Từ 22 ca mắc Covid-19 tại BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM: 2 bài học cho các cơ sở y tế

N.Anh, Theo Doanh nghiệp và tiếp thị 10:55 13/06/2021

Theo các chuyên gia y tế, từ trước tới nay bệnh viện luôn là môi trường nguy cơ cao lây nhiễm Covid-19. Nếu chỉ lơ là một chút thì bệnh viện có thể thành ổ dịch.

Từ 22 ca mắc Covid-19 tại BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM: 2 bài học cho các cơ sở y tế - Ảnh 1.

Ngày 12/6, sau khi phát hiện 1 trường hợp nhân viên y tế dương tính SARS-CoV-2, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM đã điều tra truy vết, xét nghiệm và phát hiện thêm các trường hợp nhiễm khác. Hiện bệnh viện đã phát hiện 22 nhân viên dương tính, gồm 7 nhân viên phòng Công nghệ thông tin và 15 nhân viên phòng Hành chính Quản trị. Bệnh viện tạm phong toả để tiến hành điều tra, truy vết, khử khuẩn môi trường.

PGS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho biết, may mắn các ca bệnh đều xuất hiện ở khu vực hành chính nên mức độ nguy hiểm có thể thấp và việc kiểm soát cũng đơn giản hơn.

PGS Nhung cho rằng khi virus lẩn khuất và lây lan trong các bộ phận khám, chữa bệnh, tình hình sẽ trở nên phức tạp vô cùng và sẽ có nhiều bệnh nhân có nguy cơ lây chéo như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Đà Nẵng năm 2020.

Tuy nhiên, qua đây các bệnh viện cũng cần rút ra 2 bài học, PGS Nhung cho biết.

Thứ nhất, nhân viên hành chính tại bệnh viện cũng cần phòng chống dịch như bác sĩ

Nếu nhân viên hành chính lơ là chống dịch thì sẽ có thêm nhiều ca mắc. Từ trước, tại các cơ sở y tế, đôi khi nhân viên khối hành chính chỉ lơ là chủ quan 1 chút sẽ nguy hiểm.

Mức độ nguy hiểm tại ổ dịch trong khu hành chính tuỳ vào độ giãn cách của cơ sở y tế. Nhân viên y tế ban ngày làm việc, hết giờ về sinh hoạt tại cộng đồng. Nếu ở khu vực có ca nhiễm ngoài cộng đồng thì vô tình họ cũng là nguồn mang virus vào bệnh viện. Vì vậy, PGS Nhung cho rằng cả nhân viên hành chính và y bác sĩ đều cần nâng cao trách nhiệm phòng chống dịch ngay tại gia đình.

Thứ hai, vắc xin không bảo vệ an toàn 100%

Tại TP.HCM trong đợt tiêm chủng vắc xin Covid-19 đầu tiên vào tháng 3, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM là cơ sở y tế đầu tiên ở khu vực phía Nam được ưu tiên cấp vắc xin của AstraZeneca để tiêm cho 900 nhân viên. Hầu hết nhân viên bệnh viện đã được tiêm đủ 2 mũi vắc xin.

Trao đổi về tâm lý chủ quan vì đã được tiêm vắc xin, PGS Nhung cho rằng dù tiêm vắc xin thì nguy cơ mắc vẫn có. Hiệu quả của vắc xin nào cũng không thể tuyệt đối. Hiệu quả bảo vệ của vắc xin AstraZeneca cũng chỉ đạt ở mức khoảng 60 - 90%. Người đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin Covid-19 vẫn cần thời gian để sinh kháng thể mới có khả năng bảo vệ từ 3 đến 12 tuần.

BS Trương Hữu Khanh - chuyên gia truyền nhiễm tại TP.HCM nhận định nguyên nhân dẫn đến ổ dịch trong Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM là các nhân viên y tế nhiễm virus ở vùng có dịch mang vào bệnh viện. Do đó, bản thân các cán bộ, nhân viên làm việc trong bệnh viện phải nhận thức được công việc của mình, từ đó hạn chế việc đi lại, tiếp xúc.

BS Khanh cho rằng cần thiết nhất đó là truy vết nhanh chóng, xác định mức độ nguy cơ của từng trường hợp và phân loại, cách ly họ tại khu vực riêng. Nếu virus chỉ trong khu hành chính thì bác sĩ Khanh cho biết sẽ sớm kiểm soát được ổ dịch này.

Từ 22 ca mắc Covid-19 tại BV Bệnh Nhiệt đới TP.HCM: 2 bài học cho các cơ sở y tế - Ảnh 2.
TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày