UNODC phát động chiến dịch thúc đẩy việc sử dụng công nghệ an toàn và có trách nhiệm cho tất cả mọi người

Quang Vũ, Theo Trí Thức Trẻ 19:30 31/07/2024
Chia sẻ

Vấn đề lạm dụng công nghệ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng trên khắp Đông Nam Á trong vài năm qua.

UNODC phát động chiến dịch thúc đẩy việc sử dụng công nghệ an toàn và có trách nhiệm cho tất cả mọi người- Ảnh 1.

Cơ quan Phòng chống Ma túy và Tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) đang phát động một chiến dịch trên toàn khu vực để các chính phủ và công chúng nâng cao nhận thức về việc sử dụng công nghệ an toàn và có trách nhiệm. Với tiêu đề #TechSafeSpace (Không gian an toàn công nghệ), chiến dịch hướng đến mục đích thúc đẩy một môi trường kỹ thuật số an toàn, thúc đẩy sự hòa nhập và trách nhiệm kỹ thuật số cũng như đề cao quyền con người.

"Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ đang định hình lại bối cảnh toàn cầu của chúng ta," Tiến sĩ Joshua James, Điều phối viên chống tội phạm mạng cấp khu vực tại UNODC phát biểu. "Mặc dù nó đã tăng cường khả năng tiếp cận kiến thức và truyền thông, nhưng đồng thời cũng tạo ra môi trường thuận lợi cho tội phạm khai thác và trục lợi, gây ra những tác động đối với cả tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và sự an toàn cá nhân."

Một báo cáo gần đây của UNODC có tiêu đề Sòng bạc, rửa tiền, ngân hàng ngầm và tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia ở Đông Á và Đông Nam Á đã làm sáng tỏ những xu hướng này, cho thấy số vụ lừa đảo qua mạng của các nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia ở Đông Nam Á đã tăng lên.

Các nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong khu vực thường hoạt động trắng trợn, đôi khi giả dạng là doanh nghiệp hợp pháp hoặc thậm chí là tổ chức từ thiện. Các đối tượng này hành động ngày một phối hợp hơn, dẫn đến sự gia tăng của nhiều loại tội phạm mạng khác nhau, như là tấn công sử dụng mã độc ransomware, lừa đảo liên quan đến tiền điện tử và bóc lột trẻ em trực tuyến.

"Mặc dù những hoạt động này không hoàn toàn mới nhưng việc áp dụng các công nghệ mới nổi vào hoạt động tội phạm đang ngày càng lan rộng", Tiến sĩ James cho biết. "Với sự phát triển của trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới nổi, cần phải có những nỗ lực hợp tác giữa chính phủ và các tập đoàn để đảm bảo việc sử dụng công nghệ an toàn và có trách nhiệm."

UNODC phát động chiến dịch thúc đẩy việc sử dụng công nghệ an toàn và có trách nhiệm cho tất cả mọi người- Ảnh 2.

Tính bao hàm trong công nghệ

Mặc dù khả năng tiếp cận internet trên khắp Đông Nam Á đã gia tăng đáng kể, thì khoảng cách kỹ thuật số vẫn còn lớn, điều này hạn chế khả năng tiếp cận và cơ hội của nhiều người. Đặc biệt đáng chú ý là việc thiếu sự hiện diện của phụ nữ, đối tượng này chỉ chiếm 35% lực lượng lao động công nghệ trong khu vực.

Suchanart Yord-in, Trợ lý Chương trình tại nhóm Chống tội phạm mạng của UNODC, đã chỉ ra thách thức về tính bao hàm trong công nghệ, đặc biệt là liên quan đến bạo lực trên cơ sở giới. Yord-in cho biết: "Bạo lực trên cơ sở giới được hỗ trợ bởi công nghệ đã gia tăng trong những năm gần đây". "Điều này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ trong thời đại kỹ thuật số."

Mel Migriño, Giám đốc khu vực Đông Nam Á, công ty Gogolook tuyên bố rằng việc thu hẹp sự chênh lệch này đòi hỏi nỗ lực phối hợp giữa các chính phủ, công ty công nghệ và cả xã hội dân sự. "Điều quan trọng là phải ủng hộ việc thúc đẩy sự hòa nhập kỹ thuật số trong lĩnh vực công nghệ, mở rộng khả năng tiếp cận công nghệ và đảm bảo rằng tiến bộ công nghệ mang lại lợi ích cho tất cả các thành phần trong xã hội".

