Tâm tư ngày Tết của những ông chồng: "Ủa này các bà vợ, chúng tôi cũng xông xáo lắm rồi sao còn chưa hài lòng?"

Skye, Theo Trí Thức Trẻ 00:00 21/01/2020
Chia sẻ

Tết nhất là dịp để các chị em ra sức “xài xể” độ lười của các ông chồng. Tuy nhiên có phải ông chồng nào cũng như vậy và họ có đáng với những lời chê trách mỗi dịp Tết không? Lời tâm sự của một ông chồng dưới đây có thể là tiếng nói đại diện thanh minh cho các ông chồng cũng chăm chỉ với việc gia đình.

Tôi hiểu một điều rằng khi đã là định kiến thì rất khó để có thể xóa bỏ. Dù bạn làm một điều nhỏ nhưng nếu điều đó đúng với định kiến thì bạn cũng là một “kẻ tồi tệ” (tùy theo định kiến là gì). Những ông chồng trong dịp Tết như chúng tôi cũng là “nạn nhân” của định kiến. Ngày Tết ràng buộc những bà vợ Việt Nam suốt nhiều thập kỷ trong một định kiến “quẩn quanh xó bếp” và “chỉ ngồi mâm dưới” thì giờ đây cũng trói nam giới chúng tôi trong một định kiến khác: Chỉ biết ngồi chơi không giúp đỡ vợ con gì. Định kiến không bao giờ đúng vì mang tính áp đặt lên cả cộng đồng và luôn khiến một bộ phận cảm thấy thực sự bị tổn thương và ức chế.

Đó là một buổi sáng khi tôi vừa được nghỉ việc. Mấy anh bạn trong chung cư rủ ra quán trà đá "chém gió". Vốn không phải người hay la cà hàng quán nhưng vì vui và không lỡ để mọi người chờ, tôi cũng đồng ý đi, chắc tầm 30 phút thôi, tôi thề. Về đến nhà, mở Facebook thấy vợ tôi đã đăng tải một status. 

“Có cái Tết của gia đình mà như Tết của mình, vợ chồng chẳng đỡ đần nhau, la cà trà đá sáng tới trưa mới về” - đi kèm là một chiếc emo khóc lóc. Bên dưới status, rất nhiều các chị em bạn dì vào bình luận đồng cảm. 

Tâm tư ngày Tết của những ông chồng: Ủa này các bà vợ, chúng tôi cũng xông xáo lắm rồi sao còn chưa hài lòng? - Ảnh 1.

Tôi thấy không phục. Ông bạn ở công ty thấy không phục, anh hàng xóm không phục và cả mấy thằng bạn đại học cũng tức. Từ năm này qua năm khác. Dù nhiều người có cố gắng làm hài lòng vợ tới đâu trong dịp Tết thì họ cũng không hài lòng, cứ đến Tết lại được thể kêu ca, phàn nàn, chê trách các ông chồng như những ông Đại Lãn, vẫn ăn trên ngồi chốc vểnh râu chờ vợ dọn cơm. Đây là thế kỷ 21 và năm 2020 rồi phải không, đâu có nông thôn Việt Nam những năm 75?

Những bà vợ có tư duy “nạn nhân” của chế độ phụ hệ luôn cho rằng họ là đối tượng chịu thiệt thòi trong dịp Tết. Chúng tôi không phải là những người đòi hỏi nhiều mỗi dịp Tết đến vì đa phần nam giới đều khá xuề xòa, không cầu kỳ và quá khoa trương (tất nhiên không phải tất cả) nhưng nhiều bà vợ thường bày ra quá nhiều thứ, tự làm khổ bản thân với việc kỳ công chuẩn bị cho một cái Tết thừa thãi. Đôi khi họ ôm việc vào mình, đẩy thêm một chút việc này việc kia rồi tự lăn đùng ra kêu mệt mỏi, than chồng con không giúp được gì. Tôi biết có nhiều người, như vợ tôi, sẽ chê chúng tôi quét nhà bẩn, không khéo nấu ăn rồi lại một mình làm hết. Nó để lại hệ quả là gì? họ cứ một mình làm những công việc như vậy trong ngày Tết rồi mệt mỏi chán chường, đi kèm với sự nhạy cảm thường trực của phụ nữ khi thiếu một chút sự động viên an ủi và các câu chuyện quảng cáo TV vợ chồng ăn Tết đẹp như mơ. Họ ấm ức, không hài lòng rồi đùng đùng lên mạng tủi thân, chúng tôi biết phải làm sao?

Nói nam giới không giúp vợ vừa là vơ đũa cả nắm, vừa là tiếng oan cho nhiều người. Ấy thế mà cuối năm báo chí vẫn cứ đầy các câu chuyện ông chồng Đại Lãn, còn ông chồng năm chăm thì sẽ được đưa ra làm hình mẫu như thứ gì đó rất lạ lẫm. Nội trợ, bếp núc, mua sắm vợ lo nhưng những công việc như bưng bê, sửa đồ này đồ kia, thau bể, lau cửa kính, chặt gà, trồng cây cảnh, sắp xếp lại phòng khách… không phải nam giới chúng tôi vẫn thường làm sao? Hay ngày Tết chỉ có việc cúng lễ, cắm hoa, nấu ăn là việc lớn còn những điều kia đều là thứ yếu? 

Tâm tư ngày Tết của những ông chồng: Ủa này các bà vợ, chúng tôi cũng xông xáo lắm rồi sao còn chưa hài lòng? - Ảnh 2.

Tôi vẫn nhớ Tết ở quê, toàn các ông chồng là người gói bánh chưng, thịt lợn rồi lại bó giò xào - tay năm tay mười, họ pha một con lợn nhanh thoăn thoắt, chuẩn bị mâm cơm đâu ra đấy. Mỗi lần ở quê lên, bố tôi ngồi một lúc là bện được chiếc rổ để chúng tôi nhốt gà, trèo cau nhanh không ai bằng để con cái chuẩn bị đồ cúng Tết. Không biết những câu chuyện điển hình các ông chồng lười họ lấy ở đâu nhưng từ thời bố tôi đến chúng tôi, cả những người đàn ông hàng xóm, họ đều xông xáo xắn tay cùng vợ chuẩn bị một cái Tết chu toàn. Sự giản tiện của cái Tết thành phố có thể đã khiến những công việc kia biến mất nhưng việc nhà vẫn cần nhiều đến cánh tay đàn ông cũng ngang như tầm quan trọng của phụ nữ. 

Các chị vợ không thể đo công việc 50-50 bằng chành chạnh, nếu chúng tôi có lỡ làm ít hơn một chút cũng không phải vì lười. Nếu đời sống gia đình, vợ chồng mà cứ chia đều công việc đến từng tí một, người rửa hoa quả người rửa mớ rau, thì chắc chúng tôi sẽ giống hai đứa bạn thân hồi còn đi học chia nhau từng ngăn bàn hơn là vợ chồng. Cốt lõi của gia đình là sự sẻ chia, giá trị của ngày Tết nằm ở niềm vui và tiếng cười, so đo với nhau xem ai làm ít làm nhiều liệu có vui hơn không? Vợ làm nhiều hơn một chút thì cái Tết sẽ khổ hơn sao?

Xã hội vận động theo hướng bình đẳng hơn, vai trò của vợ chồng trong gia đình cũng vì thế ngày càng ngang bằng nhau hơn. Không có nghĩa lý gì họ có thể nói rằng các ông chồng ngày càng lười; nếu như thời trước đây, cái Tết 100% đặt trên vai các bà vợ còn ông chồng chỉ vểnh râu ngồi uống rượu. Các ông chồng không cần chị em phụ nữ ghi nhận vì đã làm việc nhà; chúng tôi hiểu đó là trách nhiệm chung. Nhưng rõ ràng, chúng tôi vẫn cần ghi nhận vì những nỗ lực và sự thay đổi trong vài thập kỷ qua - phải đi qua sự sung sướng rồi người ta mới hiểu “vượt sướng” còn khó hơn vượt khổ gấp nhiều lần.

Tâm tư ngày Tết của những ông chồng: Ủa này các bà vợ, chúng tôi cũng xông xáo lắm rồi sao còn chưa hài lòng? - Ảnh 3.

Ông chồng có thể ngồi cà phê lâu hơn một chút, sáng ra ngồi uống rượu muộn hơn thường ngày thì các chị em cũng đi spa cả buổi, chờ để làm tóc cũng ngót nghét một ngày, chưa kể những buổi đi shopping, làm móng tay, chăm sóc da… Phụ nữ thời nay không ăn Tết bằng sự cam chịu và thiệt thòi. Họ hoàn toàn có thể sắp xếp thời gian để chăm chút cho bản thân bên cạnh việc chăm chút cho gia đình. Nếu tính thời gian riêng của mỗi bên, tôi đoán rằng thời gian nhiều chị em sửa soạn sắm sửa cho bản thân trong Tết còn nhiều hơn thời gian các ông chồng lười biếng đi nhậu hay tụ tập bạn bè. Các bà vợ à, nếu thấy mệt mỏi hay muốn có thời gian nghỉ ngơi, hãy nói cho chúng tôi biết và đừng biến mình thành nô lệ thời hiện đại của những cái Tết, chúng tôi có bao giờ muốn ngày Tết lại trở thành một đợt lao động khổ sai đầy chia rẽ gia đình như vậy?

Tất cả những món ăn ngon, căn nhà sạch sẽ, phòng khách trang hoàng lộng lẫy trong Tết đều để phục vụ niềm vui của gia đình, chỉ vì những điều đó mà tranh cãi rồi giận dỗi nhau liệu có đáng? Chúng ta ăn Tết mà, đâu phải để Tết gặm nhấm hạnh phúc gia đình. Nếu các chị vợ đã nghĩ chúng tôi là đám Đại Lãn, một buổi rượu sáng cũng thành ra mang tiếng xấu suốt ngày Tết. 

Tết nhất lương thưởng cũng đều đưa cho vợ, chỉ giữ lại một phần để tiêu xài. Cuối năm ai chẳng có tất niên, mua cái này sắm cái kia, rồi còn mừng tuổi trẻ con, mua quà biếu sếp… bao nhiêu khoản vậy mà các chị em vẫn cứ kêu “Đưa ít thế, giữ lại nhiều tiền để đi tụ tập bù khú à, chả được cái tích sự gì…” Vậy hay thôi năm sau mình dẹp quách Tết đi, vợ chồng con cái đến ngày này rủ nhau đi du lịch cho thuận hòa hơn không. Ăn Tết vừa áp lực, vừa mang tiếng xấu, liệu có nuốt trôi miếng bánh chưng? Không có ai như các bà vợ, nếu chúng tôi bảo vợ tự đi mua thì sẽ giãy nảy lên “Cái gì cũng vợ, chẳng biết chủ động gì với việc nhà, lại đến tay tôi”, còn nếu chúng tôi tự đi mua thì lại kêu oái lên “khiếp mua đắt thế, cái này mà giá tầm này á, chồng với con chẳng biết mua sắm gì”.

Rồi vợ ơi chúng tôi biết làm sao cho chiều lòng mọi người?

Tâm tư ngày Tết của những ông chồng: Ủa này các bà vợ, chúng tôi cũng xông xáo lắm rồi sao còn chưa hài lòng? - Ảnh 4.

Có lẽ, câu chuyện than thở ngày Tết của các chị em không phụ thuộc vào việc chúng tôi lười hay chăm, nó phụ thuộc vào một thế giới nội quan bí ẩn và phức tạp trong suy nghĩ mỗi người. Tết nhất, chỉ mong về nhà luôn rộn rã tiếng cười của vợ con, không so đo, không nổi quạu, thấy bận rộn quá thì bỏ bớt việc cùng nhau xem phim, bớt một món ăn thì Tết vẫn ngon, nhà không có cành đào cành quất Tết vẫn vui vẻ.

Tết nhất, trao nhau niềm vui và những phong bao lì xì, đừng trao nhau thêm áp lực và sự bực dọc. 

Ảnh minh họa: Internet

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày