Từ cổ chí kim, mọi thứ đều không thể tách rời hai chữ "chừng mực". Ví dụ, mối quan hệ giữa các cá nhân cần có chừng mực, hôn nhân cần có chừng mực, phát triển sự nghiệp cũng cần phải biết chừng mực.
Thứ cứng rắn nhất cũng sẽ dễ dàng bị phá vỡ, vì vậy con người cần phải giống như nước, vừa mạnh mẽ vừa nhu hòa.
Nhà văn Cổ Bình Ao từng viết một câu chuyện:
Tôi có một người bạn nói lắp và nói chậm. Một ngày nọ, chúng tôi gặp một người hỏi đường, người này cũng nói lắp giống bạn tôi, khi đó bạn tôi không nói một lời. Sau đó, tôi hỏi tại sao anh ta không nói. Bạn tôi đáp: "Người ta cũng nói lắp, tôi muốn trả lời lắm, nhưng nhỡ người kia hiểu lầm rằng tôi đang nhại lại anh ấy thì không tốt."
Nói và không nói, tuy chỉ là một hành động nhỏ nhưng cũng đủ thể hiện sự quan tâm của anh ấy đối với người khác, đồng thời có thể thấy được anh ấy là một người có giáo dục, đạo đức.
Những người biết cách ăn nói đúng mực, bất kể là với người lạ mà họ tình cờ gặp hay những người thân trong gia đình, đều sẽ được mọi người yêu quý nhiều hơn, thậm chí là kính trọng. Vì nếu bạn làm vậy, đối phương không chỉ nhận được những lời hay ý đẹp, mà còn hiểu rõ tấm lòng quan tâm và thiện ý mà bạn dành cho họ, cũng như giúp họ hiểu hơn bạn là một người lương thiện như thế nào.
Vì bạn biết đấy, sức mạnh của ngôn ngữ rất lớn, nó có thể là ngọn lửa ấm áp, nhưng cũng có thể trở thành con dao giết người. Dù đối với người lạ hay người thân thì khi ăn nói phải có ý thức đúng mực, đó là kiến thức sống và là hành trang cần mang theo cả đời của chúng ta.
Chỉ khi biết ăn nói có chừng mực, hiểu được cái gì gọi là tôn trọng, thì bạn mới có thể có những mối quan hệ thân thiết giữa con người với nhau và suôn sẻ trên đường đời.
Nhà giáo dục kiêm triết gia nổi tiếng, Socrates đã từng nói: "Một trái tim hoàn toàn lý trí giống như một con dao sắc bén, sẽ chém chết tất cả những ai sử dụng nó."
Ý nghĩa của câu này rất đơn giản, đó là khi đối đãi với người và vật chúng ta phải biết lưu chút tình nghĩa, không nên nói lời quá tuyệt tình, cũng không nên làm việc quá thẳng tay để tránh những việc ngoài ý muốn phát sinh. Việc làm này là có lợi cho bản thân, đồng thời cũng là bao dung người khác.
Cũng giống như Lý Gia Thành, tỷ phú giàu nhất Hong Kong, để có thể trở thành một doanh nhân giỏi, sở hữu sự giàu có và thành công như ngày nay, ông cũng có một tiêu chí, đó là "chừa chỗ cho mọi thứ".
Lý Gia Thành luôn tin rằng việc nhường chỗ cho người khác cũng tương đương với việc để lại chỗ cho chính mình.
Ông dạy con trai phải luôn cân nhắc lợi ích của đối tác khi làm ăn, vì đối tác là những người cùng hưởng lợi và cùng chiến thắng với chúng ta, nên nếu đôi bên lấy 50% lợi nhuận thì con nên chia cho bên kia 60%. Trông có vẻ rất thiệt thòi, nhưng thực ra đó là một đại trí tuệ.
Con trai ông là Lý Trạch Giai cũng nói: "Cha tôi nói với tôi rằng khi hợp tác với người khác, nếu họ muốn nhận 7 hay 8 phần lợi nhuận cũng không thành vấn đề, nhà họ Lý của chúng tôi chỉ cần nhận 6 phần là được."
Đó là trí tuệ kinh doanh của Lý Gia Thành, khi ông chọn nhường chỗ cho những người khác để bản thân được chiến thắng. Ngược lại, những người nói năng quyết tuyệt và không bao giờ nhường nhịn thường sẽ không có đường lui và khi đến ngõ cụt rồi thì chỉ có thất bại.
Có một Phật tử rất nghiêm túc tu hành, ngày đêm tu thiền nhưng chẳng mấy thành công, phải nhờ đến sự chỉ bảo của một vị thầy.
Nghe xong, vị sư đó chỉ đưa cho người Phật tử kia một bình hồ lô và một nắm muối, rồi nói với người đó rằng: "Con hãy đổ đầy nước vào bình, sau đó cho muối vào, làm cho nó tan thật nhanh ra."
Người đệ tử làm theo chỉ dẫn của sư phụ, nhưng một lúc sau anh ta lại đến gặp sư phụ và nói: "Sư phụ, nước đầy quá nên không thể lắc được. Con muốn dùng đũa để khuấy nhưng miệng bình quá nhỏ nên không thể bỏ vào được. Vì vậy, muối đã chìm xuống đáy, không thể tan ra!"
Nghe xong, vị sư cười nói: "Trước tiên con đổ một ít nước trong bình ra, sau đó lắc mạnh xem thế nào?"
Người đệ tử làm theo ngay lập tức và nó thực sự hiệu quả, muối trong bình đã nhanh chóng tan ra, nước cũng mặn rồi. Lần này, người đệ tử cuối cùng cũng nhận ra "ý nghĩa thực sự" của nó.
Khi đầy nước thì tràn, khi trăng tròn thì mất, khi người tự mãn thì kiêu. Đạo đối nhân xử thế linh hoạt chính là việc gì cũng nên nhường người một ít, đó cũng như chừa lại một con đường lui cho chính mình, thành toàn người khác, cũng như thành toàn bản thân.
Cuộc sống là một hành trình tu tâm dưỡng tính, về nhân cách phải biết chừng mực, không nên quá khiêm tốn, khiêm tốn quá có khi thành hèn, cũng không được quá kiêu ngạo, kiêu ngạo quá thì sẽ trở nên hung hăng vô lý.
Về tính cách, cần đề cao sự phối hợp bên trong và bên ngoài, tròn bên ngoài và vuông bên trong, phải có lý và có tình, không nên đi đến cực đoan, đó mới là đạo làm người chính xác.