Ngày hôm nay, rất nhiều phương tiện truyền thông đưa tin về việc một giáo viên dạy toán Trung Quốc bị chỉ trích gay gắt vì giao bài tập đếm 100 triệu hạt gạo cho học sinh tiểu học.
Cụ thể, cô giáo dạy Toán Su ở thành phố Quảng Đông, Phật Sơn yêu cầu các em học sinh lớp 5 đếm 100 triệu hạt gạo và mang chúng đến trường. Nếu không hoàn thành bài tập này, các em sẽ phải tiếp tục đếm ngũ cốc cho đến cuối tuần.
Bài tập đếm 100 triệu hạt gạo gây sốt mạng xã hội
Nhiều người đã gay gắt phản đối, cho rằng thậm chí giáo viên cũng phải mất 1 giây để đếm 3 hạt gạo, như vậy phải mất gần 1 năm để đếm đủ 100 triệu hạt gạo.
Trước chỉ trính của dư luận, cô giáo đã giải thích rằng: "Tôi chỉ muốn khuyến khích học sinh đừng gò bó mà hãy mở rộng tư duy, suy nghĩ mới hơn, phân tích và giải quyết một vấn đề. Bài tập này chỉ là để các em hiểu về khái niệm "100 triệu".
Tôi mong muốn các học sinh sẽ đếm 100 hạt đầu tiên và sau đó nhân số đó lên 10 hoặc 100 cho đến khi đạt tới 100 triệu. 10 trong số 40 học sinh của tôi đã hoàn thành bài tập này."
Như vậy, có thể thấy rằng, Toán học không nhất thiết phải 1+1=2, nhiều khi những bài Toán được đưa ra chỉ nhằm khuyến khích học sinh động não, tư duy để tìm ra hướng đi chứ không cần kết quả rõ ràng.
Toán học rất phức tạp, 1+1 chưa chắc đã bằng 2!
Nhiều học sinh đã sáng tạo ra các phương pháp để đếm 100 triệu hạt gạo như sau: đếm 100 hoặc 1.000 hạt gạo trước, sau đó cân chúng lên và đem nhân lên tương ứng số kg tương đương với 100 triệu hạt gạo.
Chúng ta không nên đánh giá vấn đề 1 cách phiến diện, học sinh có được sự tư duy và phát triển nhờ một phần rất lớn ở những bài tập sáng tạo và đặc biệt của các thầy cô giáo.
Trong 1 buổi talkshow, khi 1 học sinh lớp 5 Trường Tiểu học Đặng Trần Côn hỏi: "Trước đây cháu rất giỏi môn Toán , đứng đầu lớp. Nhưng thời gian gần đây cháu học dốt đi, chỉ còn đứng thứ 4, thứ 5 và thấy sợ Toán. Giáo sư có thể giải thích và bảo cháu phải làm thế nào không ạ?"
Giáo sư Ngô Bảo Châu đã trả lời: "Thường có sai lầm khi quan niệm rằng để học sinh thích học Toán thì Toán phải dễ.
Chúng ta hãy làm ngược lại, đưa ra những vấn đề khó hơn một chút để học sinh cố gắng. Khi giải được bài toán khó, các em sẽ hài lòng, và làm tốt hơn".
Giáo sư Ngô Bảo Châu cũng khuyên học sinh rằng, giải toán là một "cuộc chơi", khi tham gia “cuộc chơi” làm toán thì phải hiểu 'luật chơi' và có tinh thần lạc quan. Bài Toán nào cũng có cách giải quyết hết.
John Mighton - một nhà soạn kịch, tác giả, gia sư toán học người Canada đã phát minh ra chương trình mang tên "JUMP Math" (Junior Undiscovered Math Prodigies – Tạm dịch: Những thần đồng toán học nhí chưa được phát hiện), đang được sử dụng bởi 15.000 trẻ em trên 8 bang của nước Mỹ, hơn 150.000 em ở Canada và khoảng 12.000 em ở Tây Ban Nha.
Kết quả của chương trình cho thấy học sinh từ 18 lớp học sử dụng chương trình JUMP đã tiến bộ nhanh gấp đôi trong một số bài kiểm tra tiêu chuẩn hóa so với những học sinh nhận được chỉ dẫn mẫu trong 11 lớp học còn lại.
Ông đã chỉ ra vấn đề của nhiều giáo viên dạy Toán, đó là họ đang truyền tải một lượng kiến thức quá lớn vào bộ não của đứa trẻ, đi quá nhanh từ cụ thể đến trừu tượng, làm cho chúng “quá tải”.
Tầm quan trọng của giáo viên không phải là đưa ra những chỉ dẫn chính xác, mà phải để cho những đứa trẻ cộng tác với nhau tìm ra giải pháp cho các vấn đề thực tế phức tạp, sẽ có nhiều cách tiếp cận và nhiều câu trả lời. Nhưng nhiều đứa trẻ sẽ không tìm ra được câu trả lời, chúng sẽ thất vọng và duy trì niềm tin rằng chúng không phải “người học toán”.
Mỗi bài Toán đưa ra đều có rất nhiều cách để tiếp cận, để trả lời, để tìm ra giải pháp. Miễn là học sinh tìm ra phương pháp phù hợp, bộc lộ hết khả năng tư duy, khả năng nhận thức, khả năng sáng tạo.
Câu chuyện đếm 100 triệu hạt gạo không nhằm bắt học sinh phải đếm hết 100 triệu hạt gạo, cô giáo chỉ muốn học sinh của mình hiểu được rằng 100 triệu nó lớn như thế nào, và mỗi học sinh phải tự tìm ra cách nhanh nhất để giải quyết vấn đề, thay vì ngồi đếm từng hạt.
Người lớn thường áp đặt tư duy của bản thân mình vào con trẻ, họ suy nghĩ đơn giản rằng học sinh bị bắt đếm 100 triệu hạt gạo sẽ ngồi đếm 100 triệu hạt gạo thật. Nhưng không, trẻ em hiểu nhiều hơn thế, thông minh nhiều hơn thế, đôi khi chỉ cần nhìn từ xa, hướng dẫn khái quát mà không can thiệp quá sâu vào việc học của con lại hay hơn.