Vàng tăng giá, nhà đầu tư chốt lời đậm
Hai vợ chồng anh Hưng (Thanh Trì, Hà Nội), kết hôn từ năm 2018, được mừng cưới 9 chỉ vàng. Giá vàng nhẫn khi đó khoảng 3,6 triệu đồng/chỉ. Từ đó, hai vợ chồng tiếp tục mua vàng tích cóp, đến nay, đã dành dụm được gần 10 cây vàng. Hiện tại, giá vàng tăng cao, chạm ngưỡng gần 90 triệu đồng/lượng.
“Năm nay, giá vàng tăng cao đột biến, hai vợ chồng tôi đang có ý định đem đi bán và tính chuyện mua nhà hoặc mua đất. Nếu bán vàng, chúng tôi sẽ thu về khoảng 900 triệu đồng, cùng với số tiền mặt sẵn có, tổng tiết kiệm là gần 3 tỷ đồng”, anh Hưng chia sẻ.
Còn với chị Hương (45 tuổi) đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, quay cuồng với tình hình biến động giá vàng, chị cũng phân vân có nên chốt lời vàng để mua đất hay không. Chị e ngại rằng giá vàng sẽ còn tăng nữa, nghĩa là nếu bán bây giờ sẽ bị “hớ”.
“Gia đình tôi tiết kiệm được ít vàng, nếu bán bây giờ gần như lãi gấp đôi so với thời điểm mua. Bạn bè, người thân ai cũng khuyên tôi nên bán chốt lời ngay, sợ vàng xuống giá. Lấy tiền đấy để chuyển sang mua đất để đầu tư. Vì về lâu dài, đất có tiềm năng tăng giá cao hơn”, chị Hương cho hay.
Có thể thấy rằng, thời gian vừa qua, giá vàng liên tục thiết lập đỉnh, khiến người dân đứng ngồi không yên. Hiện, giá vàng neo quanh 90 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC cũng từng đạt đỉnh ở mức 92,4 triệu đồng/lượng vào ngày 10/05/2024. Người thì muốn bán mang tiền về ngay, người thì lưỡng lự muốn giữ để chờ tăng giá tiếp.
Lý giải nguyên nhân về việc giá vàng tăng dựng đứng trong thời gian vừa qua, PGS,TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, giá vàng tăng cao là kết quả của các cuộc xung đột vũ trang trên thế giới. Ở Việt Nam, rất lâu rồi giá vàng mới tăng mạnh như thời gian gần đây. Vì vậy những nhà đầu tư đang ôm vàng có thể nghĩ đến việc bán ra ở thời điểm này vì lợi nhuận hấp dẫn.
"Nhà đầu tư không nên chờ giá lên đỉnh mới chốt lời. Bởi lẽ, giá vàng tăng nhưng cũng không biết đâu là đỉnh và có thể rơi xuống bất cứ lúc nào. Vì vậy, nếu đến điểm thấy có lợi nhuận hợp lý, nhà đầu tư nên bán chốt lời", ông Thịnh đưa ra lời khuyên.
Có nên rót tiền vào bất động sản
Trước diễn biến này, một số chuyên gia cho rằng, giá vàng biến động hàng ngày, trồi sụt thất thường và rất khó lường. Còn bất động sản có tính chu kỳ, tiềm năng tăng trưởng sẽ ổn định và bền vững hơn.
Như TS. Lê Xuân Nghĩa từng nói, nếu so sánh về tốc độ tăng giá của các loại tài sản thì bất động sản tăng khủng khiếp nhất. Từ năm 1990 đến nay, giá vàng trên thế giới cũng như ở Việt Nam đã tăng khoảng 30 lần. Trong khi giá bất động sản tăng thấp nhất ở các tỉnh xa, tỉnh nghèo cũng đạt 100 lần, còn tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là lên tới 400 lần. Song, vàng và bất động sản vẫn là những tài sản chủ chốt để cất trữ tiền. Trong ngắn hạn, có thể có lúc tăng lúc giảm, song xu thế dài hạn là luôn đi lên.
Quan điểm của ông Dương Đức Hiển - Nguyên Giám đốc bộ phận kinh doanh Savills Việt Nam thì cho rằng: "Thực tế chứng mình rằng, 40 năm qua, giá bất động sản chưa một lần giảm. Do vậy, chúng ta có thể thấy trong lúc kinh tế khó khăn thì nhiều dự án vẫn có tính thanh khoản tốt. Tôi vẫn khuyên các nhà đầu tư rằng, chỉ nên nhắm vào đầu tư trung hoặc dài hạn. Chỉ tiếc rằng, tâm lý của nhà đầu tư Việt hiện nay vẫn thích đầu tư ngắn hạn, lướt sóng mà quên mất rằng, muốn thu lợi nhuận cao từ bất động sản thì phải đầu tư dài hạn".
Sang năm 2024, tình hình thị trường bất động sản đã có nhiều tín hiệu cải thiện khởi sắc. So với vàng, hình thức đầu tư bất động sản sẽ ổn định và có khả năng thu về nguồn lợi nhuận rất lớn. Tuy nhiên, để đầu tư bất động sản thành công không hề đơn giản, nó đòi hỏi phải trang bị nhiều kiến thức và am hiểu thị trường.
Ngoài ra, việc đầu tư vào bất động sản mang tính dài hạn, cần lượng vốn đầu tư lớn khiến hoạt động đầu tư bất động sản chỉ phù hợp với một số nhà đầu tư có nguồn lực tài chính nhất định. Còn với các nhà đầu tư có quy mô vốn nhỏ và có nguyện vọng đầu tư trong ngắn hạn, kênh đầu tư bất động sản lại trở nên không phù hợp.