệt phá nhiều đường dây vàng lậu nên nguồn cung vàng nguyên liệu trên thị trường rất khan hiếm. Do vậy, vàng nhẫn từ chỗ dồi dào đã khan hàng suốt nhiều tháng qua.
Thêm một nguyên nhân được nhiều người cho rằng góp phần khiến giá vàng nhẫn không ngừng leo thang, đó là do người dân khó mua vàng miếng. Vàng miếng đang được Ngân hàng Nhà nước bán trực tiếp thông qua 4 ngân hàng và Công ty SJC nhằm bình ổn giá, sau thời gian dài tăng điên loạn. Hiện giá đã được bình ổn, không còn chênh lệch "khủng" so với thế giới nhưng rất nhiều người dân lại phản ánh họ rất khó mua được vàng miếng, cả hình thức trực tiếp và trực tuyến.
Không chỉ phải đăng ký trước, đáp ứng đủ những thủ tục phức tạp của ngân hàng, người mua còn phải chờ nhiều ngày và bị giới hạn lượng mua. Trong khi đó, nếu mua trực tiếp thì chỉ có thể mua được ở Công ty SJC với số lượng cũng bị giới hạn, còn những doanh nghiệp khác thì từ lâu đã dừng bán vàng miếng. Không ít người có nhu cầu mua số lượng lớn và để tránh thủ tục phiền hà đã phải tìm đến "chợ đen" với giá cao hơn rất nhiều.
Theo nhiều chuyên gia, thực trạng này đã “góp gió thành bão”, làm giá vàng nhẫn nóng lên từng ngày. Vì khi người dân có tâm lý chuyển sang tích trữ vàng nhẫn thì nguồn cầu sẽ tăng đột biến, trong khi nguồn cung hạn hẹp, đẩy giá tăng lên.
Chuyên gia kinh tế, TS. Nguyễn Minh Phong nhận định: “ Việc mua vàng miếng đang rất trúc trắc khiến người dân nảy sinh tâm lý chán chường do khó mua, từ đó quay sang mua vàng nhẫn là chuyện đương nhiên ".