Vận hội mới của du lịch Đồng Tháp

Thu Trang - Ảnh: Sở VHTT và Du lịch Đồng Tháp, Theo VTV 12:15 18/07/2025
Chia sẻ

Sau khi hợp nhất hai tỉnh Tiền Giang và Đồng Tháp, "vùng đất sen hồng" đang bước vào một vận hội mới, với tiềm năng du lịch ngày càng đa dạng và phong phú.

Cù lao Tân Phong

Cù lao Tân Phong

Sự hội tụ đầy đủ ba trục phát triển chủ lực của vùng Tây Nam Bộ gồm sinh thái đất ngập nước, trải nghiệm miệt vườn và giá trị văn hóa - lịch sử đã tạo nền tảng vững chắc để Đồng Tháp định vị như một cực tăng trưởng du lịch mới, gắn với phát triển xanh và bảo tồn bản sắc vùng.

Ba trục du lịch đặc trưng

Trục thứ nhất, cũng là điểm khác biệt nổi bật của Đồng Tháp, là hệ sinh thái đất ngập nước. Vùng Đồng Tháp Mười trải rộng qua Tam Nông, Tháp Mười, Cao Lãnh, nay mở rộng thêm về phía Đông với các vùng trũng ven sông Tiền thuộc Cái Bè và Cai Lậy, trước đây là địa bàn của Tiền Giang. Nổi bật trong khu vực này là Vườn quốc gia Tràm Chim, một trong những vùng đất ngập nước quan trọng nhất Đông Nam Á, nơi cư trú của sếu đầu đỏ và hàng trăm loài chim di cư quý hiếm. Không chỉ là biểu tượng sinh thái của tỉnh, Tràm Chim còn là điểm đến tiêu biểu cấp quốc gia.

Vận hội mới của du lịch Đồng Tháp- Ảnh 2.

Vườn quốc gia Tràm Chim

Bên cạnh đó, các địa danh như Xẻo Quýt, Gáo Giồng, Tân Kiều và khu sinh thái Láng Sen tiếp tục khẳng định vị thế của Đồng Tháp trong xu hướng du lịch xanh. Sau khi hợp nhất, không gian du lịch được mở rộng, tạo điều kiện thuận lợi để kết nối hệ sinh thái ngập nước theo trục liên huyện, liên tỉnh. Điều này mở ra cơ hội hình thành các chuỗi sản phẩm khép kín, phục vụ nghỉ dưỡng dài ngày, du lịch học đường và nghiên cứu sinh thái.

Vận hội mới của du lịch Đồng Tháp- Ảnh 3.

Du lịch làng nghề cũng là một điểm mạnh của Đồng Tháp.

Trục thứ hai là du lịch miệt vườn, điểm sáng đặc trưng của vùng sông nước Cửu Long. Cù lao Tân Phong (Tiền Giang) gây ấn tượng với hơn 1.000 ha vườn cây ăn trái đặc sản như chôm chôm, nhãn, mít, sầu riêng, kết hợp với các hoạt động như tắm cồn, chèo xuồng rạch nhỏ, đạp xe, câu cá, tham quan làng nghề và nghỉ dưỡng tại các homestay sinh thái. Phía Đồng Tháp cũ, cù lao Tân Thuận Đông (Cao Lãnh) cũng phát triển mạnh du lịch cộng đồng với các sản phẩm như chợ quê cuối tuần, tham quan vườn xoài cổ, đờn ca tài tử và cắm trại ven sông.

Vận hội mới của du lịch Đồng Tháp- Ảnh 4.

Làng hoa Sa Đéc

Du lịch miệt vườn vừa là trải nghiệm sinh thái vừa là cầu nối phát triển du lịch cộng đồng, gắn với sản phẩm OCOP và văn hóa địa phương. Sau hợp nhất, tỉnh có thêm nhiều cụm du lịch nông nghiệp quy mô nhỏ, linh hoạt và thân thiện, tạo sự đa dạng cho sản phẩm. Mô hình này đặc biệt phù hợp với thị trường khách nội địa, khách quốc tế theo nhóm nhỏ và các gia đình.

Vận hội mới của du lịch Đồng Tháp- Ảnh 5.

Vận hội mới của du lịch Đồng Tháp- Ảnh 6.

Du lịch văn hóa-lịch sử sẽ được đẩy mạnh

Trục thứ ba là du lịch văn hóa - lịch sử, vốn là thế mạnh lâu đời của cả hai tỉnh. Tại Đồng Tháp (cũ), cụm di tích gồm Gò Tháp, Di tích quốc gia đặc biệt đình cổ Tân Phú Trung, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê và chùa Kiến An Cung tạo nên một hành lang di sản đặc sắc. Phía Tiền Giang bổ sung cho bức tranh chung bằng các địa điểm như khu di tích Rạch Gầm - Xoài Mút (xã Kim Sơn), đình Long Hưng và Văn Thánh Miếu, nơi lưu giữ giá trị lịch sử và văn hóa tín ngưỡng truyền thống. Tất cả tạo nền cho các tuyến tour giáo dục - truyền thống - trải nghiệm trong vùng.

Tái định vị không gian du lịch mới

Việc hội tụ ba trục du lịch chủ lực là bước khởi đầu quan trọng, nhưng để phát huy hiệu quả, Đồng Tháp cần nhanh chóng tái cấu trúc ngành du lịch theo hướng chuyên nghiệp, đồng thời xây dựng chiến lược liên kết vùng và định vị thương hiệu mới.

Vận hội mới của du lịch Đồng Tháp- Ảnh 7.

Vận hội mới của du lịch Đồng Tháp- Ảnh 8.

Các không gian mang đậm bản sắc văn hóa sẽ được phát huy để thu hút du khách.

Sau hợp nhất, tỉnh nắm giữ vị trí trung tâm vùng Tây Nam Bộ, kết nối trực tiếp với Long An, Vĩnh Long, Bến Tre và TP Cần Thơ. Đây là lợi thế lớn để mở rộng các hành lang du lịch, đặc biệt là tuyến sông Tiền - sông Hậu và tuyến đường thủy TP Hồ Chí Minh - Tiền Giang - Sa Đéc -Tràm Chim - Láng Sen. Khả năng kết nối dọc theo các tuyến sông chính như sông Tiền, sông Hậu tạo điều kiện để Đồng Tháp trở thành trung tâm du lịch sinh thái, văn hóa và nông nghiệp của toàn vùng. Tỉnh cũng định hướng phát triển đa dạng các loại hình, gồm: du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng; văn hóa - tâm linh; hội nghị - sự kiện; nông nghiệp - trải nghiệm; ẩm thực - mua sắm; du lịch số; du lịch đường thủy; du lịch làng - gắn với đình làng, nhà cổ, làng nghề thủ công. Trọng tâm giai đoạn tới là đầu tư hạ tầng lưu trú, phát triển resort sinh thái quy mô nhỏ, chất lượng cao và dịch vụ thân thiện với môi trường.

Vận hội mới của du lịch Đồng Tháp- Ảnh 9.

Du khách quốc tế trải nghiệm dệt chiếu

Sự thay đổi về địa giới hành chính đã mở ra cơ hội tái thiết ngành du lịch theo hướng bền vững. Nếu tận dụng tốt thời điểm này, Đồng Tháp hoàn toàn có thể trở thành mô hình du lịch xanh đặc trưng, mang đậm bản sắc vùng đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn mới.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày