Vòng 16 đội của World Cup 2018 đã khép lại với những kết quả ngoài mong đợi, khi những tên tuổi lớn nhất làng túc cầu thế giới như Ronaldo, Messi, Iniesta... đều phải dừng bước.
Nhưng dù có bất ngờ hay không, thì những cái tên đến được vòng tứ kết đã được xác nhận rồi. Và bây giờ, chúng ta hãy xét đến cặp đấu đầu tiên: Uruguay và Pháp.
Đội tuyển Uruguay năm nay trình làng một lối đá chặt chẽ đến lạ thường, khác hẳn với "chất" vốn có của các đội bóng đến từ Nam Mỹ. Còn các chú gà trống Gaulois, đội hình có giá trị chuyển nhượng cao nhất giải cũng không hề kém cạnh khi cống hiến cho khán giả những trận cầu mãn nhãn.
Đội nào sẽ thắng, hãy đợi thời gian trả lời. Còn bây giờ, có lẽ bạn sẽ ngạc nhiên khi biết rằng đây là một trận đấu của hai đất nước có nhiều cái nhất hết sức kỳ lạ.
1. Quốc gia bé gần nhất Nam Mỹ với "đại gia" số 1 châu Âu
Ở đây chúng ta nói về diện tích thôi. Nam Mỹ có Brazil và Argentina - những nơi có diện tích hàng triệu km2, đứng hàng top thế giới. Vậy mà cả lục địa có 12 nước thì ông Uruguay đứng thứ 11 (176.000 km2) có chán không cơ chứ?
Pháp thì đến từ châu Âu, châu lục có diện tích khá khiêm tốn. Nhưng đây lại là quốc gia lớn nhất châu Âu, nên dù sao cũng cần giữ thể diện một chút. Để so sánh thì diện tích của Pháp là 643.000 km2, gấp 3 lần so với đại diện Nam Mỹ.
2. Đất nước chịu thuộc địa gần 3 thế kỷ với đội quân mạnh nhất lịch sử
Có lẽ nhiều người không biết, Pháp từng sở hữu một đội quân thực sự hùng mạnh, là nỗi khiếp đảm đối với phần còn lại của thế giới. Thậm chí, đã có thời điểm quân đội Pháp nắm quyền kiểm soát tới 8% diện tích thế giới - nghe thì nhỏ, nhưng đó là... 40 triệu km2 đấy.
Đặc biệt, thành tích chiến đấu của quân đội Pháp cũng tốt bậc nhất châu Âu. Trong tổng số 168 trận chiến từ năm 387 TCN, người Pháp thắng 109 trận, thua 49 và hòa 10.
Uruguay thì không được như vậy. Các quốc gia tại châu Mỹ đã phải chịu sự xâm lược của người da trắng, và Uruguay cũng không ngoại lệ. Quốc gia này đã bị thực dân Tây Ban Nha tấn công vào đầu thế kỷ 16, và sau này là cả Bồ Đào Nha từ Brazil. Mãi đến đầu thế kỷ 19, đất nước mới giành lại nền độc lập cho mình, nhờ cuộc cách mạng do anh hùng dân tộc José Gervasio Artigas lãnh đạo.
3. 2013 - cột mốc đánh dấu hai thứ "đầu tiên" hết sức thú vị
Năm 2013, Uruguay trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới hợp pháp hóa trồng và kinh doanh... cần sa. Dù đây cũng chẳng phải cột mốc đáng ca ngợi lắm, nhưng vẫn là cái đầu tiên, đúng không?
Còn với người Pháp, thứ "đầu tiên" của họ có ý nghĩa hơn. Năm ấy, Pháp chào đón ca phẫu thuật ghép tim nhân tạo đầu tiên trong lịch sử thế giới, diễn ra vào tháng 12.
4. Bản quốc ca dài nhất thế giới vs cuốn tiểu thuyết dài nhất lịch sử
Uruguay hiện vẫn đang giữ kỷ lục có bản quốc ca dài nhất lịch sử thế giới - bao gồm 105 khuông nhạc, kéo dài 6 phút.
Còn người Pháp, họ lại sở hữu cuốn tiểu thuyết dài nhất lịch sử. Đó là cuốn kiệt tác của Marcel Proust, mang tên A la recherche du temps perdu (hay Đi tìm thời gian đã mất), gồm 13 tập và tổng cộng 1,3 triệu từ trong đó.