Dưới sự bảo vệ từ Lực lượng Tuần duyên Italia thì cụ bà Chiara Vigo, 62 tuổi lại bắt đầu khoác lên mình bộ trang phục bơi truyền thống màu trắng, niệm một bài cầu nguyện quen thuộc trước khi lặn xuống vùng biển nằm ngoài khơi hòn đảo nhỏ Sant'Antioco thuộc vùng tự trị Sardinia.
Nhờ sự chỉ dẫn của ánh trăng, bà này mới có thể tiếp cận vùng vịnh nước ngầm sâu 15 mét mà gia đình đã giữ bí mật trong suốt 24 thế hệ.
Cụ bà Vigo dùng một chiếc nhíp nhỏ để tách gỡ từng sợi tơ mỏng.
Nhà báo Eliot Stein, thuộc trang tin BBC cho biết: "Cụ bà Vigo dùng một chiếc nhíp nhỏ để tách gỡ từng sợi tơ mỏng sinh trưởng trên miệng của những con pinna nobilis - loài sò biển khổng lồ đặc hữu thuộc vùng Địa Trung Hải và đang có nguy cơ bị tuyệt chủng.
Chúng hình thành từ việc sò nhả nước dãi rồi tiếp xúc với nước biển mặn, tạo thành sợi keratin mảnh. Cần phải lặn khoảng 100 lần mới thu được khoảng 30g sợi thô thích hợp cho việc dệt thành lụa biển".
Vùng biển nằm ngoài khơi hòn đảo nhỏ Sant'Antioco thuộc vùng tự trị Sardinia.
Người ta tin bà Vigo là nghệ nhân duy nhất trên toàn thế giới còn lưu giữ quy trình sản xuất thứ lụa quý hiếm này, bao gồm: Thu hoạch, nhuộm màu, xe sợi cho tới dệt lụa biển thành những tác phẩm nghệ thuật với mức độ tỏa sáng đặc biệt.
Ngoài ra, cách đây khoảng 5.000 năm trước, phụ nữ vùng Lưỡng Hà từng sử dụng loại vải cực nhẹ ấy để may áo choàng cho Vua Solomon, kết thành vòng tay cho Hoàng hậu Nefertiti hay thánh y cho những vị mục sư, Giáo hoàng và Pharaoh nổi tiếng.
Tên của nó còn xuất hiện ở Phiến đá Rosetta của Ai Cập, được nhắc tới 45 lần trong Kinh Cựu ước của Thiên Chúa giáo dưới danh nghĩa là thứ vải mà Chúa yêu cầu Moxes trải bên trên tế đàn trong căn lều Tabernacle.
"Dù chẳng ai hay biết vì sao mà các thế hệ phụ nữ thuộc dòng họ của bà Vigo lại bắt đầu công việc dệt lụa biển. Nhưng hơn 1.000 năm qua, chuỗi bí mật xoay quanh quy trình sản xuất nó lại được bảo vệ một cách rất nghiêm ngặt trước khi truyền dạy cho con gái hoặc cháu gái trong nhà", ông Stein nói.
Sau khi nhận lời mời tới thăm căn phòng sản xuất của bà Vigo, nhà báo Stein mới có dịp gặp mặt trực tiếp nghệ nhân dệt lụa biển cuối cùng và được chứng kiến toàn bộ quy trình biến nước dãi của những con sò thành sợi chỉ bằng vàng.
Ông nhớ lại: "Tôi đến gần chiếc bàn làm việc, đi ngang qua con thoi xe sợi hơn 200 năm tuổi rồi đảo mắt về phía chiếc bình thủy tinh đựng thuốc nhuộm mang màu sắc khác nhau. Riêng tờ chứng chỉ hiệp sĩ cấp cao nhất do Cộng hòa Italia cấp phát được bà Vigo cất ở một góc nhỏ.
Tuy nhiên, nếu thực sự muốn bước vào thế giới của người nghệ nhân này, bạn phải dành cả đời để tìm hiểu mọi thứ".
Nhà báo Stein có cơ hội chứng kiến toàn bộ quy trình biến nước dãi của những con sò thành sợi chỉ bằng vàng.
