Ứng xử thế nào khi chụp xong hình rồi bị khách chê xấu, đôi co không trả tiền?

CC, Theo Trí Thức Trẻ 00:02 22/07/2016

Làm việc kỹ càng trên hợp đồng, chủ động đòi tiền đặt cọc... là những cách mà các nhiếp ảnh gia phải thuộc nằm lòng khi làm việc với khách chụp cưới, chụp dịch vụ.

Hôm nay, các diễn đàn nhiếp ảnh đã được 1 phen "dậy sóng" với câu chuyện "Nhiếp ảnh chụp cưới kêu trời vì chú rể chê xấu, không trả tiền nhưng vẫn cầm hết ảnh". Cụ thể, một nữ nhiếp ảnh tên Hồng Vy đã đăng đàn "tố" một cặp cô dâu chú rể "quỵt tiền" ảnh cưới, tổng cộng là 10 triệu, sau 2 ngày lăn lê chụp ảnh ở Đà Lạt, cùng với file gốc lên đến hàng nghìn tấm ảnh, với lý do ảnh xấu và cẩu thả.

Ứng xử thế nào khi chụp xong hình rồi bị khách chê xấu, đôi co không trả tiền? - Ảnh 1.

Câu chuyện đang được chia sẻ liên tục của Hồng Vy.

Sự việc nhanh chóng nhận được sự phản hồi, cũng như những tranh luận trái chiều của cư dân mạng. Đa số đều cho rằng, hành động của cặp đôi này là không đúng. Đây là 1 giao dịch làm ăn, nên sòng phẳng và thẳng thắn. Nếu như có bất kỳ lý do sự cố nào thì nên giải quyết hoặc tìm cách thỏa đáng, thay vì im lặng. Một số khác thì nhận xét, lỗi phần lớn là do sự chủ quan của nữ nhiếp ảnh trẻ, khi không nhận bất kỳ khoản tiền cọc nào, cũng như đã nhanh chóng chuyển file ảnh gốc cho khách khi tiền bạc chưa ngả ngũ. Đó là lối làm nghề khá nghiệp dư.

Trong lúc câu chuyện vẫn còn đang nóng hổi trên các diễn đàn, chúng tôi đã liên hệ với một số nhiếp ảnh trẻ để lắng nghe thêm những chia sẻ về cách xử lý khi bị khách chê sản phẩm xấu.

Vic Nguyễn - Vic.Nguyen Studio

Ứng xử thế nào khi chụp xong hình rồi bị khách chê xấu, đôi co không trả tiền? - Ảnh 2.

Vic Nguyễn là một tay máy khá nổi ở Sài Gòn, chuyên chụp ảnh cưới, chân dung và thời trang. Anh từng xuất hiện trong các show lớn như Vietnam's Next Top Model... và hợp tác với nhiều tạp chí lớn ở Việt Nam. Có lẽ vì sự kỹ càng cộng may mắn, nên anh chưa từng gặp rắc rối tiền nong một lần nào trong suốt quá trình làm nghề của mình. Kể cả lúc anh không nhận cọc từ những khách hàng là người thân, người quen. "Mình làm việc dựa trên uy tín và niềm tin, nên nếu bị quỵt từ người thân quen thì... mình chịu thôi. Khách lạ mình mới lấy cọc. Nhưng có thể hạn chế rủi ro bằng việc, đừng bao giờ giao ảnh dung lượng cao cho khách khi việc thanh toán chưa thực hiện xong. Có thể đưa ảnh size bé để khách xem qua, chứ không thể in được. Đó là một cách để tránh thiệt hại về phần mình" - anh chia sẻ.

Nguyễn Trúc Lâm - nhiếp ảnh tự do

Ứng xử thế nào khi chụp xong hình rồi bị khách chê xấu, đôi co không trả tiền? - Ảnh 3.

Trúc Lâm chính là anh chàng có vô số bộ ảnh du lịch gây sốt mạng xã hội thời gian gần đây. Anh cũng là nhiếp ảnh gia tự do, chụp nhiều phong cách. Và tất nhiên, anh đã trải qua một vài tình huống "dở khóc dở cười" không kém.

"Lúc trước, mình có chụp cưới cho một cặp đôi. Mọi thứ đã lên kế hoạch xong xuôi nhưng đến ngày chuẩn bị chụp, thì lấy lý do là thời tiết không thuận lợi, 2 người đã tự ý hủy show và đi về. Mình cứ tưởng họ dời sang ngày khác chụp nên cũng vui vẻ đi về, mặc dù đã ra tới sân bay. Nhưng vài ngày sau, họ tự chụp với 1 ekip khác mà không báo mình. Làm tốn công mình set up rất nhiều thứ. Đã vậy, vì là người quen nên mình không nhận cọc gì cả. Họ còn lên Facebook nói xấu mình nữa. Nên mình nhớ mãi"

Từ "kỷ niệm" đó mà Trúc Lâm tự nhủ, dù quen thân đến đâu, anh cũng đều lấy cọc trước, tối thiểu là 50%. Sau đó, nếu chẳng may bị khách chê ảnh xấu hoặc đòi hỏi như trường hợp của Hồng Vy, anh sẽ xem xét xem lỗi có nằm ở phía mình không và chịu trách nhiệm. Nếu không, anh chọn cách mất trắng 50% còn lại, vì trong trường hợp đó, khách hàng đã cố ý muốn "quỵt" rồi thì họ sẽ làm mọi cách để "quỵt" cho bằng được.

Nùn Tịt Tóc Bím - nhiếp ảnh tự do

Ứng xử thế nào khi chụp xong hình rồi bị khách chê xấu, đôi co không trả tiền? - Ảnh 4.

Đây là cô nàng khá may mắn khi chưa gặp tình trạng "bị quỵt tiền" bao giờ trong suốt quá trình chụp ảnh cưới của mình, nhưng theo cô, nếu cô lâm vào trường hợp của cô gái ở trên, cô sẽ "làm cho ra lẽ". "Mình sẽ nói chuyện qua hợp đồng nếu có, mà chắc chắn phải có vì mình làm việc luôn kèm hợp đồng. Còn nếu hợp đồng không giải quyết được thì có lẽ sẽ sử dụng những biện pháp cá nhân, để đòi lại những gì mình đáng được nhận!. Tuy vậy, nguyên tắc của mình vẫn luôn là Hợp đồng và đặt cọc trước, dù có thân hay không thân".

Riêng Trung Võ, nhiếp ảnh gia tự do ở Sài Gòn thì lại có quan điểm cảm thông hơn với Hồng Vy. Anh nói: "Ngành cưới này nó không cứng nhắc là lúc nào cũng phải làm việc trên giấy tờ. Đôi khi chỉ cần khách gọi, rồi đúng hẹn đến làm việc xong rồi giao sản phẩm lấy tiền sau cũng được. Mình đã nhiều lần như vậy, và đảm bảo những photographer khác cũng như vậy.

Nên trường hợp của Hồng Vy không hẳn gọi là lỗi khi làm nghề, đặc biệt hơn khi cô ấy đã làm việc cho người thân của khách hàng mới này, nên việc tin tưởng mà không cần ký hợp đồng trước cũng dễ xảy ra. Khách hàng cố tình gây khó dễ, quỵt tiền là trường hợp không đoán trước được.

Nhưng có một sai lầm khá lớn của cô gái này chính là việc đã giao toàn bộ số hình gốc và hình chạy màu cho khách mà không lấy tiền liền lúc đó. Thường thì khi mình làm việc với khách hàng, sau khi chụp xong, mình sẽ chỉ giao toàn bộ file gốc cho khách hàng về lựa khi khách hàng đưa đúng số tiền đã giao kèo trước, số tiền còn lại sẽ nhận đủ khi giao sản phẩm hoàn chỉnh. Đây là bài học không chỉ riêng cho cô gái này mà cho tất cả những người làm nghề"

Ứng xử thế nào khi chụp xong hình rồi bị khách chê xấu, đôi co không trả tiền? - Ảnh 5.

Photographer Trung Võ.

Không chỉ có nhiếp ảnh, mà các chuyên viên make up cũng từng lâm vào các tình huống tương tự. Bạn K.B (Make up của Yu Studio Sài Gòn) chia sẻ câu chuyện: "Mình nhận make up cho cô dâu và mẹ cô dâu trong tiệc cưới. Người mẹ muốn lối make up trẻ trung 1 chút. Khi làm xong thì ai cũng khen, nhưng vì quen biết nên mình không lấy tiền liền mà để sau. Tới khi trả, bên đó trả thiếu, còn đổ lỗi là do đã thỏa thuận giá như này rồi. Mình mới liền đưa tin nhắn deal giá ra làm chứng, thì bên đó bắt đầu "đổ lỗi" tiếp, khi cho rằng người mẹ không hài lòng với lối make up ngày hôm đó, trong khi rõ ràng hôm đó đã khen hết lời. Thật sự mình chỉ có nước bó tay mà thôi"

Kết

Như vậy, có thể thấy, cô nàng Hồng Vy trong câu chuyện ầm ỹ ngày hôm nay đã khá chủ quan và "nghiệp dư" khi chủ quan vào sự quen biết của mối quan hệ, để cuối cùng nhận lấy thiệt hại trong công việc của mình. Và điều luật dành cho các nhiếp ảnh gia, make up cũng như bất cứ ai làm trong ngành dịch vụ nghệ thuật này, đó là luôn phải có hợp đồng (hoặc văn bản thỏa thuận) cụ thể, đàng hoàng cùng việc nhận đặt cọc, và tuyệt đối không giao file gốc cho khách khi quá trình thanh toán chưa hoàn tất. Có như vậy, thì cả người làm dịch vụ và khách hàng đều tránh không lâm vào những mâu thuẫn không đáng có như thế này.