Tuy nhiên, thí sinh cần lưu ý một số điểm khác biệt và tiêu chuẩn riêng khi đăng ký xét tuyển vào các trường quân đội.
Tiêu chuẩn quy định riêng
Trung tướng, GS.TS Trần Hữu Phúc - Cục trưởng Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng) cho biết: Năm 2021, các trường trong quân đội tiếp tục tuyển sinh theo định hướng chung của Bộ GD&ĐT và theo quy chế tuyển sinh 2021. Theo đó, các trường tiếp tục ổn định phương thức xét tuyển như năm trước. Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng đã xây dựng kế hoạch triển khai công tác tuyên truyền, hướng nghiệp; đồng thời cử cán bộ phối hợp với các địa phương làm tốt công tác tuyên truyền, nhằm giúp đỡ thí sinh và gia đình nắm vững quy chế, thông tin liên quan đến tuyển sinh vào các trường quân đội.
Đại tá Vũ Xuân Tiến - Trưởng Ban Thư ký Ban Tuyển sinh Quân sự (Bộ Quốc phòng) cho biết: năm 2021, có 17 học viện, nhà trường trong quân đội được Bộ Quốc phòng giao chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo trình độ đại học quân sự với hơn 5.000 chỉ tiêu; Trường Sĩ quan Không quân được giao tuyển sinh đào tạo cao đẳng quân sự ngành Kỹ thuật hàng không. Năm nay, Bộ Quốc phòng không tuyển sinh đào tạo ngành Tài chính tại Học viện Hậu Cần và ngành Quan hệ quốc tế về quốc phòng tại Học viện Khoa học Quân sự.
Ngoài ra, thí sinh cần lưu ý có một số tiêu chuẩn quy định riêng trong tuyển sinh quân đội. Cụ thể, các trường đào tạo sĩ quan chỉ huy, chính trị, hậu cần, chỉ tuyển thí sinh nam cao 1,65m và nặng 50kg trở lên. Không tuyển thí sinh mắc tật khúc xạ cận thị. Các trường đào tạo sĩ quan chuyên môn kỹ thuật gồm các học viện: Kỹ thuật quân sự, Quân y, Khoa học quân sự và Hệ đào tạo Kỹ sư hàng không thuộc Học viện Phòng không - Không quân và hệ đào tạo cao đẳng quân sự Trường Sĩ quan không quân tuyển thí sinh cao 1,63m trở lên, cân nặng từ 50kg trở lên. Thí sinh nữ: Cao 1,54m trở lên, cân nặng 48kg trở lên. Thí sinh mắc tật khúc xạ cận thị không quá 3 đi -ốp, kiểm tra thị lực sau chỉnh kính đạt điểm 1 (thị lực mắt phải đạt 10/10, tổng thị lực 2 mắt đạt 19/10 trở lên).
Bên cạnh đó, thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên thuộc khu vực 1, hải đảo và thí sinh là người dân tộc thiểu số, dự tuyển vào các trường: Được tuyển thí sinh (cả nam và nữ) có thể đạt Điểm 1 và Điểm 2 theo quy định tại Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP, riêng thí sinh nam phải đạt chiều cao từ 1,62m trở lên. Thí sinh nam là người dân tộc thiểu số thuộc 16 dân tộc rất ít người dự tuyển vào các trường được lấy chiều cao từ 1,60m trở lên, các tiêu chuẩn khác thực hiện như thí sinh là người dân tộc thiểu số nói chung.
Thí sinh tư vấn tuyển sinh vào các trường quân đội (Ảnh: Internet)
Thực hiện một điểm chuẩn chung
Điểm khác biệt lớn nhất khi đăng ký xét tuyển vào đại học, cao đẳng quân sự tại các trường quân đội so với đăng ký xét tuyển vào các trường ngoài quân đội là thí sinh phải qua vòng sơ tuyển. Cụ thể: Thí sinh là thanh niên ngoài quân đội đăng ký sơ tuyển tại Ban tuyển sinh quân sự cấp quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, nơi thí sinh đăng ký hộ khẩu thường trú. Thí sinh là quân nhân tại ngũ đăng ký sơ tuyển tại đơn vị cấp trung đoàn hoặc tương đương. Thí sinh chỉ được đăng ký một nguyện vọng (nguyện vọng cao nhất) vào một trường trong quân đội ngay từ khi làm hồ sơ sơ tuyển (nếu trường có nhiều ngành đào tạo, thí sinh chỉ được đăng ký dự tuyển vào một ngành). Các nguyện vọng còn lại, thí sinh đăng ký vào các trường ngoài quân đội, việc đăng ký thực hiện theo quy định của Bộ GD&ĐT.
Theo Quy định của Bộ Quốc phòng, tuyển 10% chỉ tiêu thí sinh nữ cho các ngành: Bác sĩ quân y tại Học viện Quân y và các ngành đào tạo ngoại ngữ tại Học viện Khoa học quân sự. Tuyển không quá 6% thí sinh nữ trên tổng chỉ tiêu vào đào tạo các ngành: Công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Điện tử Y sinh, Khí tài quang, Địa tin học tại Học viện Kỹ thuật quân sự. Với các ngành được giao chỉ tiêu tuyển thí sinh nữ, mỗi ngành tuyển ít nhất 2 thí sinh.
Đại diện Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng cho biết: Sẽ thực hiện một điểm chuẩn chung với thí sinh là quân nhân và thanh niên ngoài quân đội; xác định điểm chuẩn riêng theo đối tượng Nam - Nữ (nếu trường có tuyển sinh nữ); theo thí sinh có hộ khẩu thường trú ở khu vực phía Bắc (tính từ Quảng Bình trở ra) và thí sinh có hộ khẩu thường trú ở khu vực phía Nam (tính từ Quảng Trị trở vào) hoặc theo quân khu. Thí sinh là quân nhân tại ngũ được xác định điểm tuyển theo hộ khẩu thường trú.
Các học viện, trường có xét tuyển đồng thời Tổ hợp xét tuyển: Toán, Lý, Hóa (tổ hợp A00) và Tổ hợp xét tuyển: Toán, Lý, tiếng Anh (tổ hợp A01): Thực hiện một điểm chuẩn chung cho tổ hợp A00 và tổ hợp A01.
Ban Tuyển sinh quân sự Bộ Quốc phòng cho biết, các địa phương, đơn vị tổ chức sơ tuyển cho thí sinh từ ngày 1/3 - 25/4/2021. Thời gian tổ chức khám sức khỏe cho thí sinh đăng ký sơ tuyển vào 2 đợt: Đợt 1 vào tuần 3 và tuần 4 tháng 3; Đợt 2 vào tuần 2 tháng 4. Sau khi khám sức khỏe đợt 2, trước khi kết thúc thời gian sơ tuyển (25/4), nếu còn thí sinh đăng ký tham gia sơ tuyển, các địa phương, đơn vị tiếp tục tổ chức khám sức khỏe. Lệ phí sơ tuyển là: 50.000 đồng. Lệ phí hồ sơ sơ tuyển là: 5.000 đồng.