Bà Vigo học được thứ nghề cổ đại này từ bà ngoại của mình - người từng dạy phương pháp đan len truyền thống bằng con thoi thủ công cho tất cả phụ nữ trên hòn đảo Sant’Antioco trong suốt 60 năm.
"Tôi được chở ra biển trên một con thuyền mái chèo để học lặn từ năm ba tuổi. Đến năm 12 tuổi, bà ngoại yêu cầu tôi phải ngồi học dệt vải trên chiếc gối nhỏ và cống hiến cuộc đời cho biển cả như những vị tổ tiên trước đó", bà Vigo chia sẻ.
Nghệ nhân Vigo học dệt vải và cống hiến cuộc đời cho biển cả như những vị tổ tiên trước đó.
Cụ bà 62 tuổi thuộc vùng tự trị Sardinia cũng là một "maistu" – nghệ nhân bậc thầy trong ngôn ngữ Sardo. Để làm được điều này, bà buộc phải cống hiến cả đời cho việc học tập những kỹ thuật bí truyền liên quan tới lụa biển.
Như 23 vị tổ tiên trước đó, người truyền nhân cuối cùng chưa bao giờ thu tiền từ sản phẩm do mình tạo ra theo đúng "Lời thề của biển cả": Lụa biển không phải thứ để mua bán hay trao đổi nhằm mục đích kiếm lời!
Bà cũng là nghệ nhân bậc thầy trong ngôn ngữ Sardo.
Dù rất nhiều sản phẩm dệt được trưng bày tại Bảo tàng Louvre, Bảo tàng Quốc gia Anh cũng như Vatican, song bà Vigo gần như không giữ lại một tấm lụa tơ chân nào cho riêng mình.
Hiện nay, bà vẫn sống cùng chồng trong căn hộ chung cư bình dân. Thu nhập chính của gia đình đều dựa vào lương hưu thợ mỏ than từ người chồng và những khoản nhỏ mà du khách ủng hộ trong mỗi lần ghé thăm xưởng dệt.
"Đây là cách duy nhất để nhận tấm lụa biển cao quý như một món quà. Tôi hoàn toàn hài lòng với mọi thứ, chưa bao giờ hối hận trước việc cống hiến cả đời người cho nét đẹp truyền thống có thâm niên hơn 200 năm tuổi do tổ tiên truyền lại", bà Vigo khẳng định
Rất nhiều sản phẩm dệt được trưng bày tại Bảo tàng Louvre, Bảo tàng Quốc gia Anh.
Dẫu tạo ra sản phẩm dành tặng cho Giáo hoàng Benedict XVI cũng như Hoàng hậu Đan Mạch. Tuy nhiên, bà Vigo vẫn thường gửi gắm món quà đặc biệt ấy cho các cặp vợ chồng mới cưới, trẻ em vừa trải qua lễ rửa tội hay những người phụ nữ muốn có thai.
"Lụa biển không thuộc quyền sở hữu của riêng tôi mà thuộc về tất cả mọi người. Bán lụa biển để lấy tiền cũng giống như việc thu lợi nhuận từ ánh Mặt Trời hay thủy triều của biển vậy.
Nhưng đâu phải ai cũng kiên quyết giữ vững lời thề thiêng liêng giống như tôi đã từng...", bà Vigo nói.
Những loại màu sắc được pha trộn theo công thức bí truyền.
Trong cuốn sách "Những bậc thầy dệt lụa biển, lụa tơ tằm và vải lanh" của Małgorzata Biniecka thì cho tới thập kỷ 1930, chỉ có duy nhất hai nơi vẫn tồn tại truyền thống sản xuất lụa biển. Đó là gia đình bà Vigo trên đảo Sant’Antioco cùng một gia đình khác sống tại thành phố Taranto.
Biniecka có viết: "Một người phụ nữ tại Taranto dám bỏ qua lời thề, cố gắng gây dựng nên ngành công nghiệp sản xuất lụa tơ chân và nhận về cái kết đau lòng: Công ty phá sản do làm ăn thua lỗ, còn bản thân qua đời một cách không minh bạch".
Bà luôn giữ vững "Lời thề của biển cả".
