Kích thước to lớn, hàm răng lởm chởm như một cỗ máy xay thịt, ánh mắt vô hồn và trắng dã - tất cả đã biến cá mập trắng khổng lồ thành một trong những sinh vật đứng đầu chuỗi thức ăn dưới đại dương.
Nhưng thực ra cá mập trắng cũng có kẻ thù không đội trời chung, đó là cá voi sát thủ (orca). Trên thực tế, chuyện cá mập trắng phải bỏ mạng dưới tay cá voi sát thủ cũng không phải hiếm gặp, vì chúng săn theo đàn và từng con cũng là "sát thủ" chuyên nghiệp đúng như tên gọi của chúng.
Tưởng như chỉ là cạnh tranh sinh tồn, nhưng không! Theo một nghiên cứu mới đây thì 2 loài vật này không chỉ cạnh tranh với nhau. Trái lại, đây là một trận chiến một chiều, vì cá mập trắng đã thực sự cảm thấy sợ hãi trước cá voi sát thủ.
Cá mập trắng cảm thấy sợ hãi vì cá voi sát thủ
Đây là nghiên cứu được các chuyên gia hải dương học từ Viện hải dương Vịnh Monterey (Mỹ) thực hiện. Các chuyên gia cho biết mỗi khi có sự hiện diện của cá voi sát thủ trong khu vực, cá mập trắng thường bỏ chạy, không xuất hiện lại ở đó đến cả năm trời.
"Khi bắt gặp cá voi sát thủ, cá mập trắng ngay lập tức từ bỏ bãi săn ưa thích, và sẽ không quay trở lại đến cả năm sau đó. Hiệu ứng này vẫn xảy ra ngay cả khi lũ cá voi sát thủ chỉ bơi ngang qua," - trích lời chuyên gia hải dương học Salvador Jorgensen.
Khi nhà vua gục ngã: Cá mập trắng bị săn lùng bởi một đàn cá voi sát thủ
Nhóm nghiên cứu đã thu thập dữ liệu từ 2 nguồn. Đầu tiên là tín hiệu GPS được gắn lên 165 con cá mập trắng trong giai đoạn 2006 - 2013, và thứ 2 là dữ liệu về số lượng cá voi sát thủ, cá mập và hải cẩu trong 27 năm do Hội khoa học bảo tồn Point Blue tại đảo Farallon (San Francisco) thu thập. Ngoài ra, nhóm còn thu thập được dữ liệu về 4 lần chạm trán giữa 2 loài tại Khu bảo tồn biển quốc gia Greater Farallones.
Các dữ liệu cho thấy trong tất cả những lần cá voi sát thủ xuất hiện, cá mập trắng nhanh chóng bỏ trốn, rời đi đến năm kế tiếp mới quay lại. Quá trình rút lui này diễn ra rất nhanh chỉ trong vài phút, ngay cả khi cá voi sát thủ chỉ lưu lại chưa đầy 1h đồng hồ.
Dữ kiện về hải cẩu voi cũng chứng minh điều đó. Loài vật này vốn là con mồi ưa thích của cá mập trắng, nhưng những lần cá voi sát thủ xuất hiện, số lượng của chúng gần như được giữ nguyên.
"Trung bình có khoảng 40 con hải cẩu voi bị thiệt mạng vì cá mập trắng mỗi mùa. Nhưng khi cá voi sát thủ xuất hiện, cá mập cũng biến mất và chẳng con nào thiệt mạng cả," - Scot Anderson, chuyên gia sinh học tham gia nghiên cứu cho biết.
Cá mập trắng dù hung tợn nhưng vẫn phải làm mồi cho cá voi sát thủ
Nói cho đúng thì cá voi sát thủ cũng săn hải cẩu. Tuy nhiên, thi thoảng cá voi mới xuất hiện, nên mức độ săn đuổi được xét là thua hẳn so với cá mập.
Cũng theo Anderson thì không phải lúc nào cá mập cũng di chuyển đi quá xa. Đôi khi chúng chỉ giữ khoảng cách an toàn và bơi dọc theo bờ biển, đến "thăm" một quần thể hải cẩu khác, hoặc bơi ra giữa Thái Bình Dương để kiếm ăn.
Cần biết rằng cá mập trắng khổng lồ hiện là loài to lớn nhất trong họ cá mập, với độ dài lên tới hơn 5,5m và trọng lượng ở mức 600 - 1000kg. Nhưng sự thực là kích cỡ này vẫn chưa là gì so với cá voi sát thủ. Chúng săn theo đàn, nên thậm chí có thể hạ gục một con cá voi to lớn gấp nhiều lần so với bản thân chúng.
Xác của một con cá mập trắng bị cá voi sát thủ tấn công
Cách tấn công của cá voi sát thủ cũng rất tàn độc. Chúng chỉ nhắm vào lá gan của cá mập, vì đây là bộ phận tập trung rất nhiều dinh dưỡng, cung cấp một phần năng lượng khổng lồ. Bởi vậy, những cái xác cá mập do cá voi sát thủ tấn công đều có vết cắn chí tử ở phần gan.
"Nghiên cứu này cho thấy chuỗi thức ăn không phải lúc nào cũng giữ nguyên. Sự thật là khác với trên cạn, những vụ đụng độ giữa các loài đứng đầu bảng dưới biển rất khó có thể ghi lại được. Và vì nó không thường xuyên xảy ra, nên khoa học cần nhiều thời gian để hiểu hơn về câu chuyện này." - Jorgensen cho biết.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Scientific Reports.