Giáo dục con cái không chỉ đơn thuần là việc truyền đạt kiến thức mà còn là quá trình hình thành nhân cách, đạo đức và kỹ năng sống cho trẻ.
1. Mối nguy hiểm lớn nhất trong giáo dục chính là cha mẹ buông thả con cái
MXH Trung Quốc đã từng xuất hiện một câu chuyện gây xôn xao dư luận. Có một gia đình khá giả ở An Sơn, Liêu Ninh (Trung Quốc), mẹ là giám đốc của một công ty, còn cha là một doanh nhân thành đạt. Vì cả hai chỉ có duy nhất một cô con gái nên người cha rất yêu thương và nuông chiều cô bé. Tuy nhiên, vị phụ huynh ấy đã mắc một sai lầm lớn khi chỉ tập trung vào việc đáp ứng mọi nhu cầu vật chất của con gái mà lơ là việc giáo dục đạo đức. Dù con bé có mắc lỗi lầm gì, ông cũng luôn bao che, không hề nghiêm khắc. Cuộc sống đầy đủ và sự nuông chiều thái quá đã khiến cô bé Lưu Gia Thần trở nên hư hỏng, thường xuyên bỏ học và sa vào những thói hư tật xấu, gây ra không ít rắc rối.
Khi Lưu Gia Thần 15 tuổi, cô bé đã đưa ra một quan điểm sống rất rõ ràng: “Trên đời chỉ có ba việc con người cần làm: tiêu tiền, ăn và ngủ”. Đó cũng chính là lối sống mà Lưu Gia Thần ước mơ và đang hướng tới. Trong khi bạn bè cùng trang lứa chăm chỉ học hành, ấp ủ những ước mơ lớn lao thì cô bé này lại chọn cho mình một lối sống buông thả. Những ngày của cô trôi qua trong các hộp đêm, tiệc tùng thâu đêm suốt sáng. Cô bé thường đi chơi đến tận khuya mới về nhà, có khi ngủ đến 4 giờ chiều mới dậy.
Vào mỗi buổi sáng, Lưu Gia Thần sẽ bỏ ra 300 nhân dân tệ (khoảng hơn 1 triệu VNĐ) để gọi một bữa sáng thịnh soạn, bày la liệt trên bàn, nhưng chỉ ăn vài miếng rồi vứt đi. Ngoài ra, mua sắm giày dép cũng là niềm đam mê lớn của cô gái này, tủ giày ở nhà lúc nào cũng đầy ắp những đôi giày đắt tiền, có những đôi thậm chí còn rất hiếm. Đối với Lưu Gia Thần, tiêu tiền cho sở thích của mình khiến cô bé cảm thấy thoải mái.
Được biết, trước đây, khi còn học tiểu học, thành tích học tập của Lưu Gia Thần luôn khá tốt. Nhưng sau này, do cha quá chiều chuộng, nên dần dần cô bé đã hình thành một suy nghĩ rằng: “Việc học chẳng có ý nghĩa gì, chỉ cần cha cho tiền thì sau này bản thân sẽ không phải làm việc hay lo lắng gì cả”.
Vào năm cấp 2, cô bé bắt đầu trốn học một cách ngang nhiên. Khi bị thầy cô nhắc nhở, cô không những không hối hận mà còn cãi lại và xin nghỉ học luôn. Kể từ đó, Lưu Gia Thần ở nhà và dành toàn bộ thời gian cho việc ăn chơi, mua sắm.
Khi người mẹ biết con gái mình tiêu hơn 100.000 nhân dân tệ (khoảng hơn 340 triệu VNĐ) mỗi tháng, bà đã vô cùng tức giận nhưng Lưu Gia Thần lại không mảy may quan tâm.
Từ đó, mỗi khi bị mẹ nhắc nhở, cô bé đều tỏ ra coi thường, đáp trả bằng thái độ ngang ngược, thậm chí là bạo lực. Bố mẹ mong muốn Gia Thần tiếp tục đi học, biết con gái thích bắn súng nên họ đã gửi cô bé đến một trường đào tạo chuyên nghiệp. Nhưng không ngờ, chẳng bao lâu sau, cha mẹ nhận được thông báo từ huấn luyện viên nói rằng con gái của họ đã ẩu đả với một người trong đội khiến người đó bất tỉnh và bị thương.
Vô cùng tuyệt vọng, cha mẹ Gia Thần đành đưa cô bé về nhà. Nhìn cô con gái mình yêu chiều ngày càng trở nên khó dạy và ngang bướng, người cha vô cùng hối hận: “Tất cả là do tôi chiều chuộng quá mức nên con tôi mới sinh ra tính tình như vậy, giờ tôi phải chịu những hậu quả do chính mình gây ra”.
Trên thực tế, có không ít các bậc cha mẹ giống như vậy. Họ chỉ biết chu cấp những điều kiện vật chất để thỏa mãn con ngay lập tức mà quên mất rằng con trẻ cũng cần được yêu thương và giáo dục đúng cách.
Gia đình là trường học đầu tiên của trẻ. Việc cha mẹ nuông chiều con cái quá mức vô tình khiến đứa trẻ trở nên ích kỷ, thiếu tự lập và không biết trân trọng những gì mình đang có.
Giáo dục con cái là một quá trình đòi hỏi sự cân bằng giữa yêu thương và kỷ luật. Cha mẹ cần vừa yêu thương con cái, vừa phải nghiêm khắc rèn luyện cho con những phẩm chất tốt đẹp. Chỉ có như vậy, con cái mới có thể trở thành những người có ích cho xã hội.
2. Sự giàu có của một gia đình không nằm ở vật chất mà chính là những giá trị tinh thần
Nhà tâm lý học người Mỹ, William James từng nói: “Gieo hành động, gặt thói quen; gieo thói quen, gặt tính cách; gieo tính cách, gặt số phận”.
Những gì cha mẹ truyền dạy cho con cái sẽ quyết định tư duy, hành vi và cả con đường mà chúng sẽ đi sau này.
Những thay đổi của cô bé Lưu Gia Thần sẽ chứng minh cho bạn thấy rõ ràng hơn.
Sau khi đón con gái trở về từ trường dạy bắn súng, cha mẹ của Lưu Gia Thần vô cùng lo lắng cho tương lai của cô bé.
Một chương trình truyền hình thực tế đã đến Liêu Ninh (Trung Quốc) để tìm nhân vật, sau khi biết được hoàn cảnh của gia đình Lưu Gia Thần, họ đã mời cô bé tham gia.
Trong chương trình này, Lưu Gia Thần sẽ được trải nghiệm một cuộc sống mới cùng hai vợ chồng họ Dương ở Vân Nam (Trung Quốc), điều kiện của cặp vợ chồng này không mấy khá giả. Mới đầu, nhìn thấy khung cảnh ngôi nhà mà mình sẽ ở, cô bé không khỏi thở dài: “Họ sống ở đây sao? Làm sao họ có thể sống sót với số tiền ít ỏi như vậy? Làm sao họ có thể ăn khi mà không có thịt cơ chứ?”.
Lưu Gia Thần tỏ ra vô cùng khó chịu và không muốn hợp tác. Khi tổ chương trình yêu cầu giao điện thoại, cô bé đã rất tức giận và quay ra chỉ trích họ. Ngay cả khi đến trường học, Gia Thần vẫn giữ thái độ chống đối, ngang ngược và có hành vi đe dọa cả giáo viên.
Nghe tin con gây náo loạn ở trường, cha mẹ mới vội vã đến trường và kịp thời đưa cô bé lên xe về nhà trước khi cô bé định trốn thoát. Lưu Gia Thần lại hét lên: “Nếu hai người không dừng lại, con sẽ nhảy xuống”.
Mẹ Dương nghe thấy hành vi vô lý của cô bé không những không trách móc mà còn nhẹ nhàng nói: “Nếu con muốn nhảy thì chúng ta cùng nhảy đi”.
Sau đó, cô ấy nhẹ nhàng vỗ vào lưng để xoa dịu cảm xúc của Lưu Gia Thần khiến cho cô bé chợt cảm nhận được một sự dịu dàng và ấm áp chưa từng có.
