Theo Sohu, gia đình chị Từ sau khi dọn đến căn nhà mới mua ở Bắc Kinh, Trung Quốc, được một thời gian thì xảy ra mâu thuẫn với đơn vị quản lý chung cư. Nguyên nhân của mâu thuẫn này xuất phát từ việc chị Từ đã từ chối trả phí sử dụng thang máy vì cho rằng gia đình chị sống ở tầng 1, chung cư cũng không có tầng hầm nên không cần sử dụng tới dịch vụ này. Đến năm 2013, sau nhiều lần nhắc nhở nhưng không thành, ban quản lý chung cư nơi chị Từ sinh sống đã kiện người phụ nữ này ra tòa.
Về vụ việc này, đơn vị quản lý chung cư cho biết gia đình chị Từ chuyển đến căn hộ 102, rộng hơn 142m2 thuộc tòa chung cư của họ từ ngày 14/6/2005. Cùng ngày, họ đã ký “Hợp đồng ủy thác quản lý tài sản sơ bộ” và thư cam kết đồng ý tuân thủ và thực hiện “Quy ước sử dụng, quản lý và bảo trì nhà ở” với đơn vị quản lý tòa nhà.
Hợp đồng quy định rằng gia đình chị Từ phải trả phí quản lý tài sản theo mức 1,78 NDT cho mỗi mét vuông diện tích xây dựng mỗi tháng trước ngày 31/10 hàng năm, trong đó bao gồm cả phí thang máy là 0,80 NDT. Nếu khoản phí này không được thanh toán đúng hạn, gia đình chị Từ sẽ phải chịu phí trả chậm là 0,3% mỗi ngày.
Ảnh minh họa: Internet
Cũng theo ban quản lý tòa nhà, tính tới thời điểm họ khởi kiện, gia đình chị Từ chưa trả phí sử dụng thang máy trong 2 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn 1 từ ngày 1/7/2006 đến ngày 30/6/2009 và giai đoạn 2 từ ngày 1/7/2010 đến ngày 30/6/2012. Tổng cộng số tiền phí thang máy và phí trả chậm mà gia đình này phải trả là 7.336 NDT (hơn 25,7 triệu đồng). Chưa hết, đơn vị này cũng yêu cầu phía bị đơn cần phải chi trả cả chi phí tố tụng.
Trước những thông tin mà phía nguyên đơn cung cấp, chị Từ đều xác nhận là chính xác. Tuy nhiên, người phụ nữ này vẫn khăng khăng cho rằng gia đình chưa từng sử dụng thang máy nên chung cư không có quyền yêu cầu gia đình chị phải trả loại tiền dịch vụ này.
Sau khi xem xét kỹ vụ việc, tòa án địa phương cho biết Hợp đồng ủy thác quản lý tài sản sơ bộ được ký giữa nguyên đơn và bị đơn là hợp pháp và có giá trị ràng buộc đối với cả hai bên. Nguyên đơn cung cấp dịch vụ cho tòa nhà và bị đơn với tư cách là một trong những chủ sở hữu ở tòa nhà này cũng có trách nghiệm trả phí dịch vụ cho nguyên đơn.
Theo Bộ luật Dân sự Trung Quốc, ngoài phần sở hữu riêng, chủ sở hữu các căn hộ ở khu chung cư được hưởng các quyền và có nghĩa vụ đối với các phần sở hữu chung của tòa nhà như thang máy, hành lang, sân thượng,… Vì trong quá trình sinh sống, một số chủ sở hữu có tần suất sử dụng một số tiện ích chung khác nhau và đơn vị quản lý tài sản khó có thể định lượng chính xác việc sử dụng của tất cả các chủ sở hữu.
Do đó, khi tính toán phí tài sản, quản lý chung cư sẽ phân bổ đều lợi ích và chi phí phát sinh từ việc duy trì, quản lý và bảo trì các phần chung, để đạt được sự công bằng cho cư dân tòa nhà.
Hơn nữa, phí thang máy và các tiện ích tính phí khác cũng được quy định trong hợp đồng dịch vụ và được thông báo đến các chủ sở hữu. Do đó, việc bị đơn là chị Từ biện hộ rằng chị không dùng tới thang máy nên không phải đóng tiền là không thể chấp nhận được.
Cuối cùng, căn cứ vào tình hình thực tế của vụ việc, tòa án ra phán quyết yêu cầu bị đơn là chị Từ chỉ phải trả cho nguyên đơn là ban quản lý tòa nhà đang ở tổng cộng hơn 6.836 NDT (gần 24 triệu đồng) tiền phí thang máy. Các yêu cầu khác của phía nguyên đơn đã bị tòa án bác bỏ. Vụ việc kết thúc tại đây.
Theo Sohu