Nhật báo JoongAng của Hàn Quốc đưa ra một quan sát thú vị: Mỗi khi bước chân vào một thang máy trong tòa nhà cao tầng ở nước này, hãy bỏ vài giây chú ý đến nút đóng cửa của nó. Trong phần nhiều trường hợp, nút bấm này đặc biệt "tơi tả" và hao mòn vì số lượng quá lớn người liên tục ấn vào nó nhằm tiết kiệm vài giây ngắn ngủi trên đường đi đâu đó.
Hồi năm 2014, bác sĩ Kim Do-hoon của Bệnh viện Ansan thuộc Đại học Hàn Quốc từng tiết lộ trong thời gian hành nghề 2 năm tại đây, ông đã khảo sát 8.770 bệnh nhân và phát hiện rằng gần 90% trong số họ ăn xong chỉ trong vòng dưới 15 phút.
Ăn nhanh là một biểu hiện trong văn hóa "ppalli ppalli" của Hàn Quốc, có liên quan đến sự phát triển kinh tế thần tốc trong quá khứ. Tuy nhiên, ăn nhanh sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tăng lipid máu, liên quan đến lượng phân tử hòa tan chất béo trong máu cao bất thường.
Ăn quá nhanh cũng làm tăng nguy cơ trào ngược, khó tiêu và béo phì, do mất từ 15 đến 20 phút trước khi bộ não của chúng ta nhận ra rằng dạ dày của chúng ta đã nhận đủ thức ăn và nó không cần thêm nữa.
Một ví dụ khác là tại các trạm xe bus khi người ta hối hả lao lên những chiếc xe không kịp chờ khách quẹt thẻ trả tiền vé trước khi lăn bánh. Khi tới bến, nhiều người cũng đã đứng chờ bồn chồn từ trước để có thể phi ngay xuống một khi cửa mở ra.
Sự khẩn trương trong mọi hành động của người Hàn, theo cách nào đó, đã ăn sâu vào văn hóa và lối sống người dân ở đây đến mức nhiều khi được ghi nhận là một trong những cú sốc văn hóa lớn nhất với người nước ngoài.
Vì sự phổ biến đó, cái tên "ppalli ppalli" ra đời. Ppalli (빨리) trong tiếng Hàn có nghĩa là "nhanh lên!" hoặc "khẩn trương lên", hay được dùng như một câu thúc giục. Nếu bạn đã có cơ hội đến Hàn Quốc hoặc tiếp xúc nhiều với phim ảnh nước này, hẳn cụm từ này không còn xa lạ gì. Văn hóa "khẩn trương lên" này khuyến khích mọi người có tác phong thật nhanh chóng xử lý mọi việc trong cuộc sống.
Nhiều chuyên gia cho rằng văn hóa "sống gấp" này có liên quan mật thiết đến kỳ tích Sông Hán - khi nền kinh tế và công nghiệp của đất nước phát triển thần tốc sau chiến tranh. Trong bối cảnh đó, tốc độ trong mọi thao tác, hành động thường ngày được coi là rất hiệu quả và là cơ sở cho sự phát triển xã hội.
Tuy nhiên, theo thời gian, người dân trong nước cũng đã biết rằng việc thực hành "ppalli ppalli" một cách tiêu cực có thể dẫn đến sự cẩu thả hoặc bỏ qua các giá trị quan trọng hơn, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần.
Trong chuyến thăm đến một nhà hàng chuyên dành cho tài xế ở quận Gwanak của thủ đô Seoul, cây viết Matt C. Crawford của BBC Travel cố tình đặt đồng hồ bấm giờ sau khi vừa đặt đồ ăn. Theo quan sát của anh, chỉ mất hơn 2 phút để người phục vụ mang ra đầy đủ kimchi và các món ăn kèm, và hơn 1 phút nữa để bưng ra một bát canh xương lợn nghi ngút khói vừa chuẩn bị xong.
Thật vậy, không chỉ ăn nhanh - ngay cả việc chuẩn bị đồ ăn và phục vụ của người Hàn cũng "thần tốc", đặc biệt ấn tượng khi đất nước này không có văn hóa tip.
Lý giải về việc tại sao người Hàn lại "ám ảnh" với lối sống "ppalli ppalli", các nhà phân tích vẫn chưa thể thống nhất. Một lý giải chủ đạo là việc đất nước này nhanh chóng nhảy vọt từ một nền kinh tế nghèo nàn thành quốc gia công nghiệp hiện đại hóa đã giúp hình thành một thiện cảm nhất định cho văn hóa này.
