Tử Cấm Thành (còn được gọi là Cố Cung) của Trung Quốc là một hệ thống cung điện tọa lạc tại trục chính của thành phố Bắc Kinh. Đây là cung điện của hai triều đại Minh và Thanh trong vòng hơn 400 năm.
Được thiết kế, chuẩn bị và xây dựng trong vòng 14 năm (1406 - 1420), Tử Cấm Thành bao gồm hơn 9000 căn phòng, được bố trí trong hơn 70 cung điện, là một trong những công trình kiến trúc bằng gỗ lớn nhất và được bảo vệ nguyên vẹn nhất đến thời điểm hiện tại.
Cấu trúc và trật tự sắp xếp bên trong Tử Cấm Thành chịu ảnh hưởng và tuân theo những quy tắc của Nho giáo và Đạo giáo, trong đó điển hình là sự kết hợp hài hòa, thống nhất của "thiên", "địa" và "nhân" trong Đạo giáo.
Toàn bộ Tử Cấm Thành nhìn từ trên cao (Ảnh: Internet)
Tuy nhiên, Tử Cấm Thành không chỉ thu hút những thế hệ các nhà thiết kế sau này về cấu trúc điển hình của một phức hợp cung điện, mà điều khiến chúng ta ngạc nhiên đó là sau hơn 600 năm lịch sử tồn tại của mình, Tử Cấm Thành chưa một lần bị lụt lội, dù không ít lần hứng chịu phong ba bão táp.
Nếu nhìn một cách tổng thể, hệ thống chống ngập Tử Cấm Thành bao gồm một tổ hợp các yếu tố địa hình bề mặt và dưới lòng đất, bên trong và bên ngoài.
Yếu tố đầu tiên mà rất nhiều người không chú ý tới, đó là khả năng hấp thụ nước trên bề mặt sân Tử Cấm Thành.
Sân của Tử Cấm Thành được lát bằng cách xếp những viên gạch đá xanh, điều này giúp cho mặt sân dễ thấm nước mưa hơn bề mặt sân lát bằng bê tông thông thường. Bên dưới lớp gạch đá xanh là một lớp đất rất dày, có thể hấp thụ được một lượng nước lớn, giống như việc đặt một miếng bọt biển khổng lồ dưới lòng đất.
Những viên gạch đá xanh trong sân Tử Cấm Thành (Ảnh: Internet)
Thứ hai, các kiến trúc cung điện trên bề mặt Tử Cấm Thành đã tận dụng được lợi thế địa hình tự nhiên sẵn có.
Địa hình của Bắc Kinh có đặc điểm cao ở phía tây bắc và thấp ở phía Đông Nam, Tử Cấm Thành lại có địa thế "núi sau sông trước", lưng dựa vào núi Yên Sơn, trước mặt đối diện với biển Bột Hải ở phía Đông.
Khu vực phía Bắc và phía Nam của Tử Cấm Thành tạo thành một đường dốc thoải với độ cao chênh lệch khoảng gần 2 mét, làm cho nước mưa tự chảy từ Bắc xuống Nam.
Ngoài ra, trên trục chính của Tử Cấm Thành, Cung Khôn Ninh, Cung Càn Thanh, Điện Thái Hòa và Điện Bảo Hòa được xây trên nền móng rất cao, không chỉ tạo nên vẻ đẹp uy nghi mà còn tránh được việc tích nước ở khu vực giữa thành.
Điều này kết hợp với kiến trúc ở hai phía phía Đông và Tây thấp dần so với đường trục chính của thành để tạo thành những con đường dốc thoải để thoát nước một cách tự nhiên.
Hệ thống các cung điện và các phòng trong Tử Cấm Thành được bố trí dày đặc, chưa kể các tường ngăn cách các khu vực cũng làm cản trở việc thoát nước bên trong thành. Do đó, các con kênh nhỏ được đào đan xen trong nội thành (độ sâu khoảng 0,5 đến 2 m) và dẫn về phía con sông đào Kim Thủy chảy vắt từ phía Tây sang phía Đông thành.
Đồng thời, trong tất cả các sân của các điện, các phòng đều có các rãnh thoát nước mưa được chạm khắc bằng đá hình đầu rồng, khi trời mưa, hàng nghìn chiếc đầu rồng được chế tác tinh xảo đồng loạt phun nước chảy xuống các con kênh nhỏ rồi đổ về sông Kim Thủy.
Các đường dẫn nước từ trong sân đổ ra kênh trong Tử Cấm Thành (Ảnh: Internet)
Những con kênh đóng vai trò thoát nước trong Tử Cấm Thành đều được trông coi một cách cẩn thận. Bất kể là vào thời Minh hay thời Thanh, triều đình đều quy định vào mùa xuân phải bố trí các binh lính đi nạo vét tất cả các kênh trước khi mùa mưa đến.
Cuối cùng, hệ thống hào và các hồ chứa nước xung quanh thành đóng vai trò là nơi tiếp nhận nước từ bên trong đổ ra.
Ngày nay, dấu ấn của chúng vẫn được thể hiện vô cùng rõ nét trong đời sống của người dân Bắc Kinh, trở thành các địa điểm thăm quan, ngắm cảnh và trung tâm chính trị nổi tiếng như công viên Bắc Hải, khu vực Trung Nam Hải (trụ sở của chính phủ Trung Quốc)…
Hào nước bao quanh Tử Cấm Thành (Ảnh: Internet)
Có thể thấy, việc tận dụng lợi thế địa hình tự nhiên và bố trí thiết kế thông minh, hài hòa chính là điểm mấu chốt giúp Tử Cấm Thành có thể tránh được những trận lũ lụt trong hơn 600 năm qua. Ngày nay, công trình vẫn còn là một biểu hiện sinh động của trí tuệ cổ xưa, khi mà những trang thiết bị hiện đại vẫn còn chưa xuất hiện.