Gần đây, một thương nhân người Nhật Bản từng tiếp cận vị nghệ nhân tài hoa với mục đích mua lại tác phẩm nổi tiếng nhất của bà – "The Lion of Women", hay "Con sư tử của Nữ giới" với giá 2,5 triệu euro (tương đương khoảng 67 tỷ đồng).
Đây là tác phẩm với kích thước 45x45cm, được bà Vigo hoàn thành trong suốt 4 năm nhằm tặng cho toàn bộ phụ nữ trên thế giới. Vị truyền nhân cuối cùng này khẳng định sẽ không bao giờ chấp thuận yêu cầu đó vì phụ nữ cần sự trân trọng, chứ đâu phải để mua bán như vậy!
Trong bốn ngày lưu lại vùng tự trị Sardinia, nhà báo Stein đã lắng nghe những chia sẻ của bà Vigo về quá trình lao động vất vả đằng sau sự hào nhoáng từ thứ lụa hiếm bậc nhất trên thế giới.
Ông tường thuật ở bài viết của mình: "Thu thập xong tơ chân thô ở dưới lòng biển, bà Vigo tiến hành khử muối bằng cách ngâm chúng vào nước sạch suốt 25 hôm liên tục, với lịch thay nước ba giờ một lần rồi đem phơi khô.
Tiếp đó, bà ấy dùng bàn chải nhằm loại bỏ hoàn toàn chất cặn còn dính lại trên các sợi tơ chân thô.
Công đoạn phân tách từng sợi lụa biển khỏi bó tơ chân thô rối theo cách thủ công là khó khăn nhất. Bởi sợi lụa biển có đường kính nhỏ hơn ba lần so với sợi tóc của con người nên phải sử dụng kính lúp để soi và gắp từng sợi ra bằng chiếc nhíp nhỏ".
Bà Vigo chia sẻ về quá trình lao động vất vả đằng sau thứ lụa hiếm bậc nhất trên thế giới.
Do từng làm công việc khó khăn ấy suốt 50 năm qua nên mọi thứ trông có vẻ dễ dàng đối với bà Vigo. Thỉnh thoảng, sau khi tách được một bó sợi lụa biển dày, bà lại nói nhà báo Stein hãy nhắm mắt lại rồi đưa bàn tay về phía trước.
"Mỗi lần như vậy tôi đều chẳng cảm thấy gì hết. Mãi tới khi mở mắt ra, tôi mới ngỡ ngàng trước hình ảnh bà Vigo đang vuốt từng bó sợi lụa biển trong veo ngay trên lòng bàn tay của mình.
Thế rồi, người nghệ nhân tài hoa sẽ vừa hát bằng tiếng Sardo, vừa xe chúng lại thành sợi chỉ dài trước khi tạo nên điều kì diệu bằng chiếc lọ đựng chất lỏng màu vàng đục", nhà báo Stein miêu tả.
Người nghệ nhân tài hoa vừa hát bằng tiếng Sardo, vừa xe chúng lại thành sợi chỉ dài.
Nghệ nhân Vigo thả sợi chỉ mảnh vào bên trong thứ dung dịch bí mật được tạo nên từ nước chanh, gia vị cùng 15 loại tảo biển khác nhau. Chỉ trong vòng vài giây, sợi chỉ sẽ co giãn và tỏa sáng lấp lánh dưới ánh nắng Mặt Trời.
Ông Stein cho biết: "Bà ấy sở hữu vốn kiến thức khổng lồ, bao gồm cách điều chế 124 loại thuốc nhuộm tự nhiên khác nhau từ các loại trái cây, hoa cỏ cùng vỏ sò biển. Cuối cùng, bà mới dùng móng tay để dệt những sợi lụa này thành vải".
Thứ dung dịch bí mật được tạo nên từ nước chanh, gia vị cùng 15 loại tảo biển khác nhau.
Để dệt được vài cm vải thì bà Vigo phải bỏ ra hơn nửa tháng liên tục nhằm thu thập sợi tơ chân thô, xử lý, xe sợi và nhuộm màu. Một mảnh lụa biển không pha tạp với kích thước 50x60cm, nặng chỉ 2g thường tiêu tốn khoảng sáu năm mới có thể hoàn thành.
Những sản phẩm khác, thí dụ như tấm thảm dệt chứa nội dung Kinh thánh cùng hình ảnh về các vị thần ngoại đạo mà bà Vigo dùng để phủ lên khung cửi của mình sẽ mất nhiều thời gian hơn nữa.
"Tôi sở hữu khoảng 140 loại thiết kế trang trí gia truyền, trong đó có tám thiết kế đặc biệt không bao giờ được ghi lại và chỉ truyền khẩu trực tiếp qua từng thế hệ. Nhưng tôi nghĩ loại lụa cổ đại này sẽ sớm biến mất sau 1.000 năm tồn tại", bà Vigo nhấn mạnh.
Theo truyền thống, cô Maddalena – con gái út của bà Vigo chính là người được biết về những bí mật liên quan tới cách chế tạo lụa biển. Bà đã dạy cho cô cách lặn xuống biển và dệt vải ngay từ khi còn nhỏ.
Bà Vigo kể: "Thứ duy nhất mà Maddalena chưa biết là công thức để tạo ra các loại thuốc nhuộm, song nó đã chuyển tới sống ở Dublin, Ireland và không muốn tiếp tục công việc truyền thống của gia đình nữa".
Bà sẽ kiên quyết bảo vệ lời thề thiêng liêng cho tới khi rời xa thế giới này.
Vào mùa thu năm ngoái, chính quyền đảo Sant’Antioco đã ra lệnh đóng cửa Muxeo del Bisso – bảo tàng duy nhất dành riêng cho lụa tơ chân do bà Vigo thành lập hồi năm 2005 với lý do: Hệ thống điện của tòa nhà quá lạc hậu, không đáp ứng được tiêu chuẩn an toàn hiện đại.
"Điều họ thực sự muốn làm là ép buộc tôi phải tiến hành thu phí vào cửa đối với du khách cũng như ghi lại mọi mẫu thiết kế và bí mật gia truyền của mình. Nhưng tôi sẽ kiên quyết bảo vệ lời thề thiêng liêng cho tới khi rời xa thế giới này", bà Vigo tức giận nói.
Nghệ nhân Vigo buộc sợi chỉ đặc biệt vào cổ tay của nhà báo Stein.
Vấn đề trên thu hút được sự chú ý mạnh mẽ từ dư luận toàn quốc, thúc đẩy một bản kiến nghị trên mạng với hơn 20.000 chữ ký, bao gồm của Thủ hiến vùng Sardinian nhưng không thu được kết quả khả quan nào.
Ngoài ra, hai nghệ sĩ trẻ tuổi đã thực hiện chiến dịch gây quỹ cộng đồng nhằm giúp Vigo giữ lại căn hộ một phòng mà bà đang dùng làm nơi dệt lụa suốt hàng chục năm qua. Và nếu họ không thể kiếm đủ 85.000 euro (tương đương khoảng 2,3 tỷ đồng) để mua đứt bất động sản này thì chính quyền sẽ trục xuất bà khỏi đây vào tháng 11/2018.
Như vậy, cả thế giới sẽ không còn được chứng kiến người nghệ nhân lụa biển cuối cùng dệt những sợi tơ chân thành sợi vàng.
Bà Vigo đứng cầu nguyện, lấy một nhúm sợi tơ chân thô 300 năm tuổi được chứa trong một chiếc lọ và xe chúng thành một sợi chỉ dài.
Vào buổi tối cuối cùng khi nhà báo Stein lưu lại vùng tự trị Sardinia, nghệ nhân Vigo đã dẫn ông này tới một khu vịnh nhỏ - nơi những người phụ nữ trong gia đình của bà thường ghé tới cầu nguyện.
Chứng kiến ánh Mặt Trời dần tan vào biển cả, bà bắt đầu khép đôi mắt lại, lẩm nhẩm điều bí ẩn gì đó và nhẹ nhàng đưa bàn tay nhăn nheo vào trong túi áo. Bà lấy ra một nhúm sợi tơ chân thô 300 năm tuổi được chứa trong một chiếc lọ và xe chúng thành một sợi chỉ dài.
"Những bí mật có thể mãi theo tôi xuống mồ, song loại lụa của biển cả này sẽ luôn trường tồn theo thời gian", bà Vigo nói trong khi buộc sợi chỉ đặc biệt ấy vào cổ tay của ông Stein.