Những ngày này, mạng xã hội nháo nhào trước video mukbang của Quỳnh Trần JP, khi nữ YouTuber nổi tiếng bất ngờ làm video khoe món… chân gấu, với nhiều phân cảnh sơ chế, nấu nướng. Khi đăng tải video này, chính Quỳnh Trần đã phải "rào trước" rằng đây sẽ là một món ăn gây tranh cãi, tuy nhiên không thể át nổi làn sóng thịnh nộ của nhiều khán giả trung thành với kênh của cô. Trước làn sóng phản đối quá lớn, Quỳnh Trần khóa bình luận ở video gốc, đăng tải clip xin lỗi và phân trần: "Bên mình cảm thấy cũng bình thường thôi, siêu thị bên Nhật bán thì cứ mua ăn chứ thực sự ban đầu không nghĩ gì nhiều". Câu nói này cũng làm lộ sơ hở của Quỳnh Trần JP, cũng như rất nhiều những influencer (người có sức ảnh hưởng) khác trong công cuộc xây dựng nội dung trên mạng xã hội: Thiếu hiểu biết về những vấn đề xã hội, và sự chủ quan, vô tâm với chính những người hâm mộ của mình.
Việc Quỳnh Trần JP mua chân gấu ở Nhật, ăn ở Nhật không được coi là sai trái, khi đây là sản phẩm được bày bán công khai trong siêu thị. Tuy nhiên, sai lầm của cô chính là việc áp dụng nền văn hóa và tư tưởng của một đất nước khác vào video hướng đến khán giả Việt. Câu chuyện của Quỳnh Trần JP chỉ là phần nhỏ cho một vấn đề lớn, đặt ra câu hỏi: Trách nhiệm của người nổi tiếng thực sự là gì, và nó nằm ở đâu?
Quay ngược lại 10 năm về trước, "mảnh đất" mạng xã hội vẫn còn là một thứ gì đó xa vời và chưa thực sự phát triển. Tuy nhiên giờ đây, bất kỳ ai cũng có thể gây dựng một "đế chế" những người theo dõi, chỉ đơn giản từ việc chia sẻ suy nghĩ, ý kiến của mình cho đến thực hiện những trò tiêu khiển và mua vui trên mạng xã hội. Từ đó, những người này tạo ra sự ảnh hưởng tới đại chúng chỉ đơn thuần qua món đồ họ sử dụng, cách họ ăn nói, cư xử và cả ý kiến về những vấn đề chung. Điều này làm dấy lên câu hỏi: Khi đăng tải bất cứ thứ gì lên mạng, liệu người nổi tiếng có thực sự phải chịu trách nhiệm với cộng đồng cho nội dung của mình?
Còn nhớ mới đây, đã có những cái tên lớn cũng phải hứng gạch khi hiên ngang cầm sao biển để chụp ảnh mà không hiểu rõ hành động của mình có ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường và hệ sinh thái. Thậm chí sau khi bị lên án, vẫn còn có những ý kiến bênh vực và biện hộ thay vì chung tay bảo vệ thiên nhiên, động vật. Thời đại này, liệu có phải chăng một bức hình đẹp, một đoạn video cầu kỳ gây sốc sẽ khiến người ta hào hứng bước qua những ý thức và trách nhiệm đối với cộng đồng?
Quỳnh Trần JP hay những người nổi tiếng đã từng dính tai tiếng vì hành động của mình liệu có thực sự để tâm tới hậu quả mà họ để lại không?
Theo Forbes năm 2019, 86% phái nữ sẽ tham khảo ý kiến trên mạng xã hội trước khi mua một thứ gì đó. Gần 50% người tiêu dùng sẽ bị lệ thuộc vào ý kiến được đưa ra bởi người nổi tiếng. Như vậy, có thể thấy rằng sức ảnh hưởng của những người như Quỳnh Trần JP là rất lớn - đặc biệt khi cô đang sở hữu kênh YouTube với 3,7 triệu người đăng ký, đứng top đầu ở Việt Nam. Nữ YouTuber dễ dàng kiếm tiền từ nền tảng video trực tuyến này, thêm vào đó là các hợp đồng quảng cáo lớn - nhỏ, khi sản phẩm được khéo léo cài cắm vào video hay những bài đăng trên trang cá nhân. Nếu như ngày trước, việc kiếm tiền qua YouTube còn bị coi là "lông bông", thì giờ đây đã có nhiều đứa trẻ nuôi tham vọng trở thành YouTuber chứ không phải là lính cứu hỏa hay bác sĩ,...
