Đã kinh doanh thì hẳn ai cũng có mong ước "buôn may bán đắt" chứ chẳng ai muốn có hàng tồn, nhất là với những công ty thời trang. Khi mà từng mẫu thiết kế, từng xu hướng mới cứ đều đều thay đổi từng ngày từng giờ, thì hàng tồn kho cũng đồng nghĩa với lượng vốn "chết" khó có khả năng thu hồi. Chẳng may thương hiệu thời trang bình dân hàng đầu thế giới - H&M lại đang ở trong tình trạng khốn khó như vậy.
Theo báo cáo kết quả kinh doanh mới nhất mà thương hiệu này vừa công bố vào ngày 27/3 vừa qua, giá trị hàng tồn kho của họ đã lên tới hơn 4,3 tỷ USD ~ 128 nghìn tỷ đồng, tương đương với 17,6% tổng doanh thu của tháng trong quý vừa qua. Kéo theo đó lợi nhuận của hãng giảm đến 44% so với cùng kỳ năm ngoái, giá cổ phiếu của H&M đã sụt giảm đến mức "chạm đáy" trong vòng 10 năm qua.
Bộ đôi của Tam sinh Tam thế: Dương Mịch - Triệu Hựu Đình từng là người đại diện cho bộ sưu tập Tân Xuân 2018 của H&M Trung Quốc.
Để lý giải về số lượng hàng tồn kho kỷ lục như vậy, nhiều nhà phân tích kinh tế đã đưa ra những giả thuyết khác nhau. Một số cho rằng chính việc mở cửa ồ ạt, với mạng lưới hơn 4.700 cửa hàng trên khắp thế giới đã gây nên áp lực khiến H&M phải sản xuất số lượng hàng khổng lồ để lấp đầy khắp các kệ hàng, bất chấp việc khách hàng có thể mua hết hay không.
Một số nhà phân tích khác lại cho rằng tình hình thời tiết thất thường ở châu Âu khi đột nhiên ấm trong tháng 1 rồi lại giảm lạnh sâu trong tháng 2 đã khiến các thương hiệu thời trang "không kịp trở tay", khách hàng cũng e ngại trong việc mua thêm quần áo mới dẫn đến việc hàng tồn kho tăng cao.
Bên cạnh đó, trong lĩnh vực kinh doanh trực tuyến, H&M cũng bị đánh giá là đang "tụt" lại phía sau so với các đối thủ như Zara, ASOS hay thậm chí là Amazon. Chính vì vậy các khách hàng không còn mặn mà với việc sắm sửa quần áo đến từ thương hiệu Thụy Điển này nữa.
Để trấn an các nhà đầu tư cùng với toàn thể nhân viên và khách hàng, Giám đốc điều hành của hãng – ông Karl-Johan Persson – đã lên tiếng: "Chúng tôi sẽ cố gắng làm việc chăm chỉ hơn để cải thiện tình trạng này". Ông Persson cũng thừa nhận hãng đã mắc sai lầm khi cắt giảm chủng loại sản phẩm vào cuối năm ngoái.
H&M dự định phát triển thương hiệu mới mang tên Afound để bán các mặt hàng giảm giá của chính hãng và nhiều thương hiệu khác. Ngoài ra H&M đã bắt đầu bán online ở Ấn Độ và mở cửa hiệu trực tuyến trên nền tảng Tmall của Alibaba. Tất cả đều nhằm gia tăng doanh thu và giảm tỷ lệ hàng tồn kho. Trong tương lai H&M đã đặt ra mục tiêu giảm mức hàng tồn kho xuống ngưỡng 12-14% vào năm 2019.
Phạm Băng Băng và Lý Thần là gương mặt đại diện cho chiến dịch quảng bá dịp Tết 2017 của H&M. Cô cũng là ngôi sao châu Á đầu tiên mặc thiết kế từ BST ERDEM x H&M.
Nguồn: The Straits Times, Bloomberg, VnEconomy