Năm qua, Hồ Hoài Anh là cái tên khá "đắt sô" trên các sân chơi truyền hình thực tế ở vị trí giám khảo lẫn giám đốc âm nhạc. Anh cảm thấy thế nào ở mỗi vai trò riêng?
Thực ra năm vừa rồi, công việc tôi làm ở "The Voice" và "The Voice Kids" không khác nhau nhiều quá. Ở vai trò huấn luyện viên hay giám đốc âm nhạc thì công việc chính cũng chỉ là dàn dựng và tập luyện cho các tiết mục âm nhạc mà thôi.
Riêng đến với "The Remix" ở khoảng cuối năm, tôi cảm nhận quỹ thời gian mình dành cho chương trình này không quá nhiều như những sân chơi trước đó từng tham gia, nhưng về chất xám lại đòi hỏi nhiều hơn ở sự tinh tế. Các ca sĩ, nghệ sĩ đều có những khả năng riêng, đồng thời họ khá chủ động trong công việc của mình nên tôi càng phải làm sao để hoàn thiện ý tưởng của các bạn một cách tốt nhất. Đó là thử thách đòi hỏi nhiều tư duy.
Ở "Giọng hát Việt", dàn thí sinh tham gia là những gương mặt mới, còn "non nghề", trong khi "The Remix" lại quy tụ những ca sĩ đã có nhiều chuyên môn, kinh nghiệm. Cách làm việc với họ khác nhau thế nào?
Với nghệ sĩ, tôi có cách làm việc khác. Nhưng nhìn chung mọi người làm việc với nhau cũng khá vui vẻ thôi, bởi tôi tôn trọng sự sáng tạo của các bạn và ngược lại, họ cũng tôn trọng ý kiến tôi đưa ra. Ai cũng muốn xây dựng nên những bài thi tốt nhất nên sự lắng nghe và tiếp thu lẫn nhau trong khi tập luyện luôn được đề cao.
Còn ở các thí sinh là gương mặt mới, có thể các bạn chưa phải là người có tên tuổi trong nghề nhưng vẫn có được thẩm mỹ riêng về âm nhạc. Tôi không bao giờ áp đặt khẩu vị của mình lên các bạn chỉ vì họ là người mới.
" The Remix" là sân chơi khiến nhạc sĩ Hồ Hoài Anh đầu tư nhiều chất xám, tư duy hơn những chương trình anh từng làm giám đốc âm nhạc
"The Remix" là sân chơi đòi hỏi tính cập nhật xu hướng âm nhạc thế giới cao. Thử thách đặc ra cho anh ở cuộc thi mùa này thế nào?
Thực tế, năm đầu tiên tôi làm có nhiều thuận lợi hơn, bởi khán giả khi đó chưa có nhiều sự rõ ràng về âm nhạc điện tử nên khi mang đến một sản phẩm mới nào đó, họ cũng đều đón nhận một cách nhiệt tình. Đến năm thứ hai, khi mọi người đã có cái nhìn và nhận định chuyên môn hơn, chắc chắn sẽ có những thử thách mới đặt ra cho những người làm chương trình.
Thực chất của nhạc điện tử đòi hỏi sự cộng hưởng của hiệu ứng hiện trường rất nhiều, trong khi đó, những khán giả xem qua truyền hình lại không được truyền tải hết không khí của đêm diễn. Đó là khó khăn đầu tiên. Tiếp đó, để đảm bảo được tính nghệ thuật, thẩm mỹ trong một dòng nhạc vốn luôn biến chuyển sôi động cũng là một bài toán không dễ dàng.
Anh nhận định thế nào về sự phát triển của EDM hiện nay ở nước ta?
Tôi nghĩ EDM tại Việt Nam vẫn song song tồn tại cùng những dòng chảy âm nhạc khác nhưng để nói nó sẽ chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường trong thời gian dài thì không thể. Bởi đây cũng như một mặt hàng thời trang mà những người hoạt động trong lĩnh vực này phải vận động thay đổi, phải sáng tạo không ngừng để tồn tại. Về tài năng của những producer trẻ, tôi bất ngờ trước sự sáng tạo qua những bản phối, sản phẩm chất lượng mà các bạn làm ra qua các đêm thi, dù trước đây họ có thể chỉ là những người tay ngang hay không được đào tạo chuyên nghiệp.
Sân chơi nào cũng có sự sắp xếp. Anh nói gì về quan điểm này?
Không thể có một món ăn làm vừa lòng hết mọi người. Tôi chỉ có thể nói vậy.
Làm giám đốc âm nhạc cho hai cuộc thi lớn được chú ý nhiều nhưng cũng không ít scandal. Anh chuẩn bị tâm lý ra sao khi nhận lời?
Tôi nghĩ mình đang ở vị trí không để những chuyện bên lề làm ảnh hưởng đến bản thân nữa. Tôi không dùng mạng xã hội, không hay đăng đàn nói những chuyện linh tinh khác ngoài âm nhạc. Tôi chỉ luôn luôn làm đúng với trách nhiệm và công việc mình đã nhận lời.
Nhận định của anh thế nào về sự bão hòa của các cuộc thi âm nhạc trong năm qua?
Thực chất đời sống và nhu cầu thưởng thức âm nhạc ở Việt Nam vẫn còn phát triển mạnh nên sẽ còn rất nhiều sân chơi âm nhạc khác ra đời, dẫn đến sự cạnh tranh cao. Chính vì điều này sẽ kéo theo sự phát triển, đòi hỏi các chương trình phải không ngừng tìm tòi cái mới để đáp ứng thị trường. Nhưng mọi người cứ nói bão hòa, tôi vẫn thấy hàng năm, các cuộc thi vẫn cho ra đời một vài gương mặt âm nhạc tài năng đấy thôi.
Hồ Hoài Anh nhận định EDM sẽ không thể chiếm lĩnh hoàn toàn thị trường âm nhạc Việt Nam
Lưu Hương Giang từng úp mở về việc có thêm em bé. Anh sắp xếp công việc ra sao để đảm bảo vai trò đôi bên?
Cái gì đến thì mình sẽ có cách sắp xếp giải quyết cho phù hợp. Tôi không đặt nặng mình phải ôm nhiều việc vào người, để đi tìm kiếm sự thành công, vị trí trong nghề. Tôi chỉ làm những gì mình có cảm hứng, có đam mê và để giữ ngọn lửa ấy thì không nên mài mòn nó quá nhiều. Có thể trong một năm tôi không xuất hiện ở bất cứ đâu thì đó cũng là chuyện bình thường.
Công việc khoảng cuối năm bận rộn như vậy, thời gian anh dành cho con thế nào?
Quả thực cũng không có nhiều thời gian cho con nên tôi luôn cố gắng tận dụng để bên bé những lúc rảnh rỗi. Ở độ tuổi này, con tôi cũng không còn hay ốm như cách đây mấy năm nữa nên không phải lo lắng nhiều. Ba năm trước tôi chẳng làm được gì, suốt ngày chỉ ở nhà chăm con, đưa con đi bệnh viện.
Quãng thời gian bị ì lại trong công việc, anh cảm thấy thế nào?
Ai trong đời cũng từng trải qua quãng thời gian như thế, nhất là những người làm nghề sáng tạo. Nhưng phải có giai đoạn trầm xuống thì mới biết trân trọng hơn những phút thăng hoa.
Nhạc sĩ cho rằng những người làm nghệ thuật cần có những giai đoạn lắng mình để trân trọng giây phút thăng hoa
Một năm 2015 của anh đã khép lại ra sao?
Năm qua, tôi dành quỹ thời gian khá nhiều cho những công việc liên quan đến truyền hình thực tế và đó đơn giản vì tôi thấy thích chúng. Lịch làm việc tuy có dày đặc, có bận rộn hơn nhưng không cảm thấy vướng bận nặng nề nào cả, thậm chí là vui. Vui vì mình đã có những đóng góp vào sự thành công của các chương trình. Nhìn chung, tôi đã có một năm hạnh phúc với công việc.
Hồ Hoài Anh của 2016 sẽ như thế nào?
Tôi không đặt ra nhiều dự định, bởi những công việc hiện tại vẫn đang trong guồng hoạt động ổn định.
Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện, chúc anh có một năm thành công với những dự định của mình.