Có lẽ nhiều người vẫn chưa quên được cảnh tượng anh chàng dùng dao lam cạo vết chai chân khổng lồ mới được đăng tải thời gian gần đây.
Tất nhiên, những trường hợp như anh chàng này là cực kỳ hiếm gặp, nhưng thông thường ai trong chúng ta cũng có chai chân hoặc chai tay. Đó là lớp da chết đóng rất dày, hình thành do da tiếp xúc và cọ xát với vật cứng trong thời gian quá dài.
Nhìn chung, việc có chai cũng chẳng gây hại gì ngoài vấn đề về thẩm mỹ, thế nên ít người trong chúng ta để tâm đến việc đó. Chỉ có điều theo như một nghiên cứu mới đây thì dường như tất cả chúng ta đã sai lầm, vì các vết chai này có thể là dấu hiệu cho một căn bệnh cực kỳ nguy hiểm.
Cụ thể, nghiên cứu từ ĐH Queen Mary (London, Anh) cho rằng các vết chai tay, chai chân có liên hệ mật thiết với căn bệnh ung thư thực quản. Theo đó, các gene được cho là gây ra ung thư thực quản cũng là nguyên nhân khiến các vết chai trên tay hoặc chân của chúng ta lớn hơn bình thường.
Các vết chai quá dày, quá nhiều có thể là dấu hiệu của căn bệnh ung thư thực quản
Theo nhóm chuyên gia, gene gây ra ung thư là iRHOM2 cũng có khả năng kiểm soát Keratin - một dạng protein ở lớp ngoài cùng của da, thủ phạm chính tạo ra các vết chai.
Trong các thí nghiệm trên chuột, cá thể với gene iRHOM2 có phần da dưới các chi dày bất thường. Ở người, đó là các lớp da dưới lòng bàn chân và tay.
Nhìn chung, nghiên cứu có tiềm năng tạo ra một phương hướng chẩn đoán và điều trị mới dành cho các bệnh nhân bị ung thư thực quản. Tuy nhiên, nhóm chuyên gia cũng khuyên rằng hiện tại chúng ta nên chú ý đến các dấu hiệu rõ ràng hơn của căn bệnh này, như cảm thấy khó khăn khi nuốt một số loại thực phẩm như rau, bánh mỳ, thịt... Ngực đau, mệt mỏi, dễ nôn mửa, cổ họng thường xuyên xuất hiện đờm cũng là các dấu hiệu không thể bỏ qua.
Hiện tại, ung thư thực quản đang đứng thứ 11 trong danh sách những nguyên nhân giết nhiều người nhất tại Mỹ. Trong năm 2016, quốc gia này có 16.000 người thiệt mạng vì căn bệnh này.
Nguồn: Daily Science