Một phần đóng góp cho kết quả này là thời kỳ lãnh đạo của cựu Tổng thống Park Chung Hee từ 1963 đến 1979. Dù vẫn còn nhiều tranh cãi về di sản của ông, nhiều người cho rằng tinh thần được lãnh đạo này truyền tải vào hoạt động kinh doanh và đời sống thường nhật đã thực sự nảy nở vào thời gian đó.
Ví dụ, xuất khẩu của Hàn Quốc chỉ đạt 100 triệu USD vào năm 1964, nhưng đã tăng lên 10 tỷ USD vào năm 1977, trước 3 năm so với kế hoạch. Chính quyền chỉ mất 2,5 năm để hoàn thành Đường cao tốc Gyeongbu, một tuyến đường cao tốc nối thủ đô với cực nam Busan, vào năm 1968.
Kang Jun-man, giáo sư chuyên mục và báo chí tại Đại học Quốc gia Jeonbuk cho biết: "Thời điểm quan trọng mà 'ppalli ppali' trở thành quy tắc ứng xử của người Hàn Quốc là những năm 1960 khi các kế hoạch phát triển kinh tế được thúc đẩy bởi chính phủ quân sự sau Chiến tranh".
Trên thực tế, người dân Hàn từng sống "thư thả" hơn nhiều, khi chỉ vài thập kỷ trước (những năm 1960), khoảng 72% dân số vẫn sống ở nông thôn.
Nhà nhân chủng học Kim Choong-soon
Công dân Hàn Quốc nhập tịch Gary Rector, người đến Seoul với tư cách là tình nguyện viên của Đoàn Hòa bình Hoa Kỳ vào năm 1967, hồi tưởng: "Tôi nhớ mình đã rất ngạc nhiên vì trước khi đến đây, tôi đã có ý tưởng khuôn mẫu rằng họ sẽ thả lỏng kiểu thiền định và có cuộc sống chậm rãi.
Tuy nhiên, tôi lại thấy rằng mọi người thường lao đi còn nhiều hơn người Mỹ. Những người lớn tuổi thư thả hơn, nhưng những người ở độ tuổi của tôi - khi đó tôi 24 - bận rộn như thoi đưa để cố gắng cải thiện lối sống của họ".
Nhà nhân chủng học Kim Choong-soon cho rằng phần lớn thành công của Hàn Quốc với tư cách là một đất nước xuất khẩu tập trung vào tốc độ. "Việc thực hành 'ppalli ppalli' không chỉ đơn thuần là một phần trong cuộc sống hàng ngày của người Hàn Quốc; sự nhanh chóng đã ăn sâu vào tâm trí họ như một giá trị cơ bản", ông viết trong cuốn Way Back to Korea. "Nhờ văn hóa vội vàng này, Hàn Quốc đã có thể đạt được tiến bộ kinh tế to lớn và công nghiệp hóa trong một thời gian rất ngắn".
Tuy nhiên, một điều bất ngờ là "ppalli ppalli" không hoàn toàn là kết quả của quá trình hiện đại hóa mà đã có nguyên cớ văn hóa sâu xa trước đây. Mặc dù Hàn Quốc được công nhận nhiều hơn về lối sống khẩn trương, nhưng Triều Tiên cũng vậy. Cố lãnh đạo Kim Il-sung của Triều Tiên khuyến khích người lao động khao khát ''tốc độ chollima'', ám chỉ một con ngựa thần thoại bay khoảng 400km mỗi ngày.
Truyền thống đó vẫn tiếp tục ở Triều Tiên hiện đại, với các tòa tháp căn hộ cao cấp trên phố Ryomyong của Bình Nhưỡng mở cửa vào năm 2017 chỉ sau 1 năm xây dựng.
Kim Choong-soon đồng tình với ý kiến rằng lối sống này có nguồn gốc lâu đời hơn. Ông dẫn chứng các tòa nhà và công trình thời tiền hiện đại cũng đã được hoàn thành trước hạn, chẳng hạn như pháo đài Hwaseong ở Suwon đã được hoàn thành sớm 7 năm vào 1796 và vẫn trong tình trạng tuyệt vời.
Pháo đài Hwaseong ở thành phố Suwon là kỳ quan được hoàn thành chỉ trong 2 năm.
Tương tự như vậy, người ta tự hỏi liệu chiếc men ngọc tinh xảo của triều đại Goryeo (918-1392) có được tạo ra trên bánh xe của người thợ gốm với hiệu suất tương tự như đặc trưng của các sản phẩm Hàn Quốc ngày nay hay không. Sự khéo léo bằng tay và trình độ nghệ thuật chắc chắn đã được đánh giá cao vào thế kỷ 16, khi nhà thư pháp Han Seok-bong đưa nghệ thuật thư pháp "không nhấc bút lên khỏi giấy" lên đỉnh cao.
