Thời gian qua, Cám có thể xem là bộ phim cổ trang nhận về nhiều sự chú ý bậc nhất của khán giả Việt. Một phần vì Cám được thực hiện bởi ekip đứng sau hiện tượng Tết Ở Làng Địa Ngục, một phần vì ngay từ khi mới tung các tạo hình, Cám đã làm dấy lên nhiều luồng tranh cãi trái chiều: kẻ khen - người chê.
Câu chuyện tranh cãi về phục trang trong phim cổ trang Việt Nam là một câu chuyện dài, nhiều vấn đề cần phải bàn cả về khách quan lẫn chủ quan. Trước Con Cám, đã có không ít bộ phim bị nhận về những chỉ trích về phục trang, và thậm chí không ít trong số đó là những chỉ trích oan ức khi được soi chiếu dưới cái nhìn khách quan, có sự nghiên cứu thấu đáo hơn trong thời điểm hiện tại.
Là tác phẩm có kinh phí lớn để kỷ niệm đại lễ 1.000 năm Thăng Long, thế nhưng Thái tổ Lý Công Uẩn - Đường tới thành Thăng Long thời điểm bắt đầu được giới thiệu đến công chúng lại nhận chỉ trích nặng nề vì phục trang quá giống Trung Quốc. Thiền sư Vạn Hạnh và Lý Thái Tổ trông cứ như… Đường Tam Tạng và Lý Thế Dân (Đường Thái Tông). Cuối cùng phim này đã bị hủy phát sóng trong dịp đại lễ vì không thể sửa lại cho thuần Việt hơn.
Tuy nhiên, cần phải nhấn mạnh đó là thời điểm phong trào “phục hưng”, tìm hiểu về văn hóa Việt vẫn chưa được tiến hành sâu rộng như thời điểm hiện tại - tức 14 năm sau. Trong những năm gần đây, đã có nhiều khán giả, những nhà nghiên cứu trẻ, nhà nghiên cứu về trang phục đã tìm tòi lại những tạo hình năm xưa và đã có cái nhìn khách quan, chính xác hơn.
Trang phục trong phim Thiên mệnh anh hùng cũng bị cho là tương đối giống với phim cổ trang Trung vào thời điểm ra mắt. Và đây tiếp tục là một “án oan” thực sự trong lịch sử phục trang cho phim điện ảnh tại Việt Nam.
Trong đó, phục trang của Tuyên từ Thái hậu Nguyễn Thị Anh (Vân Trang đóng) bị đem ra so sánh nhiều nhất vì màu sắc, thiết kế không khác nhiều với trang phục của Võ Tắc Thiên (phim Võ Tắc Thiên), Phượng Ớt (phim Hồng Lâu Mộng). Tuy nhiên, đó hoàn toàn là những nhận xét chủ quan và thiếu đi hiểu biết và kiến thức của bộ phận không nhỏ khán giả lúc bấy giờ. Cần nên nhớ, nhân vật Tuyên Từ Thái hậu Nguyễn Thị Anh là người phụ nữ quyền lực bậc nhất của triều Hậu Lê, là 1 trong 2 phụ nữ hiếm hoi thực hiện “buông rèm nhiếp chính”, thay vua nhỏ tuổi quản việc triều chính, thế nên với vị thế của bà cũng phải có dạng thức phục trang trang trọng tương xứng.
Dạng thức áo của Tuyên Từ Thái hậu từng bị “ném đá” thực chất là sự kết hợp giữa áo giao lĩnh, khoác đối khâm, là 2 dạng thức trang phục cực kì thông dụng vào thời kì Hậu Lê. Thế nhưng, bởi sự thiếu hiểu biết cũng như mù mờ vì tư liệu trong thời điểm đó đã khiến một trong những bộ trang phục đẹp, có đầu tư và nghiên cứu lại trở thành đề tài chỉ trích không đáng có.
Phục trang là câu chuyện đau đầu nhất mà đạo diễn Nguyễn Quang Dũng gặp phải khi thực hiện bộ phim Mỹ nhân kế. Cuối cùng, sau nhiều ngày vất vả, 200 bộ trang phục được hoàn thành, trong đó phục trang của 5 cô gái Kiều Thị, Lan Thị, Đào Thị, Mai Thị, Liễu Thị tượng trưng cho các tính cách khác nhau của mỗi người. Tuy nhiên, phục trang phim Mỹ nhân kế vẫn bị chê về mức độ hở hang, gợi cảm quá đà.
Bên cạnh đó, mặc dù bị nói về việc gợi cảm quá đà song không thể phủ nhận trải qua nhiều năm, tạo hình của Mỹ Nhân Kế vẫn là một “biểu tượng”, gắn liền với các nhân vật. Nhà làm phim cũng không tuyên bố câu chuyện trong Mỹ Nhân Kế gắn với triều đại nào, hoàn toàn là thời kì cổ trang giả tưởng nên cũng tránh khỏi việc bị “soi” về mặt lịch sử.
Là series về đề tài “cung đấu” đầu tiên của Việt Nam - Phượng Khấu từng bị netizen Trung Quốc “soi” và cho rằng ekip đã đạo nhái trang phục Diên Hi Công Lược. Cụ thể, trên mạng xã hội, một tài khoản người Trung Quốc đã đăng đàn cho rằng phục trang và một phần bối cảnh trong Phượng Khấu đạo nhái bom tấn cung đấu Diên Hi Công Lược của Vu Chính.
Ngay sau khi thông tin này được lan truyền mạnh mẽ, phía ekip Phượng Khấu đã lập tức lên tiếng đính chính, thậm chí còn tuyên bố "không đội trời chung" với fan Diên Hi Công Lược. Người này cũng đưa ra loạt bằng chứng chứng minh trang phục trong Phượng Khấu hoàn toàn được chế tác từ phục trang cung đình Việt thời Nguyễn, không có chuyện "mượn cảm hứng" từ bất kì bộ phim Trung Quốc nào.
Không thể quên trường hợp bộ phim Anh Chàng Vượt Thời Gian - bộ phim gần đây đang bị netizen đào lại và gắn mác "dở bậc nhất”. Nhìn vào quần áo, trang phục của dàn nhân vật mà nhiều người không tin nổi chúng có thể... tồn tại và được mang lên phim. Những tông màu chói mắt được phối chung với nhau, chất vải hiện rõ sự nghèo nàn, cách trang điểm - vấn tóc "lai tạp", mọi thứ khiến bộ phim gây mất thiện cảm hết nửa phần. Chưa dừng lại ở đó, nếu những ai đã "lỡ" xem phim vào thời điểm lên sóng 10 năm trước đều biết rằng nội dung tệ hại, chắp vá ra sao. Tình tiết thì rời rạc, bối cảnh đơn sơ đến hốt hoảng, Anh Chàng Vượt Thời Gian chắc chắn là một trong những dự án cổ trang hiếm hoi bị cắt sóng giữa chừng vì quá dở, chẳng ai thèm xem.
Cũng không quên một trong những dự án cung đấu dài tập đầu tiên mang tên Bí Mật Trường Sanh Cung nhanh chóng trở thành "thảm họa" bị khán giả cười chê, chỉ trích. Ngay từ tập 1, Bí Mật Trường Sanh Cung đã khiến người xem không thể không nhớ đến cơn sốt Diên Hi Công Lược năm nào. Từ trang phục đủ màu sắc, cách trang điểm nhợt nhạt với đôi môi đỏ mọng bất thường, thậm chí thần thái của các nương nương cũng gợi nhớ ít nhiều đến bộ phim của Vu Chính. Chưa dừng lại ở đó, Bí Mật Trường Sanh Cung còn có không ít chi tiết "đạo nhái" Chân Hoàn Truyện lẫn Như Ý Truyện. Đơn cử và dễ thấy nhất là câu thoại mà Trang phi dành cho một phi tần phạm lỗi, đó là hình phạt Nhất Trượng Hồng và vụ nhuộm đỏ hoa lá trong cung. Đây chính là hình phạt nổi tiếng mà Hoa phi từng sử dụng trong Chân Hoàn Truyện, và cũng là để nhuộm đỏ Tử Cấm Thành.
Có thể thấy trong suốt những bộ phim điện ảnh Việt Nam với đề tài cổ trang trong những năm qua, phần phục trang không ít thì nhiều vẫn để lại vô vàn những tranh cãi. Có những tranh cãi đúng, nhưng vẫn có những tranh cãi đến từ những nhận định sai lầm và định kiến cá nhân.
Trở lại với Cám. Không ít khán giả đánh giá cao tạo hình của Cám, cho rằng mang đúng hơi thở cổ trang Việt Nam. Nhiều người có chuyên môn cũng nhận ra phục trang của bộ phim Cám có sự nghiên cứu về tạo hình, dạng thức trang phục cổ của thời Nguyễn, đánh giá về cách thể hiện màu sắc lấy cảm hứng từ các chất liệu văn hoá dân gian như tranh Đông Hồ, tranh làng Sình và phủ lớp màu trầm mặc rất phù hợp với tinh thần ma mị của bộ phim.
Tuy nhiên cũng có không ít ý kiến lại đánh giá nhiều chi tiết chưa có độ mĩ thuật, độ hoàn thiện chưa cao. NSX cũng cho biết đó chỉ là phần định trang, chưa phải trang phục chính thức nên công chúng hoàn toàn có quyền kỳ vọng vào những điều chỉn chu, đẹp mắt hơn khi bộ phim chính thức ra mắt.