Từ vụ con trai Xuân Bắc, bố mẹ có nên xem trộm điện thoại của con? - 3 em nhỏ lên tiếng

Thu Phương, Theo Pháp luật và Bạn đọc 20:48 15/03/2022

Những đứa trẻ nghĩ sao khi cha mẹ thường xuyên theo dõi, thậm chí là đọc trộm thông tin trong điện thoại của chúng?

Mới đây, vụ việc của gia đình NSƯT Xuân Bắc đã nhận được sự quan tâm từ đông đảo cư dân mạng. Cụ thể, vợ Xuân Bắc sau khi kiểm tra điện thoại của con đã phát hiện con tham gia nhiều nhóm tin nhắn có chứa hình ảnh 18+. Chị đăng tải thông tin này lên mạng xã hội để cảnh báo các bậc phụ huynh khác cũng nên kiểm tra ngay điện thoại của con mình.

Dẫu biết việc cha mẹ quan tâm, lo lắng nên mới muốn sát sao con trong mọi việc. Tuy nhiên việc kiểm tra hay thậm chí là đọc trộm điện thoại của các con liệu có phải là cách thực sự phù hợp để răn dạy con?

Cùng lắng nghe tâm sự từ 3 bạn nhỏ về vấn đề này.

Em Phương (12 tuổi): Nếu muốn biết thì bố mẹ sẽ nói chuyện với em

“Em không dùng điện thoại di động mà chỉ hay dùng máy tính bảng hay dùng laptop để học trực tuyến. Học xong em cũng có xem phim, lướt các trang mạng xã hội linh tinh để đọc thêm những tin tức hay ho.

Bố mẹ chưa bao giờ hỏi hay có ý muốn kiểm tra những thiết bị điện tử đó của em. Thay vào đó, cả nhà em thường hay ngồi với nhau sau bữa cơm, cùng xem ti vi và nói chuyện. Bố mẹ cũng hay hỏi chuyện em học hành thế nào, ở lớp chơi với ai, quý bạn nào không quý bạn nào… Nếu muốn biết chuyện gì thì bố mẹ chỉ cần nói chuyện với em là được.

Từ vụ con trai Xuân Bắc, bố mẹ có nên xem trộm điện thoại của con? - 3 em nhỏ lên tiếng - Ảnh 1.

Thay vì tra hỏi, kiểm soát hay kiểm tra các thiết bị điện tử của con, bố mẹ ngồi nói chuyện với con sẽ tốt hơn. (Ảnh minh họa)

Vì đều gần gũi bố mẹ, nên có chuyện gì em cũng kể với bố mẹ, tâm sự như những người bạn vậy. Có lẽ đó cũng là lí do một phần bố mẹ không kiểm soát việc em sử dụng các thiết bị điện tử hay mạng xã hội.”

Em Nam (14 tuổi): Bố mẹ sẽ kiểm tra khi em đồng ý, chứ không đọc trộm

“Năm lớp 6, mẹ có cho em một chiếc điện thoại cũ của mẹ, là chiếc iPhone 6 cũng khá 'xịn xò' so với lứa tuổi của em. Bên cạnh nghe và gọi điện, em cũng thường dùng để lướt Facebook, chat với bạn bè hay lên Youtube nghe nhạc…

Thời gian đầu, mẹ có vẻ theo dõi rất sát sao việc em dùng điện thoại, còn cài cả những ứng dụng theo dõi và em không hề thích điều đó. Em đã nhiều lần nói với bố mẹ rằng em không làm gì sai với chiếc điện thoại và hãy để em có khoảng riêng tư.

Từ vụ con trai Xuân Bắc, bố mẹ có nên xem trộm điện thoại của con? - 3 em nhỏ lên tiếng - Ảnh 2.

Nếu con đồng ý, bố mẹ có thể kiểm tra điện thoại của con. (Ảnh minh họa)

Sau nhiều lần thì họ cũng dần chấp nhận. Điện thoại em luôn mang theo mình, nếu bố mẹ em có yêu cầu kiểm tra, em sẽ sẵn sàng đưa nhưng với điều kiện bố mẹ phải hỏi và em đồng ý.”

Em Sơn (14 tuổi): Mẹ có đọc trộm điện thoại trong lúc em ngủ

“Vì đang gần thi cấp 3 nên bố mẹ em cũng rất 'gắt' trong việc kiểm tra thời gian em học cũng như em chơi, đặc biệt là mẹ.

Tháng trước mẹ có hỏi em dùng điện thoại làm gì, chơi ít thôi để còn tập trung học và còn định thu điện thoại của em, nhưng em không đồng ý. Em dùng điện thoại để nghe gọi, nói chuyện với bạn bè, Covid còn phải học online rất nhiều nữa.

Từ vụ con trai Xuân Bắc, bố mẹ có nên xem trộm điện thoại của con? - 3 em nhỏ lên tiếng - Ảnh 3.

Nhiều bố mẹ từng xem trộm điện thoại của con trong lúc con ngủ hoặc để quên điện thoại (Ảnh minh họa)

Có buổi trưa em đang ngủ thì thấy mẹ vào phòng em, cầm điện thoại định kiểm tra nhưng em đã cài mật khẩu. Ngay sau đó mẹ còn đánh thức em dậy và hỏi mật khẩu là gì. Em thực sự đã rất buồn vì mẹ không cho em quyền riêng tư, cũng không tin tưởng em.

Sau hôm đó em tâm sự với bố. Có lẽ bố đã nói chuyện lại với mẹ nên mẹ chỉ nhắc nhở em dùng điện thoại cho đúng cách đúng chỗ, không chểnh mảng học hành là được.”

Bố mẹ có được kiểm tra/đọc trộm điện thoại của con?

Hiến pháp 2013 quy định rất rõ về quyền được bảo vệ bí mật đời tư; bí mật thư tín; điện thoại; điện tín; hay gọi chung là quyền riêng tư. Quyền riêng tư được pháp luật mặc nhiên bảo vệ; không phân biệt độ tuổi, giới tính.

Vì vậy, việc bố mẹ kiểm tra khi không có sự cho phép hay đọc trộm điện thoại của con mình cũng là hành vi vi phạm pháp luật. 

Đã có không ít vụ việc thương tâm xảy ra, trẻ bị tổn thương tâm lí dẫn đến những hành động thiếu suy nghĩ khi có mâu thuẫn với cha mẹ, cụ thể là bị cha mẹ xâm phạm quyền riêng tư, đọc trộm điện thoại hay nhật ký.

Từ vụ con trai Xuân Bắc, bố mẹ có nên xem trộm điện thoại của con? - 3 em nhỏ lên tiếng - Ảnh 4.

Không ít trẻ đã bị tổn thương tâm lí khi xảy ra mâu thuẫn với bố mẹ. (Ảnh minh họa)

Để thấu hiểu hơn con mình, thay vì việc kiểm soát, bố mẹ hãy ngồi xuống, trò chuyện, tâm sự, làm bạn với con.

Nếu không may phát hiện ra con đang có những biểu hiện, hành vi tiêu cực, với tình yêu thương và trách nhiệm, hãy đưa ra những phương pháp khéo léo trong việc giáo dục, định hướng. Từ đó trẻ sẽ cởi mở và dễ dàng tiếp nhận những ý kiến của bố mẹ hơn.

https://soha.vn/tu-vu-con-trai-xuan-bac-bo-me-co-nen-xem-trom-dien-thoai-cua-con-3-em-nho-len-tieng-20220315110928352.htm