Từ 15/10/2020, bán mỹ phẩm "hết date" bị phạt đến 200 triệu đồng

Luật sư Phạm Thanh Hữu, Theo Nhịp Sống Việt 12:45 08/10/2020
Chia sẻ

Theo Nghị định 98/2020/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành kể từ 15/10/2020), kinh doanh mỹ phẩm, thực phẩm, phụ gia thực phẩm,... quá hạn sử dụng (hết date) bị phạt tối đa là 100 triệu đồng đối với cá nhân, 200 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm (hiện hành, tối đa là 80 triệu đồng đối với cá nhân, 160 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm).

Mức phạt đối với hành vi kinh doanh hàng hóa (trừ thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi) quá hạn sử dụng ghi trên nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa; đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc thực hiện hành vi gian lận khác nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa được quy định cụ thể như sau:

1. Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị dưới 1 triệu đồng (mức phạt từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm).

2. Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 1 triệu đến dưới 3 triệu đồng (mức phạt từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm).

3. Phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 3 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 3 triệu đồng đến dưới 5 triệu đồng (mức phạt từ 2 triệu đồng đến 6 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm).

Từ 15/10/2020, bán mỹ phẩm hết date bị phạt đến 200 triệu đồng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

4. Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 5 triệu đồng đến dưới 10 triệu đồng (mức phạt từ 6 triệu đồng đến 10 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm).

5. Phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 7 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 10 triệu đồng đến dưới 20 triệu đồng (mức phạt từ 10 triệu đồng đến 14 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm).

6. Phạt tiền từ 7 triệu đồng đến 10 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 20 triệu đồng đến dưới 30 triệu đồng (mức phạt từ 14 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm).

7. Phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 40 triệu đồng (mức phạt từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm).

8. Phạt tiền từ 15 triệu đồng đến 20 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 40 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng (mức phạt từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm).

9. Phạt tiền từ 20 triệu đồng đến 30 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 70 triệu đồng (mức phạt từ 40 triệu đồng đến 60 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm).

10. Phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 40 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 70 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng (mức phạt từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm).

11. Phạt tiền từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng trong trường hợp hàng hóa vi phạm có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên (mức phạt từ 80 triệu đồng đến 100 triệu đồng đối với tổ chức vi phạm).

Lưu ý, sẽ phạt tiền gấp hai lần mức tiền phạt quy định nêu trên đối với người sản xuất, nhập khẩu thực hiện hành vi vi phạm hành chính hoặc hàng hóa vi phạm thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Là thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, thuốc phòng bệnh và thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, trang thiết bị y tế.

- Là chất tẩy rửa, hoá chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản, sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi, thuốc thú y, phân bón, xi măng, chất kích thích tăng trưởng, giống cây trồng, giống vật nuôi, giống thủy sản, thức ăn thủy sản;

- Hàng hóa khác thuộc danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Ngoài việc bị xử phạt nêu trên thì còn bị tịch thu tang vật (trường hợp tang vật vi phạm gây hại cho sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng và môi trường thì buộc phải tiêu hủy); tịch thu phương tiện là công cụ, máy móc được sử dụng để thực hiện hành vi đánh tráo, thay đổi nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc tẩy xóa, sửa chữa thời hạn sử dụng trên nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa hoặc thực hiện hành vi gian lận khác nhằm kéo dài thời hạn sử dụng của hàng hóa. Đồng thời, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm nêu trên.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày