Dù nằm gần Quốc lộ 3C, nhưng di tích Bản Ca, nơi Bác Hồ sống và làm việc năm 1947 và di tích Nà Quân, nơi làm việc của Trung ương Đảng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp tại xã Bình Trung, huyện Chợ Đồn vẫn thưa vắng khách tham quan. Một phần do đường vào di tích chưa thực sự thuận lợi, một phần còn bởi các điểm di tích này chưa được tôn tạo xứng tầm di tích cấp quốc gia.
Ông Hoàng Văn Hỷ, Chủ tịch UBND xã Bình Trung, cho rằng: "Hiện tại, việc đầu tư vào 2 di tích này còn chưa xứng tầm. Do đó, bà con nhân dân rất mong được quan tâm, đầu tư để giáo dục truyền thống cho con cháu và phát huy được giá trị di sản sẵn có của địa phương".
Đây cũng là trăn trở của các cấp chính quyền tỉnh Bắc Kạn khi quần thể 25 di tích gắn liền với những năm tháng tiền khởi nghĩa cũng như trong cuộc kháng chiến chống Pháp của Trung ương Đảng, Bác Hồ và nhiều cơ quan nhà nước chưa thu hút được du khách tham quan.
Các điểm di tích tại ATK Chợ Đồn, Bắc Kạn còn vắng khách tham quan
Xác định quần thể di tích ATK Chợ Đồn có lợi thế lớn để trở thành một "địa chỉ đỏ" trên hành trình khám phá Việt Bắc của du khách, ngoài việc hoàn thiện nâng cấp, cải tạo tuyến Quốc lộ 3C, tỉnh Bắc Kạn và huyện Chợ Đồn đã tổ chức nhiều hoạt động thu hút du khách như quảng bá, giới thiệu nông sản địa phương, sản phẩm OCOP gắn với phát triển du lịch huyện Chợ Đồn, các hoạt động văn hóa như giới thiệu trang phục, ẩm thực, biểu diễn văn nghệ dân gian...
Ông Triệu Huy Chung, Chủ tịch UBND huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn cho biết: Chợ Đồn có thế mạnh về du lịch cộng đồng với nhiều nét đặc sắc về trang phục, nhà ở, ẩm thực và văn hóa, tín ngưỡng của các dân tộc Tày, Dao, Mông...
“Huyện đã xây dựng đề án phát triển văn hóa cho toàn huyện, trong đó trọng tâm, trọng điểm chính là khu vực di tích ATK này. Tuy nhiên, do điều kiện còn khó khăn nên việc đầu tư ban đầu còn hạn chế. Dù vậy, hàng năm huyện vẫn cố gắng bố trí một số ngân sách, dù ít nhưng cũng đáp ứng phần nào cho công tác chăm sóc, tu bổ di tích. Ngoài ra cũng đã đề xuất với tỉnh, trung ương và có một số đơn vị đến để khảo sát, xem xét hỗ trợ, tài trợ cho tỉnh, cho huyện để đầu tư, tu bổ, xây dựng sao cho xứng tầm với vị thế của các di tích này”, ông Chung chia sẻ.
Tháng 12/2021, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi quần thể ATK Chợ Đồn trên địa bàn các xã Lương Bằng, Nghĩa Tá và Bình Trung (huyện Chợ Đồn) nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di tích, đưa ATK Chợ Đồn trở thành điểm "Về nguồn", góp phần giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống đấu tranh cách mạng của nhân dân ta.
Hầu hết các di tích chưa được đầu tư, xây dựng để trở thành điểm du lịch theo đúng nghĩa
Ông Hà Văn Trường, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Bắc Kạn cho biết: "Xong quy hoạch, chúng tôi sẽ từng bước thực hiện tu bổ, tôn tạo các di tích thành phần trong quần thể. Đồng thời, sẽ gắn quy hoạch di tích này với phát triển du lịch chung cả tỉnh Bắc Kạn. Chúng tôi sẽ huy động thêm sự ủng hộ, hỗ trợ từ tỉnh ngoài, các bộ ngành trung ương và nguồn lực sự nghiệp phát triển du lịch, vì với điều kiện hiện nay của Bắc Kạn, việc xây dựng các khu di tích là khá khó khăn".
Với lợi thế tập trung ở cụm 3 xã giáp ranh khu vực như ATK Định Hóa (Thái Nguyên) và gần Hồ Ba Bể, ATK Chợ Đồn có khả năng kết nối tour, tuyến du lịch từ ATK Định Hóa thuộc tỉnh Thái Nguyên, ATK Tân Trào thuộc tỉnh Tuyên Quang và khu du lịch Ba Bể tương đối thuận lợi. Nếu được đầu tư xứng tầm, ATK Chợ Đồn sẽ trở thành “địa chỉ đỏ” về du lịch, vừa góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, vừa giúp đồng bào các dân tộc nơi đây có điều kiện phát triển kinh tế, xã hội./.