Khoảng thời gian sau đó, bố mẹ mới đã luôn quan tâm chăm sóc cô bé, cố gắng hết sức để chu cấp cho con gái đầy đủ về cơm ăn, áo mặc, nơi ở và phương tiện đi lại. Biết rằng Lưu Gia Thần đã bỏ học, cha Dương đã nghiêm túc giải thích cho cô bé về tầm quan trọng của việc học, đồng thời dạy cô bé hiểu và trân trọng giá trị của đồng tiền.
Dần dần, bằng sự kiên nhẫn và chân thành, Gia Thần cũng đã có sự thay đổi, họ nhận thấy ở cô bé nổi loạn này cũng có rất nhiều điểm tốt.
Trong trí nhớ của Lưu Gia Thần, mẹ cô bé có tính tình không tốt nên hai mẹ con họ hiếm khi giao tiếp một cách bình tĩnh, phần lớn toàn là cãi vã. Khi lớn lên, bố mẹ cô bé lại dành toàn bộ thời gian và sức lực cho việc kiếm tiền và rất ít khi quan tâm đến cảm xúc của con cái.
Chuyến đi đến Vân Nam không chỉ là một trải nghiệm đơn thuần mà còn là một bước ngoặt lớn trong cuộc đời cô bé. Xa rời cuộc sống xa hoa, đối diện với những khó khăn thực tế, Lưu Gia Thần đã có cơ hội nhìn lại bản thân và nhận ra giá trị đích thực của cuộc sống. Trở về từ chuyến đi, cô gái nhỏ biết trân trọng hơn những gì mình đang có, quan tâm đến gia đình và từ bỏ những thói quen tiêu cực.
Cô bé thay đổi lối sống ban đầu, trở lại trường học và đặt ra cho mình những mục tiêu mới. Giờ đây, Lưu Gia Thần đã trở thành một cô bé chăm chỉ, biết quan tâm và không dễ dàng bỏ cuộc dù cho có khó khăn. Cô bé cũng sống rất hạnh phúc với bố mẹ, cùng họ đi du lịch mỗi năm để gắn chặt thêm tình cảm gia đình.
Cha mẹ là người thầy đầu tiên và quan trọng nhất của con cái. Họ không chỉ nuôi dưỡng thể xác mà còn vun đắp tâm hồn cho con. Khi cha mẹ giúp con hình thành một thế giới nội tâm giàu có, con cái sẽ có đủ bản lĩnh để đối mặt với mọi thử thách và đạt được những thành công trong cuộc sống.
Giàu có không chỉ đơn thuần là vấn đề tiền bạc mà còn là sự giàu có về tinh thần. Thay vì tập trung vào việc cung cấp vật chất, cha mẹ nên dành thời gian để nuôi dưỡng tâm hồn con cái. Việc lắng nghe, hướng dẫn và định hướng cho con cái sẽ giúp chúng trở thành những người có giá trị và hạnh phúc hơn.
Trẻ nhỏ giống như một tờ giấy trắng, nếu cha mẹ để cho tờ giấy trắng đó có vết ố thì sớm muộn vết ố đó sẽ khuếch đại và trở thành những tư tưởng xấu xa.
Trong quá trình giáo dục, chỉ có những bậc cha mẹ cẩn thận phác thảo những đường nét, tô màu thì mới có thể vẽ nên tương lai của con mình thành một bức tranh đầy màu sắc.
3. Trách nhiệm của gia đình trong việc giáo dục con cái
Để nuôi dưỡng những đứa trẻ xuất sắc, cha mẹ cần tạo ra một môi trường giàu có về tinh thần.
Điều đầu tiên, cha mẹ cần đối xử với con như những người bạn đồng hành, chứ không đơn thuần là những đứa trẻ. Việc công nhận con là một cá thể độc lập, có suy nghĩ và cảm xúc riêng, sẽ giúp con tự tin thể hiện bản thân và phát triển một cách toàn diện. Khi cha mẹ đối xử với con một cách bình đẳng, con sẽ cảm thấy được tôn trọng và yêu thương, từ đó hình thành nên một mối quan hệ tin tưởng và bền chặt.