Sejong Đại đế, người trị vì thứ tư của triều đại Joseon (1392-1910) có công tạo ra hangul (chữ viết của Hàn Quốc), đã viết về xu hướng vội vã của người dân trong biên niên sử của hoàng gia.
Biên niên sử cho biết: "Người dân có xu hướng vội vàng vào mọi dịp, vì vậy họ thiếu chính xác. Làm thế nào chúng ta có thể chế tạo tốt mái ngói để ngăn chúng bị phá hủy khi mưa lớn?".
Isabella Bird Bishop, một nhà thám hiểm và nhà văn người Anh, cũng ghi nhận sự nhanh nhạy trong học tập của người dân.
Bà viết trong cuốn sách xuất bản năm 1897: "Các giáo viên nước ngoài sẵn sàng làm chứng cho sự nhạy bén về tinh thần và khả năng nhận thức nhanh, cũng như khả năng tiếp thu ngôn ngữ nhanh chóng, họ nói trôi chảy hơn và có giọng tốt hơn nhiều so với (một số quốc gia Đông Á khác)".
Dù lối sống này đã ăn sâu vào hành vi của người Hàn và bao phủ gần như mọi khía cạnh thường nhật, một điều không khó nhận ra là có vài khía cạnh mà ở đó tinh thần khẩn trương của họ nổi bật hơn cả.
Một ví dụ là trong vấn đề sử dụng công nghệ. Người Hàn Quốc đặc biệt thiếu kiên nhẫn với tốc độ internet chậm, vì nó cản trở việc trao đổi nhanh chóng như thông tin liên lạc, ngân hàng, mua sắm và rất nhiều tác vụ khác hiện được thực hiện thông qua thiết bị di động. Một số người thậm chí nóng ruột đến mức chọn đóng trình duyệt và thử lại thay vì nhìn vào màn hình tải trong 3 giây nữa.
Hàn Quốc là một trong những quốc gia đi đầu về hạ tầng mạng 5G, cả về tốc độ và phạm vi phủ sóng.
Kết quả không có gì đáng ngạc nhiên khi theo dữ liệu của trang Fastmetrics, nước này hiện có tốc độ internet cao thứ 15 trên thế giới và thứ 2 ở châu Á, chỉ sau Hong Kong.
Khi KakaoTalk, một ứng dụng nhắn tin di động được hơn 90% dân số Hàn Quốc sử dụng, gặp sự cố trong giây lát gần đây, người dùng đã nhanh chóng chuyển sang các kênh mạng xã hội khác để báo cáo khiếu nại, thậm chí đưa "lỗi KakaoTalk" lên đầu các cụm từ thịnh hành trên các trang web thông tin.
Một lỗi trên ứng dụng liên quan đến việc gửi văn bản và hình ảnh đã xảy ra vào năm ngoái, hôm 5/5 trong 2 giờ, khiến mọi người tràn lên các diễn đàn trực tuyến và các trang mạng xã hội để phàn nàn về những bất tiện liên quan đến trục trặc, theo JoongAng.
Sau vụ việc, Bộ Khoa học và CNTT-TT Hàn Quốc đã tiến hành một cuộc điều tra để xem xét liệu Kakao, nhà điều hành của ứng dụng nhắn tin, có quản lý đúng cách các máy chủ của họ hay không.
Nhu cầu về tốc độ cũng thúc đẩy sự truy cập rộng rãi của kết nối internet không dây và băng thông rộng, khiến quốc gia này có biệt danh là "một trong những quốc gia được kết nối rộng nhất".
Đây là lý do chính mà Chính phủ Hàn Quốc cũng như các công ty đều bận tâm đến việc trở thành người đầu tiên cung cấp các dịch vụ không dây tiên tiến nhất và nhanh nhất. Hàn Quốc là quốc gia đầu tiên triển khai mạng 5G, mặc dù tốc độ và chất lượng tổng thể của mạng chưa bằng được so với quảng cáo ban đầu.
Một yếu tố bất ngờ là văn hóa này mang lại những chiến thắng được công nhận của Hàn Quốc ở nhiều bộ môn liên quan đến tốc độ. LG Mobile World Cup, một cuộc thi nhắn tin, đã được đội Hàn Quốc giành chiến thắng khi tổ chức tại New York vào năm 2010. Và có lẽ không phải ngẫu nhiên mà các vận động viên Olympic Hàn Quốc đã xuất sắc trong các môn thể thao cần tốc độ như bắn cung và bắn súng. Hơn nữa, họ đã thống trị phần lớn ở môn trượt băng tốc độ đường ngắn, giành được tổng cộng 48 huy chương Olympic cho đến nay.
Đó không phải những lĩnh vực duy nhất. Từ quan điểm của nền văn hóa ''ppalli ppalli'', hệ thống giao thông công cộng của Hàn Quốc là một phương pháp trọng tâm cho việc di chuyển với nhịp độ nhanh.
Tàu cao tốc, hệ thống tàu điện ngầm và xe buýt của quốc gia này rất phát triển, phủ khắp mọi nơi trên đất nước. Chúng đến đúng giờ trong hầu hết các trường hợp, miễn là hành khách có thể truy cập thông tin giao thông theo thời gian thực được hỗ trợ bởi việc quốc gia này áp dụng rộng rãi hệ thống định vị toàn cầu và cơ sở hạ tầng mạng tiên tiến.
Tại mỗi trạm xe buýt, một bảng hiển thị thời điểm các chuyến xe buýt nhất định sẽ đến. Seoul sử dụng các bảng điện tử này tại hơn 800 điểm dừng, với khoảng 7.800 xe buýt nội thành được kết nối với hệ thống.
Hệ thống thông tin chuyển tuyến thời gian thực đã trở nên phổ biến hiện nay, nhưng điều đáng chú ý là Hàn Quốc đã sử dụng hệ thống này từ năm 2001. Thành phố Bucheon, Gyeonggi, lần đầu tiên lắp đặt hệ thống này, tiếp theo là các khu vực lân cận bao gồm cả Seoul và các thành phố khác.
Thời gian ước tính hồi đó không chính xác như hiện tại, nhưng chính quyền thành phố vẫn tiếp tục cải thiện nó. Theo chính quyền thành phố Seoul, độ chính xác của thời gian đến là 94%.
Hành khách cũng ám ảnh với việc luôn tìm các tuyến đường ngắn và nhanh nhất. Những nhà cung cấp như Naver và Kakao đưa ra thông tin về tuyến đường di chuyển nhanh nhất trong các tuyến tàu điện ngầm để cho phép người đi làm tìm cách tối ưu để di chuyển.
Ngành giao hàng cũng không ngoại lệ. Nếu người Hàn Quốc gọi món gì, họ muốn có trong tay càng nhanh càng tốt. Có thể nói rằng xu hướng như vậy là phổ biến trên toàn cầu, nhưng ở Hàn Quốc có chăng đã tới mức cực đoan.
Ngay cả trước khi điện thoại thông minh hay khái niệm về ứng dụng di động tồn tại, người dân ở đây sẽ gọi đồ ăn qua điện thoại khi cần một bữa ăn nhanh, đơn giản. Thời gian giao hàng sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại và số lượng thực phẩm, nhưng người tiêu dùng sẽ mong đợi đơn đặt hàng của họ phải đến trong vòng chưa đầy 30 phút - chỉ cần lâu hơn 1 giờ sẽ đảm bảo chắc chắn một cuộc gọi khiếu nại.
Một số chuỗi nhà hàng như McDonald's phải thuê nhân viên giao hàng riêng để vận chuyển thức ăn bằng máy. Tuy nhiên, sự ra đời của điện thoại thông minh đã đưa nhiều nhà hàng đa dạng hơn vào hệ thống giao hàng, với các quán ăn có sẵn, từ súp truyền thống Hàn Quốc và các món ăn kèm, sushi và mì Ý đến pizza và hamburger hay thức ăn nhanh.
Trong lĩnh vực mua sắm trực tuyến, mất hơn 2 ngày để có được một kiện hàng là thử thách sự kiên nhẫn của khách Hàn. Những công ty thương mại điện tử nổi tiếng như Coupang và Market Kurly đã giới thiệu hình thức giao hàng trong ngày hoặc vào sáng sớm để đảm bảo các gói hàng sẽ đến trong ngày sau khi đặt hàng.
Tuy nhiên, chính văn hóa này cũng đã tạo ra nhiều thách thức với quốc gia Đông Bắc Á, khiến nhiều người phải đặt câu hỏi về tính hợp lý của nó.
Một ví dụ mang tính biểu tượng là vụ sập Cửa hàng bách hóa Sampoong vào năm 1995, khiến 502 người thiệt mạng và hơn 900 người bị thương. Nguyên nhân của vụ sập được cho là do hỏng cấu trúc.
Trước đó 8 tháng, cầu Seongsu bắc qua sông Hàn ở Seoul bị sập xuống sông, cuốn theo ô tô, xe tải và xe buýt. Một lần nữa, nguyên nhân là một phần bị lỗi trong cấu trúc hỗ trợ.
Sau một loạt các sự cố bi thảm mà văn hóa vội vã có thể đã đóng một vai trò nào đó, các nhà lãnh đạo chính trị và kinh doanh, ít nhất là về mặt diễn thuyết, đã ít tập trung vào tốc độ và nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tỉ mỉ và chính xác, đặc biệt là khi bước vào những năm 2000.
"Ppalli ppalli" đã trở thành một định danh trong tính cách người Hàn.
Và trong khi nhiều người Hàn Quốc hoàn toàn chấp nhận sự tiện lợi của mì ăn liền và việc giao bưu kiện trong ngày, thì những người khác lại từ chối nhịp sống hối hả và nhộn nhịp của thành phố.
Ví dụ, nhiều người nổi tiếng đã chuyển đến đảo Jeju ở phía nam, nơi có nhịp độ chậm hơn nhiều. Những người này bao gồm diva nhạc pop Lee Hyori và chồng của cô là Lee Sang-soon và đã thể hiện lối sống thôn quê, thư thả của họ trên chương trình truyền hình thực tế nổi tiếng Hyori's Bed and Breakfast.
Mặt khác, văn hóa "ppalli ppalli" cũng đang gây ra không ít hiểu nhầm ở cả trong và ngoài nước với cách người Hàn tiếp cận với công việc.
Trong sự kiện phà Sewol bị chìm, tâm lý này hay chính xác hơn là một phần mở rộng của nó ở việc đốt cháy giai đoạn, bị cho là nguyên nhân. Chiếc phà lớn vận chuyển nhiều hàng hóa hơn mức cho phép và không được bảo đảm an toàn bên trong khoang chở hàng. 295 người, chủ yếu là học sinh trong một chuyến đi cùng trường, đã thiệt mạng trong khi 9 người mất tích.
Vấn đề tương tự cũng xảy ra với câu chuyện chiếc Galaxy Note 7 của Samsung Electronics, sản phẩm đã bị ngừng sản xuất và bán ra sau khi một số thiết bị được báo cáo là phát nổ. Giới truyền thông và các chuyên gia đổ lỗi cho Samsung vì đã quá vội vàng trong việc tung ra điện thoại thông minh đời mới nhất trước đối thủ Apple. Kết quả là họ nói rằng Samsung vẫn không biết gì về nguyên nhân của các vụ nổ.
Theo lập luận của những người chỉ trích "ppalli ppalli", người Hàn Quốc đã biến đất nước của họ từ một quốc gia nghèo nhất thế giới trở thành một trong những nền kinh tế hàng đầu trong một thời gian ngắn. Kết quả là, khả năng chú ý đến chi tiết và xem xét sự an toàn là trên hết, những đặc điểm phổ biến ở các quốc gia phát triển, đã bị mất đi trong quá trình chuyển đổi.
Dần dần, có một phong trào chỉ trích văn hóa này và đổ lỗi nó cho mọi vấn đề của xứ sở Kim Chi. Tuy nhiên, điều mỉa mai là quy kết như vậy cũng quá vội vàng. Đơn cử như vụ việc chìm phà Sewol là do một cú ngoặt gấp chứ không đơn thuần là "ppalli ppalli"; tương tự, việc ra mắt chiếc Note 7 của Samsung cũng là một nỗ lực đơn thuần của mọi doanh nghiệp nhằm vượt lên trước đối thủ và rủi ro đối với mặt hàng điện tử, nhất là với công nghệ tiên phong là khó tránh khỏi.
Theo tờ Korea Times, dù có bị chỉ trích thế nào thì từ quan điểm của Hàn Quốc, "ppalli ppalli" vẫn là một văn hóa cần được bênh vực.
Thứ nhất, nó là một phần DNA của quốc gia đã gắn liền với người dân Hàn Quốc. Nó ẩn sâu trong định danh dân tộc như sự kiên nhẫn của người Anh, sự khéo léo của người Nhật, chủ nghĩa thực dụng của người Mỹ hay ý thức trung lập của người Thụy Sĩ, v.v.
Korea Times kết luận, Ppalli ppalli là một phần trong công thức thành công của người Hàn. Ngay cả đối với thời đại thay đổi nhanh chóng hiện tại, nó sẽ vẫn là một phần cốt tủy của văn hóa đất nước này và sẽ thay đổi, chuyển mình chứ không thể biến mất.