Ông Nguyễn Văn Huân, ở Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân, TP.HCM, phản ánh đến Báo Người Lao Động về việc vợ ông bị lừa mất 4,3 triệu đồng khi tham gia bán mỹ phẩm online. Cụ thể, ngày 20-9, vợ ông lên mạng thấy trang Facebook "Son kem chính hãng 3CE Việt Nam" đăng tuyển cộng tác viên bán mỹ phẩm 3CE, kèm theo đoạn quảng cáo đầy hấp dẫn: "Kiếm tiền online dễ dàng, không cần vốn, sản phẩm đã có thương hiệu, hoa hồng hấp dẫn, hỗ trợ đóng gói, giao hàng, không cần đầu tư vốn, thu nhập 8-12 triệu đồng/tháng, được nhận ưu đãi lớn, không phải cọc cũng như bất kỳ phí gì, chuyển khoản sau 2 tuần làm cộng tác viên...".
Với mong muốn học hỏi và kiếm thêm thu nhập cho gia đình nên vợ ông Huân quyết định tham gia bán mỹ phẩm online. Lúc đầu đại lý mỹ phẩm nói sau hai tuần đăng thông tin giới thiệu bán hàng sẽ trả 50.000 đồng/ngày.
Hiện ông Huân vẫn còn giữ 15 thỏi son môi
Vợ ông Huân đăng thông tin được hai ngày thì có người tên Nguyễn Thị H vào đặt mua 15 thỏi son môi, với giá 380.000 đồng/thỏi. Người này hẹn thứ hai (ngày 28-9) sẽ nhận hàng, nếu giao sớm hơn cũng được.
Thấy có khách hàng đặt số lượng lớn, vợ ông Huân muốn đặt hàng của đại lý nhưng ông không cho vì lo ngại có thể là lừa đảo. Ông gọi điện xác minh thì nhân viên tổng đài của thương hiệu mỹ phẩm 3CE nói trụ sở đại lý phân phối trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 3, TP.HCM nhưng họ yêu cầu cộng tác viên lên đơn hàng rồi gửi hàng đến tận nhà chứ không cho đến trực tiếp đại lý.
Dù vậy, vợ ông Huân vẫn quyết định đặt hàng và thanh toán đầy đủ. Chủ nhật vừa rồi (ngày 27-9), ông mang hàng đi giao cho khách Nguyễn Thị H ở số 12 đại lộ Bình Dương, Phú Hoà, Thủ Dầu Một, Bình Dương (Nguyễn Thị H nói địa chỉ này là chung cư). Khi đến địa chỉ này là nhà nghỉ. Ông Huân gọi điện thoại nhiều lần nhưng bà H không bắt máy.
Đến ngày 30-9, bà H bắt máy và nói là biết đó là hàng giả (cho dù chưa nhìn thấy sản phẩm) nên không nhận hàng. Ông hỏi tại sao biết biết là hàng giả thì được trả lời :"Có người bên giao hàng kiểm tra trước".
Từ thông tin trên ông Huân kiểm tra lại son môi thì đúng là hàng giả. Ông Huân gọi đến cơ sở mỹ phẩm 3CE thì được thông báo là sản phẩm trên đã được ngưng kinh doanh từ lâu. Phía đại lý đăng quảng cáo ban đầu cũng im bặt. Kết quả là vợ chồng ông bị lừa mất số tiền 4,3 triệu đồng khi ôm đống hàng giả.
Trao đổi với Báo Người Lao Động, ông Huân cho rằng đây có thể là nhóm lừa đảo có tổ chức, cấu kết với nhau để lừa những người cần kiếm thêm thu nhập từ bán hàng online nhưng ít hiểu biết để trục lợi. Vợ chồng ông chỉ xem đây là bài học, muốn lên tiếng để những người khác cảnh giác với những trò lừa đảo như thế này.
Theo tìm hiểu, thời gian qua chiêu lừa tham gia bán hàng online cho các trang mỹ phẩm trên mạng xã hội dưới hình thức tuyển cộng tác viên đăng bài quảng cáo xuất hiện khá nhiều.
Đối tượng lừa đảo thường lập các trang Facebook đăng tuyển cộng tác viên bán hàng online với những lời quảng cáo hấp dẫn như "Không phải bỏ vốn đầu tư, hoa hồng cao và có thể trả lại sản phẩm nếu không bán được... ". Sau khi tuyển được cộng tác viên và hướng dẫn đăng lời rao bán hàng đầu tiên, các đối tượng lừa đảo đóng giả khách mua hàng với số lượng lớn để dụ cộng tác viên "sập bẫy".
Sau khi cộng tác viên nhận hàng, trả tiền thì cả đại lý và khách hàng đều biến mất. Các trang Facebook, Zalo... đều bị chặn, còn các số điện thoại liên lạc cũng ò í e. Nhiều người đã bị lừa hàng chục, thậm chí cả trăm triệu đồng vì hám lợi.