Trước khi YG chìm trong chuỗi khủng hoảng, danh hiệu "công ty bị ghét nhất Kpop" vốn thuộc về MBK Entertainment. Công ty này để lại vô vàn ấn tượng xấu với fan Kpop vì cách xử lý khủng hoảng truyền thông và những ồn ào bất công với nghệ sĩ. Hiện nay MBK đang đối mặt với sự thoái trào khi nhiều năm liền không sản xuất ra ca sĩ, nhóm nhạc nào nổi bật.
Thế nhưng ít ai biết trong quá khứ MBK Entertainment từng được đánh giá là xuất sắc, trong đó CEO Kim Kwang Soo được coi là bậc thầy lão luyện trong việc tuyển chọn "gà" và cho ra mắt những ca khúc từng "làm mưa làm gió" nền âm nhạc Hàn Quốc. Tuy nhiên chính những bước đi sai lầm đã khiến hào quang của MBK chỉ còn trong dĩ vãng, nghệ sĩ lần lượt rời đi và tất cả những gì còn lại là các cú phốt do chính "gà cũ" lên tiếng vạch trần.
Từng là "nhà" của nhiều tên tuổi tiếng tăm, có "gà chiến" là đối thủ SNSD một thuở
Không khỏi choáng váng khi nhìn vào danh sách nghệ sĩ MBK Entertainment từng sở hữu. Công ty được thành lập vào năm 2007 với tên cũ Core Contents Media và ngay lập tức "chiêu mộ" được những tên tuổi nổi bật của Kpop thế hệ thứ 2 như SG Wannabe, Seeya, Davichi. Những nhóm nhạc sau này như CoEd School cũng được đánh giá cao vì concept độc đáo, mới lạ.
... hay Seeya đều là những nhóm nhạc gen 2 tên tuổi
CoEd School gây tiếng vang vì là 1 trong những nhóm nhạc tiên phong đi theo mô hình kết hợp nam - nữ mới lạ
Tuy nhiên nhóm nhạc đã đưa MBK tới đỉnh cao thành công lại chính là T-ARA. Nhóm nữ này còn được mệnh danh là đối thủ ngang tài ngang sức, cạnh tranh trực tiếp với huyền thoại SNSD nổi tiếng.
T-ARA chính là nhóm nhạc nổi tiếng nhất MBK Entertainment, góp phần đưa công ty đạt đến đỉnh cao
T-ARA chính thức ra mắt vào năm 2009. Album đầu tay "Absolute First Album" của 6 cô gái ngay lập tức gặt hái thành công với những bản hit để đời như "Time To Love", "Bo Peep Bo Peep", giúp T-ARA nhanh chóng nổi lên như một hiện tượng của Kpop. Thế nhưng tên tuổi nhóm chính thức được công nhận, "gây bão" ở quê nhà khi phát hành "Roly Poly" vào năm 2011. Ca khúc với phần điệp khúc gây nghiện đã đạt chứng nhận single bán chạy nhất năm trên BXH Gaon. "Thừa thắng xông lên", T-ARA chinh phục thị trường Nhật Bản, đem lại nhiều kết quả khả quan. Trong nước, các cô gái tiếp tục ra mắt nhiều bản hit như "Lovey Dovey", "Cry Cry" hay "Day By Day",…
Giai đoạn hoàng kim khiến T-ARA được coi là đối thủ đáng gờm của SNSD trên các BXH âm nhạc trong nước. Vị thế của MBK cũng nhờ đó mà lên cao hơn bao giờ hết.
Vào thời hoàng kim, T-ARA được mệnh danh là đối thủ ngang sức ngang tài với SNSD
Cũng trong giai đoạn 2010 – 2012, MBK liên tục thay đổi đội hình của T-ARA với mục tiêu trở thành nhóm nữ 9 người. Từ 6 người ban đầu, Hwayoung được thêm vào và sau đó là Areum. Thế nhưng việc thêm các thành viên mới, điển hình là Hwayoung là nguồn gốc khiến T-ARA bị đẩy đến bước đường cùng sự nghiệp, đế chế MBK lung lay.
