Ước gì da mặt được như da chân: vì sao mụn trứng cá không mọc ở chân bao giờ?

Ken, Theo Helino 16:48 27/03/2018

Nhiều người hẳn sẽ thắc mắc rằng vì sao mụn trứng cá ít mọc ở tay, chân. Hóa ra cái gì cũng có nguyên do của nó đấy!

Hẳn ai trong chúng ta cũng cảm thấy "ghét cay ghét đắng" những nốt mụn trứng cá bất thình lình xuất hiện trên mặt, trên lưng, trên ngực, sau tai và thậm chí là ở trong mũi... 

Ấy vậy bạn có bao giờ thắc mắc là tại sao chúng lại ít xuất hiện ở chân không nhỉ?

Do không xuất hiện, thế nên nhiều người nói vui rằng, họ muốn da mặt mình cũng như da chân để không bị gặp mụn trứng cá đáng ghét kia?

Mụn trứng cá thường xuất hiện ở vùng mặt, lưng

Vậy liệu rằng có phải mụn không mọc chân không? Bài viết sau sẽ cho bạn câu trả lời. 

Ta biết rằng, da là 1 cơ quan phức tạp với nhiều biên độ dày, mỏng, chức năng khác nhau. Hay nói 1 cách dễ hiểu là các phần da trên các bộ phận cơ thể ta không giống nhau - chỗ dày chỗ mỏng hơn.

Ở bộ phận nào thì cấu tạo da cũng gồm 3 phần chính: Biểu bì - Nội biểu bì - Mô dưới da. Mỗi phần có những chức năng và cấu tạo riêng, liên kết chặt chẽ với nhau.

Tuy nhiên ở lớp biểu bì thì lớp sừng (stratum corneum) - lớp ngoài cùng của da có tác dụng giúp bảo vệ da với môi trường bên ngoài. 

Đây cũng là lớp tiếp xúc với nhiều nhân tố bên ngoài nhất, dễ làm cho lớp sừng dày lên hơn. Ví dụ khi bị cọ xát nhiều thì lớp da ở khuỷu, hay chân sẽ ngày 1 dày hơn so với da ở mặt, lưng, ngực...

Ước gì da mặt được như da chân: vì sao mụn trứng cá không mọc ở chân bao giờ? - Ảnh 2.

Cùng với đó, mỗi phần da trên cơ thể lại sở hữu tuyến mồ hôi, tuyến tiết dầu khác nhau. Tùy theo mô mỡ có độ dày, mỏng ở từng vị trí nên tuyến dầu ở các bộ phận này sẽ tiết ra với hàm lượng khác nhau.

Cần nói rõ rằng, mụn hình thành do sự tăng tiết chất nhờn của tuyến bã nhờn sản sinh ra chất nhờn dư, kết hợp với chất bẩn và lớp tế bào chết bong ra trên bề mặt da, hình thành nhân mụn trứng cá.

Ước gì da mặt được như da chân: vì sao mụn trứng cá không mọc ở chân bao giờ? - Ảnh 3.

Các khu vực như da mặt, ngực, lưng... thường ẩn chứa rất nhiều tế bào chết, đây cũng là nơi phân giải chất nhờn, mồ hôi nhiều nhất... thế nên dễ bị nổi mụn viêm nhiễm và lây lan hơn các vùng khác.

Theo các chuyên gia, mặc dù khu vực chân ẩn chứa lượng mồ hôi khá lớn nhưng tuyến phân giải chất nhờn lại ít nên các vùng này ít gặp mụn trứng cá hơn. 

Việc xuất hiện mụn trứng cá dù ở vị trí nào cũng khiến cho khổ chủ cảm thấy đau đớn, xấu hơn. 

Chân dù đổ mồ hôi nhiều nhưng tuyệt nhiên không thấy mụn trứng cá

Thế nên bạn cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ, đặc biệt là da mặt, vùng lưng, ngực để giúp loại bỏ dầu nhờn, bụi bẩn và các chất tích tụ trên da. 

Bên cạnh đó, thực phẩm bạn ăn hàng ngày sẽ ảnh hưởng đến chất lượng da. Việc xây dựng chế độ ăn hoàn hảo, nhiều rau xanh, trái cây, hạn chế thức ăn chiên dầu; cân bằng proteins, thịt nạc và các carbohydrate phức tạp khác sẽ rất tốt cho làn da. 

Và cuối cùng đó là nên đánh bay cơn stress. Khi bị stress, cơ thể sẽ bị thiếu ngủ, bạn ăn không ngon, hay lo lắng - tất cả điều này sẽ gây hại cho da.

Nguồn: Health24, Quora...