Thứ hai, thay vì luôn miệng nói 'Mẹ làm điều này vì lợi ích của con', cha mẹ nên dành thời gian lắng nghe tiếng nói bên trong của con cái. Hãy đặt mình vào vị trí của con để hiểu được cảm xúc và suy nghĩ của chúng. Khi con cảm thấy được lắng nghe và thấu hiểu, con sẽ tự nguyện hợp tác và làm theo những điều mà cha mẹ hướng dẫn.
Và cuối cùng, thay vì luôn đóng vai trò là người lớn, cha mẹ hãy cố gắng trở thành bạn của con cái. Hãy cùng con chia sẻ những sở thích, cùng con tham gia các hoạt động mà con yêu thích. Điều này sẽ giúp con cảm thấy thoải mái khi chia sẻ mọi điều với cha mẹ.
Giáo dục là một quá trình đồng hành chứ không phải là một cuộc chiến. Cha mẹ cần tôn trọng sự độc lập của con cái, đồng thời cũng cần định hướng và hỗ trợ con trên con đường trưởng thành. Thay vì sử dụng những biện pháp mạnh như đánh đập, cha mẹ nên sử dụng những phương pháp giáo dục tích cực như trò chuyện, giải thích và làm gương. Khi cha mẹ và con cái cùng nhau xây dựng một mối quan hệ tin tưởng và tôn trọng, con cái sẽ tự tin hơn và có thể vượt qua mọi khó khăn trong cuộc sống.
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, cách cha mẹ nuôi dạy con cái có ảnh hưởng rất lớn đến sự thành công của trẻ trong tương lai. Những đứa trẻ được nuôi dạy trong một môi trường gia đình lành mạnh, với những phương pháp giáo dục phù hợp, thường tự tin, lạc quan và có nhiều cơ hội thành công hơn. Ngược lại, những đứa trẻ bị nuôi dạy theo cách thiếu khoa học thường gặp phải nhiều khó khăn trong cuộc sống.
Vì vậy, cha mẹ cần tìm hiểu và áp dụng những phương pháp giáo dục hiệu quả để giúp con mình phát triển toàn diện.
1. Là người bạn đồng hành của con
Trong thời gian rảnh rỗi, hãy đặt điện thoại xuống, sắp xếp thời gian dành cho con như cùng nhau xem phim, cùng nhau tập thể dục, cùng nhau đọc sách, cùng nhau hoàn thành những món đồ thủ công và cùng nhau ngắm nhìn những khía cạnh khác nhau của thế giới.
Để xây dựng lòng tin với con, cha mẹ cần chứng minh cho con thấy rằng mình luôn sẵn sàng lắng nghe và hỗ trợ. Khi cha mẹ đưa ra những gợi ý hợp lý và giúp con giải quyết vấn đề một cách hiệu quả, con sẽ cảm thấy được tin tưởng và tôn trọng.
2. Làm gương và luôn đặt ra các quy tắc
“Cha nào con nấy”. Khi cha mẹ dễ cáu kỉnh và mất kiểm soát cảm xúc, giao tiếp gia đình trở nên căng thẳng, khiến trẻ khó chia sẻ và tìm kiếm sự hỗ trợ. Nếu cha mẹ không làm chủ được cảm xúc của mình, trẻ dễ bị ảnh hưởng tiêu cực, trở nên thu mình và gặp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề. Lâu dần, trẻ có thể hình thành những thói quen không tốt và gặp khó khăn trong các mối quan hệ xã hội.
Kỷ luật không chỉ là việc đặt ra những quy tắc mà còn là cách thể hiện tình yêu thương của cha mẹ đối với con cái. Khi cha mẹ biết cách kết hợp kỷ luật với tình yêu thương, trẻ sẽ cảm thấy được an toàn và có động lực để cố gắng. Ngược lại, nếu chỉ chú trọng vào kỷ luật mà thiếu đi sự quan tâm, trẻ sẽ cảm thấy bị cô lập và dễ nổi loạn.
Theo Sohu