Đội hình T-ARA vào thời điểm đông đúc nhất
Tự tay hủy hoại nghệ sĩ, chìm trong chuỗi "phốt" với gà nhà
Sở hữu dàn "gà" hùng hậu là thế nhưng MBK Entertainment lại gặp nhiều vấn đề nghiêm trọng trong xử lý khủng hoảng, cách đối xử với nghệ sĩ. Kết quả là sự nghiệp nhiều người bị ảnh hưởng, các ca sĩ, nhóm nhạc liên tục rời đi. Cũng vì thế mà MBK bị đông đảo fan của các nhóm nhạc dưới trướng công ty ghẻ lạnh và nhận được cái nhìn ác cảm từ người hâm mộ Kpop.
Xử lý khủng hoảng bắt nạt của T-ARA và tranh chấp bản quyền tên gọi
MBK Entertainment bắt đầu nhận được ánh nhìn ác cảm khi xử lý khủng hoảng của T-ARA. Giữa năm 2012, scandal bắt nạt nội bộ của T-ARA bùng phát với nạn nhân được cho là Hwayoung. Dù chỉ là tin đồn nhưng những bằng chứng cư dân mạng tìm được cho thấy bất lợi nghiêng về phía các thành viên còn lại. Đang lúc "nước sôi lửa bỏng", MBK lại nhanh chóng đuổi Hwayoung ra khỏi nhóm khiến hình ảnh T-ARA càng xấu đi trong mắt công chúng. Họ cho rằng Hwayoung mới là nạn nhân đáng thương, qua đó hết lời chỉ trích T-ARA. Các cô gái bị cắt hợp đồng quảng cáo, đóng phim, bị tẩy chay khiến sự nghiệp lao đao.
Hwayoung được coi là nạn nhân bị T-ARA tẩy chay, bắt nạt khiến hình ảnh nhóm trở nên xấu xí trong mắt công chúng
Với cương vị công ty quản lý, MBK Entertainment lại chẳng đứng ra bênh vực hay giải thích cho nghệ sĩ. Công ty này liên tục giữ im lặng, để mặc T-ARA tự mình lên tiếng thanh minh dù các cô gái chính là những "công thần" của công ty. Chính điều này đã hủy hoại hình ảnh T-ARA trong mắt công chúng, góp phần khiến những năm tháng hoạt động sau này của các cô gái khó khăn hơn bao giờ hết.
Mãi đến năm 2018, CEO Kim Kwang Soo mới minh oan cho nhóm trong 1 cuộc phỏng vấn, thế nhưng mọi chuyện đã quá muộn màng. T-ARA không thể lấy lại hào quang năm nào mà từ đó MBK cũng mang tiếng xấu.
Nhiều năm sau T-ARA mới được minh oan khỏi scandal bắt nạt nhưng đã quá muộn màng
Chưa hết, MBK còn bị chỉ trích nặng nề khi quyết tâm đòi lại thương hiệu "T-ARA" sau ngày nhóm hết hạn hợp đồng vào năm 2017. Công ty này đăng kí "T-ARA" như thương hiệu riêng của công ty, qua đó tìm cách sở hữu độc quyền tên gọi và những ca khúc cũ của nhóm trong những lĩnh vực giải trí, phim ảnh, thời trang và mỹ phẩm.
Không chấp nhận hành động của MBK, các thành viên T-ARA đã nộp tài liệu chống lại "âm mưu" sở hữu độc quyền tên nhóm của công ty. Sau nhiều vòng tranh chấp, cuối cùng phần thắng nghiêng về T-ARA. Việc này khiến MBK bị chỉ trích là tham lam khi không để 6 thành viên được tự do hoạt động dù họ đã cống hiến cả thanh xuân để xây dựng công ty được như ngày hôm nay.
Bị chính nghệ sĩ tố không trả lương, "cướp công"
MBK Entertainment còn gây thất vọng vì cách đối xử với Shannon – nữ ca sĩ solo nổi tiếng với giọng hát kĩ thuật nhất nhì Kpop. Đáng buồn khi chính "bông hồng lai" lại là người không kiềm chế được sự phẫn uất mà chỉ trích công ty.
Shannon tố bị MBK đối xử bất công
Trong một lần trả lời câu hỏi "Sống trong ngục tối (ý chỉ MBK) có đáng sợ không?" của fan trên mạng xã hội, nữ ca sĩ đã thẳng thắn cho biết mình không được trả lương, bị công ty lấy ca khúc vốn dành cho mình để đem cho người khác hát.
"Bạn quen với điều đó thôi. Cho tới khi bạn không được trả một xu nào. Và họ dùng giọng hát của bạn, bảo với bạn đó là bản hướng dẫn cho nhóm khác mà không hề được bạn đồng ý. Họ còn chẳng thèm ghi tên bạn vào phần nguồn khi bạn viết lời tiếng Anh cho họ. Đã thế còn lấy ca khúc đặc biệt dành cho bạn đem cho người khác. Và không bao giờ để bạn ra nước ngoài. Bắt bạn đi mấy cái show bạn không thích để những nghệ sĩ cùng công ty được quảng bá", Shannon viết.
Sau nhiều lần thể hiện sự bất mãn với công ty, Shannon rời MBK vào đầu năm 2019
Nghi vấn dùng scandal hẹn hò của "gà" để marketing "bẩn"
Cuối năm 2018, báo chí đưa tin ca sĩ Jueun của DIA - nhóm nhạc dưới trướng MBK Entertainment đang hẹn hò với Sungjae (BTOB). Tin đồn nhanh chóng được đính chính, thế nhưng ai nấy ngỡ ngàng khi "bông hồng lai" Shannon lại là người "bóc phốt" đây thực chất là chiêu trò PR do chính MBK dàn dựng nhằm đánh bóng tên tuổi DIA.
Tin đồn hẹn hò của Sungjae (BTOB) và Jueun (DIA) bị bóc mẽ là chiêu trò của MBK
Sự việc ít nhiều ảnh hưởng đến thanh danh DIA và MBK lại càng mất điểm khi cố tình gây ảnh hưởng đến danh tiếng nghệ sĩ.
Để nhóm nam mới dính vào nghi vấn đạo nhái
1THE9 là nhóm nam chiến thắng show sống còn "Under Nineteen" của đài MBC và thuộc quyền quản lý của MBK Entertainment. Nhóm dính ồn ào đạo nhái khi chưa chính thức ra mắt và nhiều người cho rằng công ty phải chịu trách nhiệm cho việc này.
Cụ thể, cư dân mạng phát hiện logo của 1THE9 giống hệt thiết kế của 1 website giải trí nổi tiếng. Ảnh concept của nhóm cũng na ná tạo hình Wanna One từng chụp cho tạp chí của Hàn.
Logo nhóm bị tố giống logo 1 trang web giải trí nổi tiếng
Concept chụp ảnh cũng na ná Wanna One
Thế nhưng MBK chỉ giữ im lặng trước các cáo buộc đạo nhái. Điều này khiến công chúng ngán ngẩm vì công ty liên tục khiến "gà" bị ảnh hưởng, nhất là gương mặt mới toanh, đang cần tạo thiện cảm như 1THE9.
Tạm kết
Fan Kpop thế hệ thứ 2 chắc hẳn vẫn chưa quên tầm ảnh hưởng của MBK Entertainment vào cuối những năm 2000 như thế nào hay sức hút từ âm nhạc của các nghệ sĩ dưới trướng họ ra sao. Thế nhưng, dù có cả dàn "ngọc quý" trong tay, công ty này lại không có cách phát huy tiềm năng của từng nghệ sĩ, để rồi từng người một rời đi.
Hiện nay dưới trướng MBK chỉ còn lại nhóm nhạc DIA và tạm thời quản lý 1THE9 – boygroup từ show sống còn "Under Nineteen". Thế nhưng những nghệ sĩ này vẫn chưa gây được tiếng vang đáng kể, làm vị thế MBK ngày càng thu hẹp trên bản đồ Kpop. Nhắc đến công ty này, người ta chỉ còn nhớ đến những cái tên cũ và những ồn ào về cách đối đãi "gà nhà".