Là sản phẩm mang tính cá nhân rất cao, tai nghe custom mang trong mình cá tính, câu chuyện lẫn phong cách của người đeo, người sở hữu chúng. Tuy vậy, cái độ chất của những món "trang sức" này không chỉ đến từ vẻ ngoài bắt mắt hay thiết kế nhìn trông có phần "kỳ quái".
Do đó, để hiểu được tất cả điều trên, hãy đi từ những điều cơ bản nhất.
Đầu tiên, người dùng phổ thông thường quen thuộc với những chiếc tai nghe in-ear. Đây là mẫu sản phẩm có thiết kế nhỏ gọn, ống dẫn âm tương đối dài để hướng âm thanh thẳng vào phần màng nhĩ.
Thông thường, ở phần đầu mút của ống dẫn âm sẽ có một nút cao su (hoặc bọt biển) có thể thay đổi kích thước để phù hợp với ống tai của mỗi người. Phần nút này rất quan trọng vì nó có chức năng giữ chắc thiết bị trên tai người dùng. Bên cạnh đó, nó còn đóng vai trò ngăn cách các tạp âm từ bên ngoài môi trường.
Shure SE215, một trong những mẫu tai nghe in-ear khá phổ biến trong giới audiophile
Tuy nhiên, chúng được sản xuất hàng loạt và chỉ được thiết kế dựa trên những đặc điểm sinh trắc cơ bản của con người. Bên cạnh đó, giống như vân tay, cấu tạo tai ngoài của mỗi người là hoàn toàn khác nhau, sẽ không mấy khó hiểu nếu như có ai đó nói rằng chiếc tai nghe yêu thích của bạn cho họ cảm giác đeo rất khó chịu.
Đó là lý do chính mà những chiếc tai nghe custom ra đời. Hiểu đơn giản, đây chính là chiếc in-ear nhưng có phần housing (hay còn gọi là vỏ tai nghe) được chế tạo dựa trên khuôn tai của chính chủ nhân. Nhờ đó, toàn bộ phần ống dẫn âm và phần vỏ phía bên ngoài đều sẽ ôm khít với khoang cũng như ống tai của người sử dụng.
Vì được thiết kế dựa trên hình dáng khuôn cũng như ống tai của mỗi người nên phần housing của những chiếc tai nghe custom thường trông rất "dị". Tuy vậy, đó cũng là điểm để thể hiện nét cá tính và độc nhất của loại tai nghe "lạ lùng" này.
Giống như những bộ suit được đặt may theo yêu cầu của chủ nhân, tai nghe custom thường có giá cao hơn những loại phổ thông. Vậy những chiếc tai nghe dạng này có gì đặc biệt mà có thể khiến người dùng sẵn sàng bỏ ra hàng chục triệu đồng để sở hữu?
Lấy mẫu khuôn tai là một trong những bước quan trọng trong quá trình làm nên tai nghe custom
Quy trình định hình housing của chiếc tai nghe custom sau khi lấy mẫu khuôn tai
Đầu tiên là về mặt cách âm, vì có phần housing vừa khít với hốc tai ngoài của người dùng nên những chiếc tai nghe custom có khả năng cách âm tiệm cận mức hoàn hảo.
Các ca sĩ hoặc nhạc công khi trình diễn trên sân khấu thường lựa chọn sử dụng loại tai nghe này vì các tạp âm từ khán giả rất lớn. Họ cần có sự cách âm tốt nhất để nghe rõ nhạc nền, từ đó có thể biểu diễn một cách tự tin hơn.
Bên cạnh đó, nhờ khả năng cách âm gần như hoàn hảo của mình, những chiếc tai nghe custom sở hữu chất lượng âm thanh "chuẩn chỉ". Do không cho tạp âm có cơ hội lọt vào ống tai nên các hiện tượng méo tiếng cũng gần như được giải quyết hoàn toàn.
Kế đến là sự thoải mái, tai nghe custom kể cả khi được sử dụng bởi nghệ sĩ lẫn người dùng yêu âm nhạc thông thường đều mang lại sự thoải mái tối đa. Đối với những ca sĩ thường xuyên biểu diễn trên sân khấu, thì chiếc tai nghe nằm gọn ghẽ trên vành tai và cho cảm giác "đeo như không đeo" quả thực là lựa chọn khó có thể thay thế được.
Tóm lại, chúng ta có những điểm mạnh nổi bật của một chiếc tai nghe custom đó chính là khả năng cách âm cực kỳ nổi trội, cùng với đó là cảm giác sử dụng thoải mái cùng với một chất âm chất lượng cao. Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại, liệu những sản phẩm này có toàn năng đến như thế hay không? Câu trả lời là không.
Binz, Sơn Tùng M-TP và cả Ngô Kiến Huy cũng sử dụng loại tai nghe custom
Cường seven cũng có chiếc tai nghe riêng
So với nhiều mẫu tai nghe phổ thông, việc giá khá cao là rào cản lớn nhất ngăn cách người dùng đến với những model custom.
Mài nhẵn housing
Sơn làm bóng bề mặt
Thành quả
Lý do đơn giản mức giá cao này nằm chính ở chữ "custom". Như đã đề cập ở trên, vì là loại sản phẩm được thiết kế dành riêng dành cho mỗi cá nhân, cùng với đó là khả năng tùy biến cực kỳ sâu của loại tai nghe này đã vô tình biến đây trở thành những món hàng vô cùng đắt đỏ. Đó là lý do tại sao thú chơi này chỉ phù hợp với giới nghệ sĩ, các chuyên gia âm thanh và những người dùng thật sự nghiêm túc.
Kế đến là người hoàn toàn không thể đeo thử hay nghe thử những chiếc tai nghe này, thứ vốn trên danh nghĩa là được làm riêng cho mình. Đây thực sự không phải là một nhược điểm, nhưng nó cũng là một yếu tố có thể khiến người dùng lăn tăn khi xuống tiền cho những sản phẩm đắt đỏ này.
Đúng là bạn có thể lựa chọn tất cả thành phần của chiếc tai nghe theo ý thích của riêng mình, nhưng đeo thử thì không. Đây là màn "blind buy" đúng nghĩa và nếu chẳng may sản phẩm sau khi ra lò lại cho một chất âm không thực sự hợp gu, việc duy nhất chủ nhân có thể làm đó là bỏ những món "trang sức" này vào hộp và quên nó đi luôn mà thôi.
Một vài điểm nho nhỏ khác và không mấy quan trọng đó là thời gian chờ đợi để có được cặp tai nghe custom là khá lâu và chúng hoàn toàn không có giá trị bán lại.
Chiếc tai nghe "hàng thửa" của ca sĩ Ngô Kiến Huy