Đây là lý do vì sao pháo sáng bị cấm ở sân vận động. Biên tập: Đình Anh.
Theo phụ lục số 1, Bộ quy tắc đạo đức và kỷ luật, Liên đoàn bóng đá châu Á (AFC) đưa ra 3 khung xử phạt tiền với pháo sáng: đốt 1 quả pháo sáng phạt 5.000 USD (khoảng 110 triệu đồng), đốt từ 2 đến 5 quả phạt 10.000 USD (khoảng 220 triệu đồng), đốt từ 6 đến 10 quả phạt 20.000 USD (khoảng 440 triệu đồng).
Ở trận bán kết ASIAD 2018, AFC xác định có 3 quả pháo sáng đã được đốt tại khu vực dành cho CĐV Olympic Việt Nam. Án phạt sau đó được đưa ra là 12,500 USD (khoảng 300 triệu đồng). Số tiền trên bao gồm tiền phạt theo khung đã quy định và tiền phạt do tái phạm.
Khung phạt theo số lượng pháo sáng được đốt do Uỷ ban đạo đức và kỷ luật AFC ban hành.
Uỷ ban kỷ luật của AFC nhấn mạnh đó là lần thứ ba VFF để tái diễn tình trạng trên. "VFF đã được thông báo rằng sẽ bị xử phạt nặng hơn nếu vẫn để tình trạng trên tái diễn", Uỷ ban đạo đức và kỷ luật AFC ghi trong biên bản công bố ngày 8/10/2018.
Trận đấu giữa Việt Nam với Malaysia tối 16/11 đang rất nóng vấn đề pháo sáng. Nếu VFF để tình trạng trên tái phạm, án phạt chắc chắn sẽ rất nặng do cổ động viên Việt Nam đã để lỗi này xảy ra 3 lần trong vòng hơn 1 năm qua.
Theo TTK VFF Lê Hoài Anh, mỗi án phạt được Ủy ban đạo đức và kỷ luật AFC đưa ra xem xét, đánh giá mức độ nguy hại. Án phạt sẽ bị đẩy vượt khung nếu nó để lại hậu quả nghiêm trọng hoặc tái phát nhiều lần. Nặng nhất, sân Mỹ Đình hoặc sân Hàng Đẫy có thể bị "treo" (thi đấu không có khán giả) ở các lượt trận tiếp theo của AFF Cup 2018.
"Khung phạt thì có sẵn như vậy, tuy nhiên, án phạt có thể được tăng nặng tùy vào mức độ đốt pháo sáng. Malaysia từng phải đá sân không khán giả do CĐV ném pháo sáng xuống sân năm 2015", TTK VFF Lê Hoài Anh cho hay.
Pháo sáng được dùng như một phương án phản đối cách bán vé của VFF.
Vé xem trực tiếp trận Việt Nam – Malaysia tại SVĐ QG Mỹ Đình được thông báo hết vé từ ngày 11/11. Ngay sau đó, nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra về sự minh bạch của VFF trong việc phát hành vé.
Không dừng lại ở đó, một bộ phận CĐV được đà dư luận đã đưa ra quan điểm "đốt pháo sáng" để phản đối cách làm việc của VFF. Các diễn đàn của các hội CĐV bóng đá trên cả nước cũng sôi sục vì vấn đề này.
Một doanh nhân có tiếng trong giới CĐV Việt Nam chia sẻ: "…CĐV Hải Phòng bức xúc rủ tôi ngồi chung khán đài để xem đốt pháo sáng cho VFF hết làm ăn! Xin nói rõ là tôi không ủng hộ pháo sáng và cũng không đồng tình với cách quản lý vé của VFF tạo ra nhiều kẽ hở tuồn vé ra chợ đen".
Ảnh chế thực trạng mua vé xem bóng đá trận Việt Nam - Malaysia. Ảnh: Vẽ vu vơ.
Trong khi đó, một CĐV khác viết: "Tiền mua vé chợ đen thì không có nhưng gì chứ pháo sáng 50 quả cho trận sau bị cấm khán giả luôn tụi anh sẵn sàng. Để trận sau VFF phát vé mời đủ 40.000 cái luôn". Dòng trạng thái này sau đó thu hút hơn 500 bình luận, gần 100 lượt chia sẻ của người dùng Facebook.
Một CĐV khác bình luận trong một bài đăng của Hội cổ động viên bóng đá Hải Phòng: "Chưa bao giờ mình ủng hộ CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng nhưng sau hôm bán vé mình tha thiết CĐV Hải Phòng đốt pháo sáng để VFF có bài học về cách tổ chức bán vé cho người hâm mộ bóng đá. Đứng từ 3h00 sáng đến 9h00 mà không mua được vé…".
Các dòng trạng thái hoặc bình luận liên quan đến việc đốt pháo sáng trong trận đấu giữa Việt Nam và Malaysia nhận được nhiều phản hồi đồng tình, thậm chí là cổ vũ. Tất cả đều lấy lý do cho sự bất mãn với việc bán vé của VFF. Tuy nhiên, nhiều người hâm mộ bày tỏ sự bất bình với quan điểm đốt pháo sáng để trả đũa VFF.
Nhiều CĐV khác bày tỏ quan điểm khác một cách tỉnh táo hơn.
Pháo sáng không phải phương án để phản đối, góp ý tốt nhất dành cho VFF.
VFF từng bị phạt 10.000 USD do CĐV Việt Nam đốt pháo sáng trên SVĐ Olympic trong trận Việt Nam làm khách trước Campuchia tại vòng loại Asian Cup 2019. Gần nhất, VFF bị phạt 12.500 USD khi AFC xác định có người đốt pháo sáng trong khu vực dành cho CĐV Việt Nam tại trận bán kết ASIAD 2018 gặp Olympic Hàn Quốc.