Sau 4 trận đấu, Mbappe ghi dấu ấn với 5 pha lập công, độc chiếm ngôi đầu cuộc đua Chiếc giày vàng, dành cho cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất tại World Cup. Không những vậy, chân sút 23 tuổi còn phá hàng loạt kỷ lục cùng với người đá cặp Olivier Giroud.
Bộ tứ Mbappe - Dembele - Griezmann - Giroud tỏa sáng trong cả 4 trận đấu của Pháp.
Mbappe và bộ tứ siêu đẳng của Pháp
Được đánh giá cao hơn hẳn đối thủ về mọi mặt, tuyển Pháp sớm giành quyền kiểm soát thế trận với hàng loạt những pha hãm thành nguy hiểm ngay sau tiếng còi khai cuộc. Tuy nhiên, hàng thủ số đông của “đại bàng trắng” khiến nhà đương kim vô địch gặp khó khăn.
Lối đá phòng thủ toàn diện của Ba Lan khiến tuyển Pháp rơi vào bế tắc. Do đó, Les Bleus thực hiện chiến thuật tạm lui về phần sân nhà, nhường bóng cho Ba Lan tấn công. Trong khoảng thời gian giữa hiệp thi đấu thứ nhất, tỉ lệ cầm bóng của Ba Lan ngang ngửa Pháp.
Ba Lan đã rơi vào bẫy của các cầu thủ Pháp, giống hệt trường hợp của tuyển Mỹ trước Hà Lan. Hàng tiền vệ Pháp với sự dẫn dắt của Rabiot liên tục thu hồi bóng, chuyển đổi trạng thái từ phòng ngự sang phản công chớp nhoáng (riêng Rabiot cướp bóng và phát động tấn công 11 lần trong 30 phút cuối hiệp 1). Đây là thế trận ưa thích của hai cầu thủ giàu tốc độ là Mbappe - Dembele, đôi cánh trong bộ tứ siêu đẳng tuyển Pháp (Mbappe - Dembele - Griezmann - Giroud).
Bước vào thời gian thi đấu cuối hiệp 1, hậu vệ Ba Lan rơi vào tình trạng hụt hơi sau khi phải liên tục lên công về thủ, tiêu hao quá nhiều thể lực. Hệ quả, họ nhận bàn thua đầu tiên ở phút 44, sau tình huống Mbappe kiến tạo cho Giroud thoát xuống xâm nhập vòng cấm, dứt điểm lạnh lùng mở tỷ số. Đây là bàn thắng thứ 52 cho tuyển Pháp của cựu tiền đạo Chelsea, giúp anh trở thành tiền đạo số 1 trong danh sách ghi bàn mọi thời đại, vượt qua huyền thoại Henry.
Giroud chiếm vị trí số 1 danh sách Vua phá lưới mọi thời đại của tuyển Pháp với 52 bàn.
Thế trận tương tự được Pháp thực hiện trong hiệp thi đấu thứ hai, và cả hai bàn thắng của Mbappe đều có cùng kịch bản: Pháp phản công, chuyền dài để bộ tứ Mbappe - Dembele - Griezmann - Giroud phối hợp ăn ý, trước khi Mbappe ghi bàn với hai cú sút quyết đoán không thể cản phá.
Ở trận đấu này, Mbappe xứng đáng là cầu thủ xuất sắc nhất. Tiền đạo 23 tuổi sút cầu môn 5 lần, ghi 2 bàn, kiến tạo 1 lần. Anh được chấm điểm 9,8/10, gần như hoàn hảo.
Thành tích trên hàng công của đội tuyển Pháp tại World Cup lần này rất ấn tượng. Dù vắng “Quả bóng vàng” Benzema nhưng sức mạnh trên hàng công của họ không hề suy giảm, tất cả nhờ sự vận hành ăn ý và vai trò chuyên biệt, không giẫm chân nhau của bộ tứ Mbappe - Dembele - Griezmann - Giroud.
Mbappe là hạt nhân của bộ tứ này. Anh có tốc độ, kỹ thuật hoàn hảo và sự lạnh lùng hiếm thấy của một chân sút mới 23 tuổi. Hậu vệ Ba Lan gần như không có phương án ngăn cản Mbappe. Ngoài khả năng ghi bàn, Mbappe còn cho thấy kỹ năng kiến tạo mà anh ít khi thể hiện ở PSG.
Ở tuổi 23, 11 tháng và 14 ngày, Mbappe đã ghi 9 bàn sau 11 trận World Cup (2018 và 2022). Anh phá kỷ lục của Pele - tiền đạo từng ghi 7 bàn ở World Cup trước khi bước sang tuổi 24. Với 9 bàn, Mbappe cũng vượt qua Cristiano Ronaldo, cân bằng thành tích với Lionel Messi dù mới chơi kỳ World Cup thứ hai.
Để Mbappe tỏa sáng, Griezmann đã từ bỏ vị trí tiền đạo chủ lực tại World Cup 2022, tập trung hỗ trợ người đàn em. Anh tạo ra 4 cơ hội ghi bàn rõ rệt trước Ba Lan, trong tổng cộng 15 tình huống giúp đồng đội có thể ghi bàn từ đầu giải, dẫn đầu World Cup 2022.
Giroud có lẽ là nhân tố khiêm tốn và ít ồn ào nhất trong bộ tứ, nhưng anh lại cho thấy sự hiệu quả đáng kinh ngạc. Kỹ năng xử lý bóng một chạm, làm tường phát động tấn công của Giroud khiến đồng đội hoàn toàn tin tưởng. Bàn thắng thứ hai của tuyển Pháp đêm qua là trường hợp điển hình.
Mắt xích còn lại - Dembele - cũng không thể thiếu bên hành lang cánh phải của tuyển Pháp. “Cậu bé vàng” của Barcelona đã thức tỉnh, không còn ham rê dắt bóng, chơi cá nhân như trước. Thành tích của tuyển Pháp tại World Cup năm nay sẽ gắn liền với bộ tứ siêu đẳng này.
Chờ tuyển Pháp phá dớp 60 năm
Có rất nhiều “lời nguyền” ở World Cup, một trong số đó được tạo ra bởi đội tuyển Pháp, tại World Cup 2002. Khi ấy, họ có Vua phá lưới ở 3 giải đấu lớn cấp CLB và đội tuyển, nhưng nhà đương kim vô địch đã bị loại ở vòng bảng. Các đội bóng châu Âu tiếp tục bước vào vết xe đổ này, với Italy năm 2010, Tây Ban Nha 2014 và Đức 2018.
Pháp sẽ gặp Anh ở tứ kết.
Bắt đầu từ Pháp và kết thúc cũng từ Pháp, nhà đương kim vô địch World Cup đã phá bỏ dớp bị loại tại Qatar năm nay. Nhưng trước mắt họ sẽ là một “lời nguyền” khác: Không một đội bóng nào bảo vệ thành công chức vô địch suốt 60 năm qua.
Với chu kỳ tổ chức 4 năm một lần, khá dài, muốn vô địch liên tiếp các đội bóng phải duy trì phong độ ổn định. Yếu tố đội hình, kỹ - chiến thuật đổi mới liên tục, hệ thống giải đấu thay đổi… khiến những “thế hệ vàng” từ Brazil, Argentina, Italy, Đức hay Tây Ban Nha đều không thể thành công liên tiếp. Liệu Pháp sẽ một lần nữa phá dớp?
Kể từ khi vòng 16 đội ra đời ở World Cup 1986, Pháp đã 6 lần góp mặt ở vòng đấu này và đều đi tiếp (1986, 1998, 2006, 2014, 2018 và 2022). Nhưng năm nay, đối thủ họ đã gặp chỉ là Ba Lan, Tunisia, Đan Mạch, Australia - những đội bóng đều xếp ở “cửa dưới”.
Gặp tuyển Anh tại tứ kết sau đây 6 ngày sẽ là bài kiểm tra lớn nhất với cầu thủ Pháp. Không còn nghi ngờ gì nữa, đây sẽ là trận chung kết sớm tại World Cup 2022.
Thành tích của Pháp phụ thuộc vào bộ tứ siêu đẳng. Ảnh: Getty.
Trong lịch sử, Anh và Pháp đã từng đối đầu 31 lần. Anh có 17 trận thắng, 5 trận hòa và 9 trận thua. Kể từ đầu thế kỷ này, hai đội gặp nhau 7 lần, Anh chỉ thắng 1, hòa 2 và thua 4. Lần gần nhất hai bên chạm trán, Pháp đánh bại Anh 3-2 (2017).