Với quyền lực và lợi nhuận lớn, người nổi tiếng cũng cần phải có trách nhiệm lớn. Các sản phẩm và hình ảnh họ đưa ra cần phải đi theo một quy chuẩn đạo đức nhất định, nếu họ thực sự mong muốn phát triển một cách bền vững và khiến sự nghiệp của mình vững chãi hơn. Nếu không, chỉ một sai lầm nhỏ cũng đủ khiến sự nghiệp của họ lao đao - cho dù trước đây nó đã mạnh đến thế nào.
Quay trở lại câu chuyện của Quỳnh Trần JP: Khi một đứa trẻ Việt Nam tò mò xem được video ăn chân gấu và hình thành suy nghĩ rằng loài vật này là thứ không-cần-phải-bảo-tồn, thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai? Khi nạn săn bắt gấu càng được đàng hoàng công khai vì món ăn "vị giống giò lợn", thì trách nhiệm sẽ thuộc về ai?
Quỳnh Trần JP được phép có ý kiến riêng, có quan điểm đạo đức riêng, nhưng song song với cái tôi ấy, cô phải hiểu rằng mình đang chịu trách nhiệm cho tư duy và quan điểm sống của hàng triệu con người dõi theo mình. Việc Quỳnh Trần JP giữ nguyên video ăn thịt gấu nhưng khóa comment, liệu có phải là một hành động "chống đối" với làn sóng phản đối của dư luận không?
Ở Nhật, có thể chuyện ăn thịt gấu là được phép, nhưng xin đừng mang điều đó về Việt Nam để khoe khoang và quảng bá - nhất là khi việc săn bắt gấu tại Việt Nam là phạm pháp. Chúng ta dành nhiều thập kỷ và công sức để lan tỏa những thông điệp và chiến dịch về bảo vệ động vật hoang dã. Và bây giờ, một trong những YouTuber có sức ảnh hưởng nhất, lại quay 1 clip đang ngồi gặm chiếc chân gấu một cách vô tư trước hàng triệu khán giả của mình?
Người nổi tiếng cũng chỉ là những con người có khả năng tạo ra lỗi lầm, và đôi khi chính họ cũng không thể đoán trước được cách mà dư luận sẽ phản ứng với hành động của mình. Thế nhưng cũng xin đừng sử dụng lý lẽ này để làm lời biện minh cho những gì họ đã làm với chính những người đang tạo ra lợi nhuận cho họ.
Cũng đừng nghĩ rằng người nổi tiếng nhất quyết phải chạy theo những trào lưu, những mong muốn của khán giả, vì 9 người thì 10 ý, và sớm muộn thì toàn bộ các influencer trên thế gian này cũng sẽ giống nhau mất! Người ta tìm đến và yêu thích Quỳnh Trần JP vì sự xởi lởi, đáng yêu bên món ăn và những câu chuyện về chồng con, gia đình - và đó là chất riêng của chị.
Người ta không tìm đến Quỳnh Trần để xem chị ăn cá mập hay là chân gấu. Nhìn mà xem, những video hàng chục triệu view của Quỳnh Trần JP là món ốc, món cua đẹp mắt, mới lạ một-cách-dễ-chịu, chứ không phải là những thức ăn nhìn như được cắt ra từ hiện trường một vụ án. Mong Quỳnh Trần JP hãy giữ vững tính chất thực sự của kênh YouTube mà chị đã dày công xây dựng theo con người mình, chứ đừng đuổi theo những thứ gây sốc, phản cảm để làm gì. Còn nếu đam mê thực của chị là… chân gấu hay cá mập, thì đừng ngạc nhiên khi khán giả cũng bỏ đi để tìm kiếm thứ phù hợp hơn với họ.