Nói đến nền văn minh bên bờ sông Nile, không ít người nhớ ngay tới Pharaoh, kim tự tháp, hay tượng Nhân Sư...
Nhưng bạn có hay biết rằng, Ai Cập còn nổi danh với 1 thành đô ven biển nhưng bị chìm xuống đáy đại dương bí ẩn hàng ngàn năm trước?
Và thành đô mà ta đang muốn đề cập tới đây chính là Thonis-Heracleion.
Heracleion là tên do người Hy Lạp đặt còn người Ai Cập gọi thành phố này với tên Thonis. Thế nên đôi khi người ta ghép hai tên gọi này thành Thonis-Heracleion - để gọi thành phố này.
Thonis -Heracleion từng là 1 thành phố Ai Cập cổ đại, hình thành vào khoảng thế kỷ VIII TCN. Nơi đây từng là trung tâm thương mại, hàng hải sầm uất của đế chế Ai Cập.
Nhưng rồi thành phố này bỗng biến mất 1 cách đầy bí ẩn. Giới khoa học cho rằng, Heracleion đã chìm xuống biển Địa Trung Hải do sự sụt lở của trầm tích và sự dâng cao của nước biển.
Phải đến năm 2001, các nhà khảo cổ học mới phát hiện ra thành phố cổ Heracleion chôn vùi dưới cát, bùn suốt hơn 1.200 năm qua.
Chỉ riêng khu vực thành phố bị chìm, giới khảo cổ đã phát hiện 64 tàu thuyền các loại, 700 mỏ neo...
Ngoài ra, rất nhiều tiền vàng, đồng đá được cho là phương tiện trao đổi buôn bán ở Heracleion cũng được tìm thấy dưới đại dương sâu thẳm này.
Có khá nhiều bức tượng khổng lồ thờ vị thần cũng bị vùi dưới lớp bùn, cát... Điều này chứng tỏ Heracleion là 1 biểu tượng tôn giáo của đế chế Ai Cập cổ đại.
Tượng thần sông Hapy khổng lồ cao 5,4m.
Các chuyên gia đã mất tới hơn 2 thập kỷ để trục vớt kho báu này. Ước tính, hơn 300 cổ vật đã được trục vớt như bức tượng Arsinoe II - nữ hoàng trong triều đại Ptolemaic, bức tượng thần Orisis...
Tấm thạch bản khắc chiếu lệnh của Pharaoh Nectanebo I
Đáng chú ý nhất là bức tượng thần Hapy - vị thần sông của Ai Cập - cao tới 5,4m và tấm thạch bản khắc chiếu lệnh của Pharaoh Nectanebo I cao 1,9m.
Các báu vật đã được trục vớt này hiện đã được trưng bày tại Bảo tàng Anh Quốc.
Nguồn: BBC, Dailymail