Ở nhiều khu dân cư tại Trung Quốc, tình trạng cơi nới ban công thêm vài mét vuông, xây phòng tắm nắng trên sân thượng, chiếm dụng hành lang công cộng lắp cửa bảo vệ,... diễn ra rất phổ biến. Hầu hết những người này có suy nghĩ, là nhà của tôi, tôi có thể sửa chữa mà không cần xin phép ai.
Ông Lục và bà Uông là hàng xóm trong cùng một khu dân cư, trước kia họ sống rất yên bình hòa thuận nhưng việc ông Lục cải tạo lại nhà đã khiến mối quan hệ của họ rạn nứt. Tháng 5 năm 2017, ông Lục tiến hành sửa sang lại ngôi nhà của mình, toàn bộ ngôi nhà liền kề ban đầu bị phá bỏ và cho xây dựng lại, lần này ông xây dựng căn nhà theo kết cấu khung, móng đào sâu 3m.
Trong quá trình xây dựng, tường, sàn và gạch ngói trong nhà bà Uông xuất hiện các vết nứt, nền nhà bị sụt lún không bằng phẳng, hai bên nhiều lần thương lượng về những thiệt hại gây ra khi xây dựng lại ngôi nhà nhưng không có kết quả, không còn cách nào khác bà Uông buộc phải kiện lên tòa, yêu cầu ông Lục bồi thường thiệt hại sửa chữa và các chi phí khác do làm hư hỏng căn nhà của bà.
Trong phiên tòa, ông Lục cho rằng tình trạng căn nhà hiện tại của bà Uông không chỉ do mình ông đơn phương gây ra. Trước đó, một vài người hàng xóm khác cũng đã xây lại nhà, bản thân bà Uông cũng xây dựng và cơi nới trái quy định, căn nhà vốn đã có sẵn các vết nứt từ trước. Sau đó, tòa án ủy quyền cho bên thứ ba là cơ quan thẩm định tiến hành kiểm tra xem các hư hại của căn nhà như nứt, nghiêng có thực sự do việc sửa chữa của bị cáo gây ra hay không.
Sau khi kiểm nghiệm, giám định tư pháp kết luận việc xây dựng móng nhà của ông Lục có ảnh hưởng xấu đến nhà của bà Uông, ảnh hưởng xấu này là những hư hại, sụt lún cả bên trong và bên ngoài của căn nhà, hơn nữa còn là nguyên nhân trực tiếp.
Bên kiểm định còn bổ sung thêm chi phí sửa chữa ngôi nhà bị hư hỏng là hơn 150 nghìn NDT (tương đương 505 triệu VND). Toà án cuối cùng xác định thiệt hại sửa chữa là hơn 120 nghìn NDT (tương đương 404 triệu VND). Đồng thời ông Lục phải đứng ra chịu trách nhiệm vụ việc và bồi thường thiệt hại cho bà Uông.
Luật sư Trương Hổ của công ty luật Jiangsu Fazhou, Trung Quốc đã phân tích hậu quả pháp lý của việc nhà hàng xóm bị hư hại do tự ý sửa lại nhà của mình:
1. Các chủ sở hữu nhà liền kề nhau nên chú ý những vấn đề gì?
Khi chủ sở hữu các bất động sản liền kề nhau thực hiện quyền sử dụng đất của mình nhất định không được làm tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của hàng xóm khác. Nếu việc thực hiện các quyền của mình gây thiệt hại cho người hoặc tài sản của hàng xóm thì hàng xóm có quyền yêu cầu chấm dứt hành vi xâm phạm, loại bỏ các mối đe dọa và bồi thường thiệt hại.
2. Làm thế nào để xác định thiệt hại do việc xây dựng trái phép của bên kia gây ra?
Trong vụ việc này, hai bên là hàng xóm và ông Lục trong quá trình xây lại nhà đã gây ra thiệt hại lớn cho bà Uông. Những thiệt hại do việc xây dựng trái phép có thể bao gồm chi phí sửa chữa, chi phí thuê nơi khác sinh sống,... Nếu hai bên không thể giải quyết thì có thể nhờ cơ quan giám định có chuyên môn can thiệp để xác định hư hỏng. Cơ quan đánh giá chuyên nghiệp sẽ đưa ra nhận định toàn diện dựa trên tình hình thực tế của căn nhà, từ đó có những kết luận xác đáng và hợp lý.
Luật sư Trương Hổ còn nhắc nhở rằng việc phá dỡ và xây dựng nhà phải được sự cho phép của các cơ quan có thẩm quyền. Cho dù có đủ điều kiện để xây dựng lại thì cũng không nên chỉ xem xét đến kết cấu của nhà mình mà còn nên tìm hiểu và chú ý đến sự an toàn của nhà hàng xóm, từ đó tránh được những xung đột, tranh chấp và những rủi ro tiềm ẩn.
Xét cho cùng, bà con xa không bằng láng giềng gần, hàng xóm láng giềng nên có tình thần đoàn kết, tương trợ, công bằng và đối xử với nhau có chừng mực, tránh những tranh chấp cãi vã không đáng có.