Người ta nói: “Có thể ba ngày không ăn nhưng không thể một ngày không uống nước”. Song, dù thiếu nước có hại cho cơ thể nhưng chọn sai cốc uống nước lại càng nguy hiểm hơn, nhất là đối với nước nóng.
Một số loại cốc với chất liệu và kiểu dáng đẹp mắt nhưng khi tiếp xúc với nhiệt độ cao sẽ giải phóng chất gây hại, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người uống nước. Dưới đây là 7 loại cốc không nên dùng để đựng nước sôi, bạn cần tránh xa!
1. Cốc tráng men bị bong tróc
Cốc tráng men dày dặn, khi dùng cảm thấy chắc chắn, giữ nhiệt tốt nhưng khi lớp men bị bong tróc lại trở thành “sát thủ thầm lặng” đối với sức khỏe.
Cụ thể, lớp men trên cốc tráng men có tác dụng bảo vệ nhưng nếu bị bong tróc, phần kim loại lộ ra sẽ giải phóng kim loại nặng khi tiếp xúc với nước nóng. Đặc biệt, những chiếc cốc cũ không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn có khả năng chứa nhiều chất độc hại hơn.
Ở Trung Quốc đã xảy ra trường hợp 1 cụ bà thường xuyên dùng cốc tráng men cũ bị bong tróc để uống nước nóng. Kết quả, khi kiểm tra sức khỏe phát hiện hàm lượng chì trong cơ thể vượt ngưỡng, gây tổn thương gan và thận. Nguyên nhân chính là do sử dụng sai cốc lâu ngày khiến chất độc tích tụ dần.
Vậy nên nếu nhà bạn vẫn còn dùng cốc tráng men, hãy kiểm tra kỹ. Nếu thấy lớp men bị bong tróc thì thay ngay cốc mới.
2. Cốc thuỷ tinh sông băng
Những năm gần đây, cốc hoạ tiết sông băng trở nên rất phổ biến nhờ vẻ ngoài trong suốt, lấp lánh, bắt mắt trông rất đẹp. Nhưng chính những màu sắc đẹp đẽ đó lại là “nguồn độc hại” tiềm tàng.
Để tạo vẻ ngoài thu hút, cốc sông băng thường được phủ lớp sơn hóa học hoặc mạ điện. Những họa tiết cầu vồng trên bề mặt chỉ là lớp sơn phủ mỏng, không được bảo vệ bởi lớp cách nhiệt. Khi gặp nhiệt độ cao, các chất hóa học trong sơn có thể bị phân giải, gây hại cho gan và thận.
Nếu bạn thắc mắc rằng liệu khi uống nước ấm nóng trong loại cốc sông băng này thì có uống cả mực in vào bụng không thì câu trả lời là có. Lý do là chất hóa học trong lớp sơn của cốc vượt mức an toàn.
Lời khuyên là khi chọn cốc uống nước, đừng chỉ nhìn vào vẻ ngoài bắt mắt mà hãy ưu tiên tính an toàn. Với cốc sông băng, hãy chọn loại trong suốt, không màu để đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình.
3. Cốc giấy dùng một lần
Cốc giấy thường được sử dụng khi ăn uống bên ngoài hay khi nhà có đông khách vì sạch sẽ và tiện lợi, nhưng thực tế thì không hẳn phù hợp để đựng nước nóng.
Để chống thấm nước, mặt trong cốc giấy thường được phủ lớp sáp hoặc màng nhựa. Khi gặp nhiệt độ cao, những lớp phủ này có thể phân hủy và giải phóng chất độc như formaldehyde. Thậm chí, một số loại cốc kém chất lượng còn làm từ giấy tái chế, chứa chất tẩy trắng quang học gây hại, ngấm vào cơ thể lâu ngày có thể ảnh hưởng đến hệ miễn dịch.
Thực tế là đã có người từng dùng cốc giấy uống nước sôi và phát hiện nước nổi váng dầu. Hóa ra đó là lớp sáp tan ra, nhìn thấy là không dám dùng lần thứ 2.
Nếu buộc phải dùng cốc giấy, hãy đổ một ít nước nóng vào, lắc đều và kiểm tra xem có mùi lạ hoặc cặn đục không. Cốc nổi cặn thì bỏ đi là tốt nhất, hoặc uống nước lạnh ngay và luôn, không để nước ngâm trong cốc lâu và đặc biệt là nên nhớ không dùng để đựng nước nóng.
4. Cốc inox kém chất lượng
Cốc inox bền, khó vỡ, gần như nhà nào cũng có nhưng không phải loại nào cũng an toàn. Một số cốc inox kém chất lượng được làm từ vật liệu rẻ tiền chứa niken hoặc crom vượt mức cho phép. Khi đựng nước nóng, các kim loại nặng này có thể hòa tan vào nước, gây hại sức khỏe nếu dùng lâu dài.
Để chọn cốc inox an toàn, bạn hãy chọn inox loại 304 hoặc 316 - các loại thép chống ăn mòn và ít gỉ sét. Nên tránh xa các sản phẩm giá rẻ không rõ nguồn gốc. Ngoài ra, nhiều nhà sản xuất tiết kiệm chi phí bằng cách chỉ dùng inox 316 ở đáy cốc, còn phần thành và miệng lại dùng inox kém chất lượng như 201. Vì thế, cần kiểm tra kỹ nhãn mác hoặc hỏi rõ trước khi mua.
5. Cốc nhựa PC
Cốc nhựa nhẹ và tiện lợi nhưng một số loại khi đổ nước sôi vào có thể giải phóng Bisphenol A (BPA) – chất gây rối loạn nội tiết, làm tăng nguy cơ ung thư vú, ung thư tuyến tiền liệt và các bệnh nội tiết khác. Đặc biệt, nhiệt độ càng cao, BPA càng dễ bị giải phóng.
Tôi sẽ chỉ cho bạn 1 số cách nhận biết nhựa an toàn khi nhìn vào mã số nhận dạng bên trong hình tam giác ở đáy cốc:
- Số 5 (PP): An toàn, chịu nhiệt tốt, dùng được với nước nóng nhưng không nên tiệt trùng ở nhiệt độ cao.
- Số 7 (PC): Không an toàn khi đựng nước nóng, chỉ phù hợp với nước lạnh.
Lưu ý, một số sản phẩm kết hợp nắp làm từ nhựa PP (an toàn) nhưng thân lại là nhựa PC (không an toàn). Với loại này, nước trên 80°C vẫn có thể giải phóng BPA gây hại.
6. Cốc sứ tráng men họa tiết
Cốc sứ với màu sắc và họa tiết bắt mắt rất được ưa chuộng nhưng nếu sử dụng chất liệu kém chất lượng, cốc có thể chứa hàm lượng kim loại nặng vượt mức cho phép.
Đặc biệt, loại cốc sứ tráng men họa tiết bên trên bề mặt (gọi là men họa tiết trên men) dễ gây hại hơn vì khi đổ nước nóng, các kim loại nặng từ lớp họa tiết này có thể tan vào nước, gây ô nhiễm nước uống.
Giải pháp ở đây là nếu yêu thích loại cốc xinh xắn này, bạn nên chọn cốc sứ họa tiết nằm dưới lớp men phủ (men họa tiết dưới men) để đảm bảo an toàn và bền đẹp hơn.
7. Cốc thủy tinh chứa chì
Cốc thủy tinh rất phổ biến vì vẻ ngoài trong suốt, sang trọng nhưng một số loại lại được bổ sung chì để tăng độ trong và hiệu ứng khúc xạ ánh sáng. Dùng cốc này lâu dài, chì có thể rò rỉ vào nước, gây ngộ độc chì, đặc biệt ảnh hưởng xấu đến sự phát triển thần kinh của trẻ nhỏ.
Bạn có thể nhận biết cốc thủy tinh an toàn bằng cách:
- Kiểm tra bao bì xem có ghi "không chứa chì" hay không.
- So sánh trọng lượng, cốc chứa chì thường nặng hơn.
- Nghe tiếng gõ, cốc chứa chì có âm thanh đục, còn cốc không chứa chì có tiếng gõ trong và vang.
1 lưu ý khác là cốc càng sáng bóng, càng có nguy cơ chứa chì cao do hiệu ứng khúc xạ.
Nguồn: Toutiao