Từ vụ cháy chung cư mini: Tăng cường kỹ năng phòng cháy cho học sinh

PV, Theo Đại đoàn kết 15:31 14/09/2023
Chia sẻ

Theo thống kê sơ bộ, có 29 học sinh thuộc ngành giáo dục Hà Nội liên quan đến vụ cháy chung cư mini tại phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân.

Sau vụ cháy tại chung cư mini số nhà 37, ngách 29/70 phố Khương Hạ (phường Khương Đình, quận Thanh Xuân), nhiều trẻ em từ 8 đến 10 tuổi bị thương. Ông Trần Thế Cương, Giám đốc Sở GDĐT cho biết, theo thống kê sơ bộ, có 30 người thuộc ngành Giáo dục liên quan đến vụ cháy này, bao gồm 1 giáo viên và 29 học sinh.

Từ vụ cháy chung cư mini: Tăng cường kỹ năng phòng cháy cho học sinh - Ảnh 1.

Hình ảnh các nạn nhân trong vụ cháy chung cư mini tại quận Thanh Xuân được đưa đi cấp cứu.

Theo thông tin ban đầu, trong số này, có một số học sinh tử vong; giáo viên và các học sinh còn lại bị thương ở nhiều mức độ khác nhau.

Trẻ em thường dễ trở thành những nạn nhân đầu tiên trong vụ hỏa hoạn bởi các em không biết cách thoát hiểm trong đám cháy. Các em cũng rất dễ bị hoảng loạn do cháy nổ xảy ra.

Do vậy, để trang bị cho học sinh những kiến thức cơ bản về cháy nổ, kỹ năng cứu nạn, cứu hộ, góp phần giảm thiểu thấp nhất nguy cơ có thể xảy ra, thời gian vừa qua các hoạt động ngoại khóa, giáo dục kiến thức này đã được nhiều trường học chú trọng, tổ chức thường niên.

Tuy nhiên, việc trang bị kiến thức và kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy cho học sinh mới chỉ dừng lại về mặt lý thuyết.

Một hiệu trưởng trường tiểu học ở Hà Nội cho rằng, hiện nay trẻ em còn thiếu kỹ năng sống vì được bố mẹ bao bọc nhiều. Với học sinh tiểu học, nếu chỉ trang bị kiến thức và kỹ năng sống cho trẻ về mặt lý thuyết thì các em sẽ không nghe, không ngấm.

Với cách làm sáng tạo, mỗi năm học, trường tiểu học này có nhiều phương pháp trang bị kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, thoát hiểm cho học sinh kết hợp giữa lý thuyết và thực hành, khi thì tại trường, khi thì lồng ghép qua các buổi tham quan, dã ngoại xây dựng các mô hình để các em hình dung, thực hành về việc thoát hiểm.

Ngoài việc giáo viên chủ nhiệm dạy lý thuyết trên lớp thông qua các video clip, nhà trường còn phối hợp với cơ quan công an và lực lượng cảnh sát phòng cháy chữa cháy tổ chức tập huấn cho dân cư trên địa bàn và học sinh dưới sân trường…

“Các chiến sĩ công an có cách thức giao lưu, kể chuyện rồi thực hành các tình huống rất hấp dẫn chứ không phải chỉ dừng lại ở mặt giảng lý thuyết. Tôi thấy học sinh rất hào hứng và như vậy các em sẽ nhớ lâu hơn”, cô hiệu trưởng cho hay.

Từ vụ cháy chung cư mini: Tăng cường kỹ năng phòng cháy cho học sinh - Ảnh 2.

Học sinh thực hành kỹ năng phòng cháy, chữa cháy tại trường học.

Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết Online, NGƯT, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) cho biết, trang bị kiến thức và kỹ năng phòng cháy, chữa cháy, kỹ năng thoát hiểm cho học sinh được Bộ GDĐT chú trọng triển khai trong các nhà trường nhiều năm qua, nhưng tùy từng mức độ, nhận thức, cách bố trí dạy học của từng nhà trường chưa thành chính quy.

Trong khi đó, việc trang bị kỹ năng sống đòi hỏi tăng cường thực hành trải nghiệm mà việc này còn phụ thuộc vào điều kiện của từng trường.

Tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, việc trang bị kỹ năng sống được nhà trường thực hiện trong suốt 3 năm học qua các bài giảng, cách giải quyết các tình huống, các khu vực khác nhau. Hằng năm, vào tháng 7, nhà trường tổ chức trại hè. Đây là dịp học sinh được thể hiện sự sáng tạo, nhận thức vấn đề về kỹ năng giữ an toàn cho bản thân. Các em sẽ thuyết trình, trình chiếu các clip, biến trại hè thành 1 diễn đàn công khai dưới hình thức thi theo chủ đề.

Tuy nhiên, thầy Lâm cũng nhìn nhận, nhà trường chưa có điều kiện để thường xuyên tổ chức thực hành, thực tập cho học sinh.

Để góp phần giảm thiếu tối đa các nguy cơ có thể xảy ra do cháy nổ, hỏa hoạn, thầy Lâm cho rằng, những kỹ năng phòng cháy, chữa cháy cần phải được tăng cường nâng cao thực hành ở các khu dân cư, không phải chỉ cho người lớn mà cả trẻ em.

“Thực hành ở khu dân cư với các địa hình khác nhau như chung cư, nhà trong ngõ hẹp... cùng các tình huống giả định sẽ hiệu quả hơn là chỉ trang bị những kiến thức, kỹ năng cơ bản trong trường học. Địa phương nên tổ chức vào các ngày cuối tuần theo từng nhóm, các hộ gia đình và nên duy trì mỗi năm một lần”, thầy Lâm cho biết.

Từ vụ cháy chung cư mini ở quận Thanh Xuân, TS Nguyễn Tùng Lâm nêu quan điểm, không chỉ chung cư mini mà cả các chung cư lớn cần phải tuân thủ, bảo đảm các yêu cầu về thoát hiểm, quy định về phòng cháy, chữa cháy và cần được lực lượng chức năng kiểm tra thường xuyên. “Nếu không bảo đảm các điều kiện thì các chung cư này không được xây dựng và kinh doanh nữa. Cơ quan chức năng cần phải làm kiên quyết, không nể nang”, TS Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh.

Liên quan đến việc khắc phục hậu quả vụ hỏa hoạn, lãnh đạo Sở GDĐT Hà Nội, Công đoàn ngành Giáo dục Hà Nội, Phòng GDĐT quận Thanh Xuân và Ban giám hiệu một số trường trên địa bàn đã trực tiếp thăm hỏi, động viên và chia sẻ với các gia đình học sinh, giáo viên liên quan.

Sở GDĐT Hà Nội đã chỉ đạo Phòng GDĐT quận Thanh Xuân và các nhà trường có liên quan tiếp tục rà soát các trường hợp là cán bộ, giáo viên, nhân viên và học sinh có liên quan đến vụ cháy này.

Liên quan đến việc này, Phòng GDĐT quận Thanh Xuân cùng các đơn vị, trường học trên địa bàn thành phố cũng triển khai nhiều hình thức hỗ trợ gia đình học sinh, giáo viên bị nạn.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày