Truy Sát - Cuộc chơi còn dang dở của Trương Ngọc Ánh

Ân Nguyễn, Theo Trí Thức Trẻ 14:44 22/04/2016
Chia sẻ

Nếu có kịch bản tốt, "Truy Sát" sẽ xuất sắc hơn rất nhiều.

Cách đây hai năm, bộ phim Hương Ga do Trương Ngọc Ánh sản xuất kiêm đóng vai chính đã gây được tiếng vang với công chúng đồng thời đạt doanh thu vượt kỳ vọng. Tác phẩm cũng giành nhiều giải thưởng điện ảnh và tạo niềm tin cho "cô Dần" thực hiện dự án tiếp theo. Với tên gọi Truy Sát, bộ phim hành động này được mạnh tay đầu tư đến 1 triệu USD (hơn 20 tỷ đồng). Cường Ngô trở lại trong vai trò đạo diễn còn chỉ đạo võ thuật là Trung Lý. Đặc biệt, phần hậu kì của Truy Sát được dựng hoàn toàn ở nước ngoài và đây cũng là phim Việt đầu tiên trình chiếu dưới định dạng 4DX.

Truy Sát - Cuộc chơi còn dang dở của Trương Ngọc Ánh - Ảnh 1.

Poster chính thức của "Truy Sát"

Truy Sát mở đầu bằng một màn chiến đấu gay cấn khi nữ cảnh sát An An (Trương Ngọc Ánh) đột nhập hang ổ tội phạm. Dường như đó là tinh thần chung mà đạo diễn muốn gửi đến khán giả, bởi phần còn lại của phim cũng ngập tràn những cảnh giao đấu không hề kém cạnh. Có lẽ Truy Sát là tác phẩm đầu tiên của Việt Nam có mức độ hành động dày đặc và đa dạng đến vậy. Các nhân vật liên tục chiến đấu bằng quyền cước, kiếm, súng đạn, kết hợp với những màn rượt đuổi kịch tính bằng xế khủng.

Nhìn chung, khoản đầu tư lớn mà Trương Ngọc Ánh bỏ ra rõ ràng đã phát huy hiệu quả. Sự chắc tay của Cường Ngô và chỉ đạo võ thuật Trung Lý đã tạo ra nhiều pha hành động mãn nhãn, đủ để lôi cuốn những khán giả của thể loại này. Một điểm cộng khác là phần nhạc phim khá dồn dập, hoàn toàn thích hợp với một tác phẩm có tiết tấu nhanh như Truy Sát.

Truy Sát - Cuộc chơi còn dang dở của Trương Ngọc Ánh - Ảnh 2.

Trương Ngọc Ánh hóa thân thành một thiếu tá

Với nền tảng như vậy, nếu có thêm một kịch bản chắc tay, chắc chắn Truy Sát sẽ là một trong những phim Việt tốt nhất năm. Đáng tiếc là điều đó đã không xảy ra, thậm chí phần nội dung gãy vụn còn kéo tụt cảm xúc người xem. Theo chân cuộc điều tra của thiếu tá An An, Truy Sát mở ra một thế giới ngầm của những kẻ buôn lậu do Lộc Sói (Lamou Vissay) cầm đầu. Bất chấp yêu cầu từ cấp trên là Minh (Vĩnh Thụy), An An vẫn tự ý hành động, dẫn đến việc em cô là Bình (Thịnh Vinh) bị rơi vào vòng nguy hiểm. Giữa vòng vây của kẻ thù, nữ cảnh sát này phải tự tìm ra con đường sống cho mình.

Truy Sát - Cuộc chơi còn dang dở của Trương Ngọc Ánh - Ảnh 3.

Một cảnh truy đuổi giữa Trương Ngọc Ánh và Maria Trần (vai Phượng Lửa)

Thay vì tập trung vào một ít tuyến chuyện nhưng rõ ràng, biên kịch của Truy Sát lại ôm đồm nhiều tình tiết thừa thãi. Kết quả là một kịch bản có phần chắp vá. Nhiều mâu thuẫn mở ra nhưng lại được xử lý quá dễ dàng, không tạo được sức nặng với người xem. Nhiều nhân vật "xẹt ra xẹt vào" mà chưa được khai thác hết tiềm năng. Điều này cũng tương tự như tác phẩm trước của Trương Ngọc Ánh là Hương Ga.

Cách Truy Sát xây dựng thế giới của cảnh sát và tội phạm vẫn còn chịu nhiều ước lệ của phim Việt. Những chiến sĩ cảnh sát quá hoàn hảo, tốt đẹp về mọi mặt, trong khi đó, bọn xấu thì luôn ác đến tận cùng. Nếu đã xem những tác phẩm của Hollywood, chúng ta sẽ thấy họ khắc họa hai hình tượng này một cách đa dạng và "đời" hơn rất nhiều. Cảnh sát trên phim Mỹ cũng đầy rẫy những tật xấu như chửi thề, nghiện rượu, nóng nảy, tham lập công, có khi còn hám lợi mà phản bội tổ chức. Trong khi đó, bọn tội phạm luôn được mô tả tâm lý rất kỹ, đôi khi chúng không phải những kẻ hoàn toàn kẻ xấu xa mà cũng biết trọng danh dự, yêu gia đình.

Truy Sát - Cuộc chơi còn dang dở của Trương Ngọc Ánh - Ảnh 4.

Những mẫu nhân vật như Minh (Vĩnh Thụy) còn quá một chiều

Cách tiếp cận này không cố vẽ ra những chân dung hoàn hảo, mà mang đậm tính thực tế và "đời" hơn rất nhiều. Chính vì vậy, khi xem phim tội phạm của Mỹ, khán giả luôn cảm thấy những gì đang diễn ra, trong một chừng mực nào đó, là sát với đời thực. Ngược lại với phim Việt Nam, luôn có chút gì đó giả tạo và giáo điều quá mức. Thật khó để đồng cảm với những nhân vật chính quá tốt trên màn ảnh Việt. Chừng nào chưa vứt bỏ được sự rập khuôn này, khi đó phim hành động của chúng ta còn chưa thể cất cánh.

Dù gắn mác NC-16 nhưng phần thoại của Truy Sát nhìn chung còn quá "tử tế". Trong thế giới này, các nhân vật giang hồ có thể đâm chém dã man, nhưng nói chuyện với nhau thì lại hiền lành, không chửi thề và cũng ít khi xưng "mày - tao". Trong khi đó, phe cảnh sát có chất giọng đều đều, chậm rãi với những câu sáo rỗng có thể khiến cả rạp phải bật cười như: "Hãy đầu hàng để được khoan hồng của pháp luật".

Về phần diễn xuất, Trương Ngọc Ánh có nhiều nỗ lực trong vai chính An An. Được biết, trong quá trình quay phim, cô đã tự mình thực hiện không ít các pha hành động như đánh nhau tay không trong nhà tắm, dùng cung tên, hay hai tay hai súng giữa kẻ thù. Dù nhiều lần bị thương trên trường quay, nữ diễn viên vẫn cố gắng thể hiện trọn vẹn nhiều cảnh quay mà không cần cascadeur. Bên cạnh đó, cô cũng thể hiện tốt các phân cảnh nội tâm như khi An An bị giam cầm hay đe dọa. Thế nhưng cách thoại đều đều như đã nói ở trên ảnh hưởng khá nhiều đến cảm xúc mà nhân vật mang lại. Một điểm trừ khác là khi thực hiện phim này, nữ diễn viên Áo Lụa Hà Đông đã 40 tuổi. Dù trông vẫn trẻ hơn tuổi khá nhiều, nhưng Trương Ngọc Ánh chưa thuyết phục được người xem khi gọi nhân vật do Vĩnh Thụy (sinh năm 1987) thủ vai là "anh".

Truy Sát - Cuộc chơi còn dang dở của Trương Ngọc Ánh - Ảnh 5.

Lamou Vissay trong vai ông trùm

Vào vai tên trùm Lộc Sói, Lamou Vissay diễn khá tốt bằng kinh nghiệm của một người từng đóng phim nhiều ở châu Âu. Nếu có thể cải thiện cách phát âm tiếng Việt, anh sẽ gây ấn tượng hơn trong các vai diễn tiếp theo. Bên cạnh Lamou Vissay, Truy Sát sở hữu dàn diễn viên phụ có vẻ ngoài trẻ trung, ăn hình như Vĩnh Thụy, Hiếu Nguyễn, Thiên Nguyễn, Cường Seven, Marcus Guilhem hay Hồng Quế. Song tất cả chỉ để lại dấu ấn qua những màn khoe hình thể, bị Cường Ngô lạm dụng có phần hơi quá tay. Thật vậy, Truy Sát có khá nhiều cảnh các nhân vật nam khoe ngực trần, thậm chí giữa lúc đang chiến đấu cũng cố tạo ra một tình huống để Marcus Guilhem… bị lột áo và phô bày cơ thể săn chắc của mình.

Cảm giác chung của người viết sau khi xem Truy Sát là tiếc nuối. Bản thân phim là một tác phẩm được thực hiện chỉn chu về mặt hình ảnh, âm thanh, có thể nói là đi đầu trong thể loại hành động ở Việt Nam. Thế nhưng sự lủng củng trong kịch bản lại biến Truy Sát thành một tác phẩm nhàn nhạt, một trải nghiệm không trọn vẹn. Thật tiếc cho êkip của Trương Ngọc Ánh và Cường Ngô vì đã bỏ lỡ một cơ hội lớn để ghi dấu ấn trên màn ảnh rộng.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày