Từ chuyện họp báo The Face "giờ dây thun", Dương Triệu Vũ bàn về văn hóa đi muộn của showbiz Việt

Sa, Theo Trí Thức Trẻ 11:02 24/05/2017

Dương Triệu Vũ khẳng định người Việt nên thay đổi khái niệm về giờ giấc và nên biết tự khó chịu khi mình đến trễ để người khác phải chờ đợi.

Sáng 23/5, "The Face Vietnam - Gương mặt thương hiệu 2017" đã tổ chức buổi họp báo ra mắt truyền thông tại TP HCM. Tuy nhiên, nếu như khách mời quốc tế - chị đại "The Face Thailand" Lukkade đến sớm trước 10 phút so với thời gian in trên thiệp mời thì cả 3 HLV Việt Lan Khuê, Minh Tú, Hoàng Thuỳ đều đến trễ. Dù lý giải lỗi thuộc về BTC khi thông báo giờ giấc khác nhau nhưng đông đảo người hâm mộ vẫn tỏ ra vô cùng bức xúc vì phong cách làm việc thiếu chuyên nghiệp đến từ các nghệ sĩ lẫn các công ty Việt Nam. 

Mới đây, trên trang facebook cá nhân, Dương Triệu Vũ cũng lên tiếng bày tỏ quan điểm về sự việc này. Anh cho biết đến muộn là một thói quen thiếu chuyên nghiệp cần bị loại bỏ. Dương Triệu Vũ khẳng định: "Thời gian chính là tiền, và dĩ nhiên tiền của ai cũng quan trọng".

Từ chuyện họp báo The Face giờ dây thun, Dương Triệu Vũ bàn về văn hóa đi muộn của showbiz Việt - Ảnh 1.

Ca sĩ Dương Triệu Vũ.

Dương Triệu Vũ kể, bản thân anh cũng từng có những lần đi trễ. Mỗi lúc như vậy, trong lòng Dương Triệu Vũ như có lửa đốt vì nam ca sĩ rất ngại để người khác chờ đợi. Cũng vì quen với việc đúng giờ nên sau một thời gian liên tục phải đợi khi tham gia sự kiện, Dương Triệu Vũ cũng không tránh khỏi nản chí. Tuy nhiên, anh cho biết việc đến đúng giờ cho thấy sự chuyên nghiệp và tôn trọng dành cho người làm việc chung.

Cuối cùng, Dương Triệu Vũ hy vọng mọi người sẽ thay đổi thái độ và khái niệm về giờ giấc. "Sẽ mất thời gian lắm để tập thói quen này nhưng thật sự xứng đáng. Để mai sau này con cháu mình sẽ có thêm thời gian bắt kịp với nhịp của thế giới. Người Việt Nam rất cần cù và làm việc hết mình. Chỉ cần đúng giờ nữa thôi thì không còn gì bằng" - anh bày tỏ. 

Nguyên văn chia sẻ của Dương Triệu Vũ:

Không biết từ khi nào người Việt Nam mình được đồng nghĩa với sự "đến muộn". Nếu nói theo kiểu tích cực hay du di thì đó là sự dễ chịu của cả một văn hóa. Nhưng nếu khó chịu hơn tí thì đây là một thói quen, thiếu chuyên nghiệp và sự dễ dãi nên bị loại bỏ. Thời gian chính là tiền và dĩ nhiên tiền của ai cũng quan trọng.

Nếu trung bình mỗi ngày phải đợi đồng nghiệp bạn bè khoảng 2 tiếng thì cứ mỗi 12 ngày thì lại mất một ngày, hoặc gần 10% của một cuộc sống. 8 năm của một cuộc đời ngồi chờ đợi người thất hẹn, đến trễ.

Tôi cũng đã có những lần đi trễ và cảm giác lúc đó như lửa đốt vì tôi ngại nhất là để người khác phải đợi mình. Và tôi sợ nhất là một ngày nào đó khi tôi đến trễ mà không còn cảm giác khó chịu đó nữa. Sợ lắm. Sau một thời gian ở Việt Nam và luôn đến đúng giờ rồi phải ngồi đợi thì đôi lúc tôi cũng bị nản. Nhưng tôi luôn nhủ với lòng mình, thôi mình cứ đến đúng như đã hẹn thì cho dù có đợi thì mình cũng đã cho thấy sự chuyên nghiệp và tôn trọng dành cho người làm việc chung...

Hy vọng với sự "lên sóng" này, mọi người sẽ thay đổi về thái độ và khái niệm về giờ giấc và cảm thấy tự khó chịu khi mình đến trễ vì không ai thay đổi thái độ của mình được ngoại trừ mình. Đây cũng sẽ cho cơ hội những người khác "lên án" người đi muộn. Sẽ mất thời gian lắm để tập thói quen này nhưng thật sự rất xứng đáng. Để mai sau này con cháu mình sẽ có thêm thời gian bắt kịp với nhịp của thế giới. Người Việt Nam rất cần cù và làm việc hết mình. Chỉ cần đúng giờ nữa thôi thì không còn gì bằng.