Lịch sử Việt Nam vốn gắn liền với những cuộc chiến tranh khốc liệt mà đầy oai hùng. Đây cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho những áng văn, thi ca và tác phẩm thuộc hình thức nghệ thuật khác.
Phim truyền hình Thương Nhớ Ở Ai đã vẽ ra bức tranh xã hội thời chiến của một làng quê Bắc Bộ, Việt Nam. Đồng thời gợi lên hình tượng những người lính cùng nhiều trăn trở về thời cuộc, gia đình, những giá trị nhân văn.
Trong đó, điện ảnh cũng là một nguồn dồi dào lưu giữ rất nhiều những câu chuyện, huyền thoại về những cuộc chiến của đất nước. Từ đó, khán giả Việt đã được chứng kiến không ít những hình tượng nhân vật người lính có dấu ấn đậm nét khó quên trên màn ảnh. Cùng nhìn qua 5 bộ phim gắn liền với hình tượng người lính có thể bạn chưa hoặc không biết.
Ván bài lật ngửa là bộ phim nhựa đen trắng 8 tập về đề tài tình báo do Hãng phim Giải phóng sản xuất trong những năm 1982 – 1987. Bộ phim xoay quanh các phi vụ li kỳ và gay cấn của chàng điệp viên Nguyễn Thành Luân (NSƯT Chánh Tín) trong hang ổ của chế độ Nguỵ quyền Sài Gòn những năm kháng khiến chống Mỹ.
Đối với nhiều người, bộ phim được xem là một đỉnh cao của điện ảnh Việt Nam và biến NSƯT Nguyễn Chánh Tín trở thành người hùng màn ảnh nổi tiếng nhất mọi thời đại của Việt Nam. Vẻ hào hoa, tài tử của điệp viên Nguyễn Thành Luân trong phim được giới trẻ Việt Nam thời bấy giờ tán dương nồng nhiệt và câu nói "đẹp trai như Chánh Tín" cũng ra đời từ đó.
Vẻ hào hoa lừng danh của Chánh Tín thời bấy giờ
Chị Tư Hậu là bộ phim sản xuất năm 1962 của đạo diễn Phạm Kỳ Nam. Phim nói về cuộc đời một người phụ nữ miền Nam Việt Nam tên là Tư Hậu trong kháng chiến chống Pháp. Phim chuyển thể từ kịch bản là tác phẩm văn học của nhà văn Bùi Đức Ái viết năm 1958 với tựa đề Một chuyện chép ở bệnh viện. Trong một trận càn quét của giặc Pháp, chị Tư Hậu bị cưỡng hiếp. Nỗi đau khiến chị suýt tự tử nếu không có tiếng khóc xé lòng của đứa con nhỏ khát sữa.
Bức ảnh "huyền thoại" về chân dung của chị Tư Hậu trong phim
Từ đó, cuộc đời của chị chồng lấp, xen kẽ những đau khổ, bất hạnh khi chồng hy sinh, con bị giặc bắt và sự trưởng thành, cứng rắn để trở thành một nữ chiến sĩ can trường, bản lĩnh. Cuộc đời sương gió nhuốm màu buồn của chị Tư Hậu được diễn tả xuất sắc bằng vẻ đẹp mỏng manh, vừa man mác buồn vừa phẳng lặng hồ thu của nữ diễn viên điện ảnh Trà Giang.
Bến Không Chồng là bộ phim điện ảnh lấy đề tài nông thôn thời hậu chiến của đạo diễn Lưu Trọng Ninh. Bộ phim bắt đầu bằng việc theo chân người lính Nguyễn Vạn trở về quê hương sau khi cuộc kháng chiến chống Pháp đã giành thắng lợi vẻ vang. Vốn là chàng trai nghèo đi ở đợ cho nhà địa chủ nhưng Vạn đã rời quê đi theo kháng chiến nên cách suy nghĩ và cách sống của anh không còn bị đè nén bởi những rào cản cũ. Tuy nhiên, con đường để anh có thể mang tình yêu đến cho người con gái mình yêu thì lại có quá nhiều chông gai.
Đạo diễn Lưu Trọng Ninh (phải) tự vào vai chính trong phim của mình
Giữa bịt bùng bủa vây của miệng đời đồn thổi và sự giam cầm cố hữu trong những quan niệm cũ là nỗi lòng trống hoác của những con người bị bi kịch hạ gục, bắn nát, trói vào chiếc dây thòng lọng oan nghiệt. Vai diễn này được chính đạo diễn Lưu Trọng Ninh thể hiện và đón nhận nhiều lời khen ngợi từ khán giả và giới phê bình. Năm 2017, bộ phim được Lưu Trọng Ninh làm lại thành phiên bản truyền hình dài 34 tập mang tên Thương Nhớ Ở Ai. Phiên bản mới do Lâm Vissay thủ vai chính vấp phải một số tranh cãi nhưng nhìn chung cũng được đánh giá là có ngoại hình và lối diễn xuất hợp vai.
Em bé Hà Nội của đạo diễn Hải Ninh kể câu chuyện em bé Ngọc Hà ở Khâm Thiên đi tìm gia đình sau một trận ném bom ác liệt mùa đông năm 1972 trong bối cảnh đổ nát, hoang tàn của Hà Nội. Ngọc Hà được đoàn tụ em gái nhưng mẹ em thì mãi mãi ra đi sau hành động cứu các em nhỏ ở vườn trẻ nơi bà làm việc.
NSND Thế Anh trong vai người lính pháo binh không tên
NSND Thế Anh vào vai người chiến sĩ pháo binh không tên giúp đỡ Ngọc Hà tìm lại em gái. Trước khi đến với bộ phim, Thế Anh nổi tiếng với dạng vai phản diện trong các phim Nổi Gió, Trở Lại Sam Sao… Tuy nhiên, khi nhập vai một người lính bộ đội cụ Hồ, Thế Anh lại tỏ ra rất hợp vai và hoàn thành tốt vai diễn của mình. Sau này, anh tiếp tục gây ấn tượng bởi những vai chính trong phim Mối Tình Đầu, Gánh Xiếc Rong…
Đừng Đốt được đạo diễn Đặng Nhật Minh đạo diễn dựa trên cuốn nhật ký nổi tiếng cùng tên của nữ liệt sĩ Đặng Thuỳ Trâm, được cô viết từ năm 1968 đến trước khi hy sinh 2 ngày vào năm 1970. Qua những thước phim của Đặng Nhật Minh, tâm hồn và tình cảm trong sáng của nữ bác sĩ quân y Đặng Thuỳ Trâm đã được tái hiện một cách chân thực và xúc động nhất. Bộ phim theo chân những người cựu binh Mỹ với nhiều ẩn ức và những day dứt về cuộc chiến năm xưa.
Diễn viên Minh Hương trong vai Đặng Thuỳ Trâm
Trong đó, một trong những điều khiến họ suy nghĩ nhiều nhất là cuốn nhật ký của nữ quân y năm nào do một lính nguỵ đưa cho mình. Họ quyết định quay trở lại Việt Nam và tìm về gia đình của chủ nhân cuốn nhật ký. Trong lần đầu sắm vai chính trong phim điện ảnh, nữ diễn viên Minh Hương đã thể hiện trọn vẹn những cảm xúc trong sáng và niềm khát khao hoà bình của người con gái Hà Nội trong bối cảnh một trạm xá trơ trọi giữa bom đạn khốc liệt và những cơn mưa rừng xối xả.
Chủ đề phim về chiến tranh, những người lính không phải một dòng phim được quan tâm hay ưa thích, nó không dành cho thị trường. Thế nên việc tìm ra và làm bật lên chân dung những người lính hay ho thật sự, nằm ngoài khuôn mẫu là chuyện không dễ dàng. Năm dân quân kể trên chính là 5 nhân vật, 5 cái tên xứng đáng được tìm hiểu nếu bạn quan tâm phim ảnh nước nhà.