Những ngày gần Tết, thành phố càng thêm nhộn nhịp và rộn ràng. Một năm có 365 ngày, điều này ai cũng biết. Trong 365 ngày đó, chúng ta dành ra khoảng 250 ngày để miệt mài bên bàn làm việc, cắm cúi mặt vào máy tính. Còn 115 ngày còn lại, trừ thời gian hẹn hò yêu đương với người yêu (hoặc nhiều người yêu), trừ thời gian vui vầy với anh em, đồng bọn, trừ luôn những ngày mà chúng ta chỉ muốn ở một mình, nhìn trời và thấy mình lang thang, thì còn khoảng đâu đó mấy mươi ngày có thể đếm được bằng hai bàn tay để chúng ta về nhà.
Nhưng mà nếu như chúng ta không thể về với Tết? Ở một đất nước khác, với múi giờ khác, ngôn ngữ khác, người ta vẫn tìm cách để đem Tết theo.
Tết mà, hãy ở bên bạn bè để vơi bớt nỗi buồn
Không có cây mai ánh vàng, cành đào đỏ thắm, không xúng xính váy áo đầu năm, nhưng Tết của những người xa quê không thiếu sự háo hức, không bao giờ vắng mặt sự bồi hồi nhớ nhung. Tết không phải chỉ là cái Tết của gia đình, cho gia đình mà còn là cái Tết của cả dân tộc, kể cả những người con xa quê. Bởi vậy cho nên dù có ở rất xa, không cùng một múi giờ nhưng người ta vẫn sẽ tìm đến nhau, ngồi lại và tận hưởng tinh thần dân tộc hiếm hoi mà 365 ít khi nào có được. Tại các thành phố lớn, người Việt xa quê có thể tham gia đi lễ, viếng chùa và tham gia các hoạt động nấu nướng, ăn mừng và bày mâm ngũ quả. Chương trình đón Tết có thể kéo dài đến 3 ngày, mọi người từ thành phố nhỏ cũng đến để chung vui với không khí Tết tại chùa. Người lạ thành người quen, người đã quen rồi thành bạn bè. Cứ như vậy, Tết đối với người con xa xứ lâu năm cũng đã trở thành một dịp để tụ họp và quây quần.
Du học sinh tụ họp lại, cùng lên thực đơn và kế hoạch đi chợ, người đi làm cũng tụ họp với hội người Việt, đi chùa làm lễ ăn mừng. Tết mà, có thể không ăn mừng quá rộn rã, nhưng nhất định là phải ở bên nhau để xua đi cảm giác cô đơn lúc giao thừa. Ở một số trường đại học có hội học sinh Việt Nam, chương trình đón giao thừa còn được chuẩn bị một cách công phu hơn nhiều với những màn văn nghệ đặc sắc cùng những trò chơi sinh viên không thể thiếu.
Bởi vì xa quê nên niềm vui ngày Tết cũng trở nên giản dị: một mâm cơm quây quần bên gia đình.
Trưởng thành sau mỗi mùa Tết xa quê
Nhớ nhung "mùi" tết và không khí dịp xuân, các cô cậu học trò lần đầu xa gia đình cũng tự vào bếp, vui vẻ nấu các món ăn truyền thống. Bạn Hải Hà (20 tuổi), du học sinh Phần Lan chia sẻ: "Đây là lần đầu tiên mình tự tay bày mâm cơm ngày tết, tự đi chợ mua thịt về kho, muối dưa cải, cảm giác thích thú lắm." Cảm giác thích thú có lẽ còn vì viễn cảnh được trở về, vào bếp trổ tài cho gia đình bất ngờ. Hà vui vẻ kể chuyện: "Ngày xưa vì bận học, chẳng mấy khi mình vào bếp. Nhưng giờ mình có thể nấu được nào là thịt kho tàu, nào là canh khổ qua nhồi thịt, mình hãnh diện lắm, chắc là mẹ sẽ bất ngờ và tự hào lắm đấy."
Nhưng đón tết xa nhà không chỉ làm người ta biết tự nấu nướng, tự trang hoàng mà còn biết cách đối diện với cảm xúc với chính mình. Khi giờ khắc giao thừa đã đến, pháo bông tỏa sáng rực rỡ ở một phần bầu trời xa xôi thì người ta rất dễ mủi lòng, rất dễ rơi nước mắt. Khi gọi điện về nhà nhìn thấy gia đình quây quần đông đủ, rộn rã tiếng cười, làm sao có thể không khỏi chạnh lòng xót xa?
Khi giờ khắc giao thừa đã đến, pháo bông tỏa sáng rực rỡ ở một phần bầu trời xa xôi thì người ta rất dễ mủi lòng, rất dễ rơi nước mắt.
Anh Tuấn (19 tuổi), hiện đang là học sinh trao đổi tại Đức bộc bạch nỗi lòng: "Mỗi dịp tết gọi điện về cho gia đình, mình đều cảm thấy buồn phát khóc, nhưng khi ông bà, cha mẹ, cô cậu đều tranh nhau nhìn vào điện thoại để động viên và chúc mừng tớ năm mới thì lại cảm thấy ấm áp lắm. Xúc động thì khóc, nhưng lúc nào tớ cũng hiểu rằng mọi người ở nhà đều thương nhớ và mong những điều tốt lành cho tớ".
Ai nói trưởng thành là phải biết đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà? Mùa tết xa quê, những người con xa xứ còn biết đến nhớ nhung, biết lấy yêu thương làm động lực, biết an ủi bản thân, động viên bạn bè. "Còn nhớ lúc ngay khi mình tắt máy thì không kiềm được nước mắt, òa lên khóc, bạn bè đều vỗ về và động viên, bày trò vui và kể chuyện rôm rả. Cảm giác cô đơn thực sự vơi bớt đi rất nhiều đó", Ý Như (19 tuổi) cũng hiện là du học sinh tại Phần Lan nhớ lại.
Tết - dù xa hay gần vẫn là một dịp đáng trân trọng
Và đương nhiên là Tết của những kẻ xa nhà chưa bao giờ thiếu vắng nỗi nhớ. Cái nỗi nhớ quê da diết cồn cào ấy, khi khoảnh khắc giao thừa đến và bạn nhận ra niềm khao khát mãnh liệt được ở bên gia đình hòa cùng những ký ức về những ngày Tết cũ, thực sự không dễ gì trải qua. Có lẽ không ai quên được những giọt nước mắt nhớ nhà nén chặt lại sau cuộc điện thoại chúc Tết. Có lẽ không ai quên được mùng một, mùng hai ngồi trong giảng đường, tự hỏi bố mẹ đã đến chúc Tết ông bà hay chưa. Bỏ lỡ thời khắc mọi người được quây quần bên nhau luôn khiến người ta xót xa và chạnh lòng.
Càng đi xa, tình cảm gia đình càng trở nên quý giá, những ngày Tết càng mang thêm ý nghĩa sâu sắc.
Nhưng cho dù có ở xa, Tết vẫn là một dịp để kỷ niệm, để tụ họp hay để nhìn lại và biết ơn. Có thể gọi về cho gia đình, nước mắt rơi thành hàng nhưng vẫn cảm nhận được tình yêu, tình thương ở hai đầu nỗi nhớ. Có thể không được ở bên những người thân yêu nhất, nhưng vẫn bên cạnh bạn bè, anh em để nhớ về một năm đã qua với tất cả khó khăn và cầu chúc thêm một năm mạnh mẽ nữa. Có thể không thấy cây mai cành đào, không câu đối đỏ, không pháo hoa, nhưng trong lòng vẫn sẽ xúc động bồi hồi mỗi khi nghe thấy tiếng nhạc xuân. Có thể cảm thấy thiếu vắng không khí tưng bừng, nhưng sẽ luôn biết trái tim mình hướng về nơi nào, tha thiết vì điều gì.
Rất nhiều điều chỉ đến khi bắt đầu trưởng thành và rời xa quê hương, chúng ta mới bắt đầu hiểu thấu. Đối với những người ở nơi xứ người, nỗi nhớ càng trĩu nặng, cô đơn càng sâu. Người ta nói, muốn biết như thế nào là nỗi nhớ, hãy hỏi kẻ tha phương. Những cái Tết xa quê chưa bao giờ mất đi ý nghĩa mà ngày càng được khắc sâu trong tâm khảm đứa con xa xứ. Bởi vì thấu hiểu nỗi cô đơn, nên càng trân trọng hơi ấm của những người thân yêu gần kề, bởi vì xa quê, nên càng hiểu sâu sắc ý nghĩa của những dịp sum vầy. Tết vì vậy, càng đáng quý, càng chứa đựng nhiều niềm vui!