Điều này bao gồm việc khuyến khích phụ nữ và các cá nhân LGBTIQ+ theo đuổi giáo dục và nghề nghiệp về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), cùng với chương trình cố vấn và các chiến dịch nâng cao nhận thức để tạo ra một môi trường công nghệ toàn diện hơn.

Quyền con người và Tự do ngôn luận

Các mối đe dọa do công nghệ gây ra còn mở rộng đến quyền con người và tự do ngôn luận. 

Theo Điều 19 của Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, "Mọi người đều có quyền tự do ngôn luận và biểu đạt; bao gồm tự do giữ ý kiến mà không bị can thiệp, cũng như tự do tìm kiếm, thu nhận và truyền bá thông tin và tư tưởng bằng bất kỳ phương tiện truyền thông nào và không giới hạn về biên giới. Cần phải nỗ lực để duy trì các nguyên tắc quyền con người và đảm bảo rằng các cá nhân có thể tự do thể hiện bản thân mà không sợ bị trả thù trong thời đại kỹ thuật số."

Suchanart Yord-In nhấn mạnh vai trò của Internet đối với cả cơ hội giáo dục và sự lan truyền thông tin sai lệch. "Internet đã cách mạng hóa cách mọi người tương tác và truy cập thông tin," Yord-in chia sẻ. "Tuy nhiên, nó cũng đã đẩy nhanh sự lan truyền của thông tin sai lệch, thông tin xuyên tạc và phát ngôn thù hận."

Khuyến nghị cho các Chính phủ

Một trong những thông điệp chính của chiến dịch là các chính phủ đóng vai trò then chốt trong việc giải quyết các thách thức do việc lạm dụng công nghệ gây ra.

Tiến sĩ James nói: "Các chính phủ có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tính bao hàm, bảo vệ quyền con người và chống lại thông tin sai lệch trong lĩnh vực kỹ thuật số".

Ông chia sẻ thêm, để đạt được những mục tiêu này, điều cần thiết là các chính phủ phải thực hiện các chiến lược toàn diện. Điều này bao gồm việc ban hành các chính sách kỹ thuật số phù hợp với giới, cải thiện khả năng tiếp cận công nghệ và đầu tư vào đào tạo kỹ năng kỹ thuật số.

Ngoài ra, việc giải quyết bạo lực trên cơ sở giới thông qua hệ thống báo cáo quấy rối trực tuyến và đào tạo về an toàn là điều tối quan trọng. Ngài James nói: "Việc duy trì quyền tự do ngôn luận đòi hỏi phải thúc đẩy hiểu biết về kỹ thuật số và đảm bảo tính minh bạch trong các quy trình quản trị".

Khuyến nghị cho công chúng

Một thông điệp quan trọng khác của chiến dịch gửi tới công chúng là trách nhiệm tập thể của chúng ta về việc đóng góp vào một môi trường trực tuyến an toàn hơn và toàn diện hơn.

Thitirat Thipsamritkul, Đại học Thammasat, chia sẻ: "Các trường hợp bắt nạt qua mạng, quấy rối và phát ngôn thù hận có thể ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe tinh thần của các cá nhân, và làm suy yếu không gian công cộng trực tuyến, nơi mà mọi người có thể chia sẻ các ý tưởng khác nhau một cách cởi mở", nhấn mạnh tầm ảnh hưởng của thiết kế nền tảng đối với hành vi của người dùng và đối với lợi ích công.

"Để chống lại những vấn đề này và tạo ra một không gian trực tuyến an toàn hơn, các cá nhân phải đề cao sự tôn trọng quyền con người và thúc đẩy tính bao hàm", Thitirat cho biết thêm.

Joshua James kêu gọi công chúng tích cực báo cáo mọi hành vi lạm dụng mà họ gặp phải trên không gian trực tuyến. "Việc báo cáo các hoạt động trực tuyến bất hợp pháp là một phần cực kỳ quan trọng của quá trình này. Chúng tôi khuyến khích bạn báo cáo những điều bạn nhìn thấy trực tuyến, và nếu bạn tin rằng chúng là bất hợp pháp, hãy báo cáo ngay cho cơ quan chức năng tại địa phương của bạn," ngài James nói.

Tìm hiểu thêm về chiến dịch tại đây:   https://bit.ly/4cW1gNk #TechSafeSpace #UNODC

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày