Trường Đại học Y Hà Nội vừa tổ chức Lễ Khai trương hệ thống thi trên máy tính bảng và Tọa đàm hiện đại hóa khảo thí trong tăng cường chất lượng đào tạo.
Theo PGS.TS Kim Bảo Giang - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và Đảm bảo chất lượng giáo dục Trường Đại học Y Hà Nội, năm 2010, trường tổ chức thi trắc nghiệm trên giấy, đến năm 2013 tiến hành thi trắc nghiệm trên 200 máy tính và đến thời điểm hiện tại năm 2018, Trung tâm đã được trang bị 780 máy tính bảng phục vụ thí sinh dự thi.
Với hệ thống phần mềm hiện đại, được giám sát bởi 100 camera, độ bảo mật cao cho phép quản lý toàn bộ môn thi, lịch thi, điểm thi, thí sinh không cần phải mang giấy tờ tùy thân, chỉ cần chạm vân tay lên màn hình sẽ hiện lên thông tin cá nhân, vị trí ngồi và môn thi.
Năm học 2017-2018, Trung tâm đã tổ chức thi đánh giá học phần cho 1.436 lượt thi với 180.328 lượt thí sinh, với 359 ngân hàng câu hỏi với 70.000 câu trắc nghiệm; tỉ lệ các môn thi sử dụng trắc nghiệm khách quan chiếm gần 90%.
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo trải nghiệm
Kế hoạch năm 2019, sẽ hướng đến việc sử dụng máy tính bảng trong đánh giá kỹ năng tại các cơ sở thực hành, xây dựng hệ thống thi lâm sàng trực tuyến qua máy tính bảng tại các cơ sở bệnh viện, điều này sẽ là 1 bước ngoặt giúp giảm gánh nặng hành chính cho giảng viên, tăng tính tin cậy và hiệu quả.
Đại diện Bộ Y tế, Ông Nguyễn Minh Lợi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khoa học Công nghệ và Đào tạo đánh giá cao những nỗ lực, cũng như những thành quả của Trường Đại học Y Hà Nội trong thời gian qua; đây là bước đột phá trong đổi mới hoạt động đào tạo, góp phần quan trọng trong công tác phát triển nguồn nhân lực y tế trong sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Ông Mai Văn Trinh - Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát biểu chúc mừng Trường Đại học Y Hà Nội là cánh chim đầu đàn trong hoạt động đổi mới chất lượng giáo dục và đào tạo, đây là một điểm sáng cần được nhân rộng trên toàn hệ thống, là mô hình hay, các trường khác cần học hỏi trong quá trình tự chủ nhằm đánh giá năng lực của người học.