Từng kiếm trên 30 triệu/tháng nhưng nghỉ việc vẫn nợ 200 triệu: Nguyên nhân từ cách dùng tiền sai lầm nhiều người hay mắc phải

Nguyệt, Theo Nhịp sống thị trường 00:01 27/04/2024
Chia sẻ

Sau khi nghỉ việc, nếu không có kế hoạch quản lý tài chính và gia tăng thu nhập, bạn hoàn toàn có thể rơi vào vòng xoáy nợ nần.

Sau khi nghỉ việc, do không biết kiểm soát tài chính dẫn đến chi tiêu quá tay trong khi nguồn thu nhập chưa ổn định nên nhiều người đã rơi vào vòng xoáy nợ nần hàng trăm triệu đồng. Họ đã rút được bài học gì từ những món nợ này?

Ôm món nợ gần 200 triệu vì nghỉ công việc lương 30 triệu đồng/tháng để theo đuổi nghề freelancer

Cách đây khoảng 2 năm, Đoàn Quốc Nam (28 tuổi, Hà Nội, chuyên viên thiết kế) nghỉ công việc văn phòng lương 30 triệu đồng/tháng để làm tự do. Anh cho biết, dù có khoảng thời gian 5 năm làm dân văn phòng nhưng bản thân luôn thấy gò bó, bất công, áp lực. Vậy nên khi có cơ hội, anh chấp nhận mạo hiểm để đổi lấy sự tự do.

Vài tháng đầu nhận dự án riêng, mọi thứ diễn ra suôn sẻ với Quốc Nam. Nhưng chẳng được bao lâu, mọi diễn biến nằm ngoài kế hoạch.

"Mình bắt đầu cảm thấy khó khăn hơn khi sắp xếp thời gian làm việc cùng khách hàng. Đầu óc luôn nghĩ về công việc chứ không giống như đi làm công ty, đúng giờ tan ca là ngừng suy nghĩ. Giờ giấc cứ loạn cả lên, đôi khi cũng ảnh hưởng đến nghỉ ngơi và sức khỏe,...

Những bất cập này dần khiến mình nhận ít dự án lại để thả lỏng tinh thần. Đôi khi, 1 tháng chỉ kiếm được 10 triệu đồng. Đỉnh điểm có tháng còn chẳng nhận được đồng nào vì đối tác hoãn thanh toán đến tháng sau", anh nhớ lại.

Từng kiếm trên 30 triệu/tháng nhưng nghỉ việc vẫn nợ 200 triệu: Nguyên nhân từ cách dùng tiền sai lầm nhiều người hay mắc phải - Ảnh 1.

Ảnh minh hoạ

Thu nhập giảm nhưng gánh nặng cuộc sống vẫn cần lo toan. Những chi phí khi hết tiền đều được Quốc Nam chi trả bằng thẻ tín dụng. Tính cho đến cuối năm 2023, anh đã có món nợ gần 200 triệu gồm cả nợ thẻ tín dụng, bạn bè và người thân. Đó là anh chàng còn chưa tính, khoản tiết kiệm đã dần vơi bớt trong thời gian làm tự do.

Lạm chi thẻ tín dụng, chàng trai rơi vào vòng xoáy nợ 220 triệu đồng

Đó là câu chuyện của Ngọc Minh (29 tuổi) làm trong lĩnh vực IT và đang sinh sống tại Hà Nội. 2-3 năm trước, chàng trai có thể kiếm đến 55 triệu đồng/tháng ở thời kỳ đỉnh cao, nếu chịu nhận thêm công việc bên ngoài. Khi đó, do tự tin với khả năng kiếm tiền, anh mở liền 3 chiếc thẻ tín dụng với hạn mức lần lượt là 20 - 50 - 150 triệu.

Gần 2 năm trở lại đây, Minh mất công việc văn phòng, trong khi job ngoài cũng vơi bớt dần. Trong suốt khoảng thời gian ấy, 3 chiếc thẻ tín dụng đã "nuôi sống" Minh khỏi tất cả khoản chi phí sinh hoạt. Cứ như thế, chỉ trong khoảng 1 năm, Minh đã ôm món nợ 220 triệu đồng vì quá tay khi dùng thẻ tín dụng.

Cuộc sống của Minh chỉ bắt đầu khá khẩm hơn từ cách đây nửa năm, sau khi tìm được một công việc fulltime với mức lương thực nhận khoảng 17,5 - 18 triệu đồng/tháng. Nếu không có khoản nợ 220 đồng triệu đè lên vai, đây là mức thu nhập đủ để một chàng trai độc thân trang trải cuộc sống, thậm chí còn có thể có dư.

Nhưng với Minh thì khác. Sau 3 tháng tìm được nguồn thu nhập ổn định, Minh mới thoát cảnh thanh toán dư nợ rồi lại tiêu hết khoản dư nợ đã thanh toán. Hành trình trả nợ cục nợ 220 triệu, đến đây, mới bắt đầu.

Từng kiếm trên 30 triệu/tháng nhưng nghỉ việc vẫn nợ 200 triệu: Nguyên nhân từ cách dùng tiền sai lầm nhiều người hay mắc phải - Ảnh 2.

Ảnh minh hoạ

Học được gì từ những khoản nợ?

Minh chia sẻ, từ lần mang nợ thẻ tín dụng đó, anh đã nỗ lực tiết kiệm hết mức chi tiêu, thậm chí không dám nghĩ đến yêu đương để dành hầu hết thu nhập có được trả nợ thẻ tín dụng.

Nghĩ về quãng thời gian từng kiếm được 50-55 triệu đồng/tháng rồi nhìn lại cảnh vẫn đang chật vật trả dư nợ tín dụng, Minh ngậm ngùi: "Mình thấy hối hận vô cùng vì đã quá tự tin rằng bản thân đủ giỏi để không bao giờ thất nghiệp và đủ thông minh để không bao giờ rơi vào cảnh nợ nần. Thà là nợ vì đầu tư hay nghe còn dễ hiểu, đằng này, mình lại nợ vì quá tự tin.

Sau này có trả được hết nợ, chắc mình vẫn không thể cho phép bản thân quên bài học này. Gần 3 năm quanh quẩn với 3 cái thẻ tín dụng khiến điểm tín dụng CIC của mình xấu lắm rồi. Không biết sau này có vay được tiền để mà cưới vợ, mua nhà không" .

Trong khi đó, Quốc Nam nhận định nhờ sự thiếu thốn tài chính sau khi nghỉ việc đã cho anh cái nhìn thực tế về nghề freelancer.

Quốc Nam nói: "Nghề freelancer (làm việc tự do) đang là trào lưu nở rộ trong giới trẻ. Khi mà ngày càng có nhiều bạn sinh viên mới ra trường, ở độ tuổi 22-25 không lựa chọn môi trường làm việc văn phòng gò bó. 

Nhưng đây chỉ là bề nổi. Phần mà freelancer không kể với bạn, đó chính là: Không có một phúc lợi nào dành cho cá nhân làm việc tự do; phải tự đóng BHXH vì không ký hợp đồng chính thức; không được công nhận kinh nghiệm khi làm freelancer; lương tháng có tháng không; những quyền lợi về lương, thưởng không đảm bảo, vì đối tác có thể "bùng" bất cứ khi nào,...".

Từng kiếm trên 30 triệu/tháng nhưng nghỉ việc vẫn nợ 200 triệu: Nguyên nhân từ cách dùng tiền sai lầm nhiều người hay mắc phải - Ảnh 3.

Ảnh minh hoạ

Với người đã có kinh nghiệm vừa làm văn phòng vừa làm tự do như Quốc Nam, anh đưa ra lời khuyên:

Thứ nhất, hãy cố gắng dành ra vài năm làm việc trong môi trường văn phòng để học hỏi. Làm freelancer, thái độ và sự tự tin là điều tiên quyết. Và bạn sẽ học được những điều này tốt nhất, ở môi trường công sở.

Tốt nhất có thể kết hợp vừa làm văn phòng, vừa làm freelancer để trải nghiệm trước xem bản thân có phù hợp hay không. Sau đó, khi tích đủ kinh nghiệm, có thể đứng 1 mình để làm việc cùng doanh nghiệp, bạn có thể đánh cược và lựa chọn làm tự do toàn thời gian.

Thứ hai, hãy tạo dựng tốt các mối quan hệ. Quốc Nam cho biết, việc bạn nhận được nhiều dự án hay không, phụ thuộc vào vòng tròn quan hệ của bạn lớn hay không. Hầu hết các dự án khi bạn làm freelancer, đều sẽ được giới thiệu từ người này sang người khác. Và nếu bạn phù hợp với tiêu chuẩn mà các công ty cần ở vai trò cộng tác, thì khả năng cao là sẽ trúng thầu dự án. Dự án càng lớn, quy mô càng to, thì giá trị bạn nhận lại càng nhiều.

Thứ ba, hãy chuẩn bị tâm lý thật tốt về việc "tự do, tự lo". Vì những bất cập khi làm freelancer có thể vượt qua ngoài tầm kiểm soát của bạn. Nhẹ thì thất nghiệp vài tháng, nặng thì có thể sẽ mất khá nhiều thời gian để quay lại đường đua công việc!

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày