25/7/2020 sẽ mãi là ngày không thể quên khi mà người đàn ông 57 tuổi ở Đà Nẵng được phát hiện dương tính với Covid-19 và trở thành bệnh nhân số 416, khép lại 99 ngày không có ca lây nhiễm cộng đồng và khép lại cả thành tích không có người nào tử vong. Từ bệnh nhân 416 đến bệnh nhân thứ 1.000+, những ngày qua thực sự là chuỗi ngày buồn không thở nổi.
21/7/2020, khi nhà tôi kết thúc chuyến đi chơi 10 ngày Đà Lạt - Nha Trang, vợ và con của tôi còn líu ríu đề nghị bố thiết kế một chuyến đi nữa trước ngày 17/8, ngày chúng nhập học trở lại. Ông bố ham chơi này cũng đã lăm le tìm kiếm. Đà Nẵng đã trở thành một lựa chọn ưu tiên. Ông bố ham chơi đã định đặt vé máy bay cho ngày 1/8 và lựa chọn được điểm đến yêu thích của gia đình. Thì đùng một cái, 25/7, ngày định mệnh đó đã khiến mọi dự định đều… "toang". Thậm chí, vài chuyến đi công tác của tôi cũng được bên đối tác thông báo delay hết.
Đất nước sau 99 ngày trên đà phục hồi bỗng chốc chựng lại. Liên tiếp những con số chấn động khiến ai nấy đều hoang mang. Đầu tiên là 18.000 người Hà Nội được cho là đã lưu trú tại Đà Nẵng cần phải được xét nghiệm. Rồi lên 20.000, lên 50.000 và cuối cùng là 72.000 người. TP.HCM cũng không kém. Rồi ở nhiều tỉnh thành khác. Quảng Nam trở thành ổ dịch. Hải Dương trở thành ổ dịch. Và Hà Nội, một nhân viên cửa hàng Pizza trở thành "cú nổ động trời".
Liên tiếp những ngày cuối tháng 7, đầu tháng 8, ai nấy đều hoảng hốt, hoang mang. Trong những hoảng hốt ấy, hoang mang ấy là thắt lòng hướng về Đà Nẵng, Quảng Nam. Nhất là khi những ca tử vong đầu tiên xuất hiện.
Cuộc sống bắt đầu bị đảo lộn, hàng quán co cụm. Tôi có cậu bạn vừa khai trương quán cafe nho nhỏ, đầu tư gần 1 tỷ, đang vô cùng hào hứng khi nghe tôi tư vấn về mô hình cafe nhạc sống, giờ mặt dài như cái bơm. Hai đứa ngồi vỉa hè trước cửa quán ngày khách vắng dần đều, mà chỉ biết thở dài. Nỗi lo cách ly xã hội lần thứ 2 khiến chẳng ai vui nổi. Bản thân tôi có 2 ngành hàng đang kinh doanh là hoa tươi và rèm cửa, 99 ngày qua mọi thứ đang tốt dần trở lại, giờ cũng thắt lòng hoang mang.
Ở nhà tôi, 3 đứa trẻ còn buồn hơn cả bố mẹ. Chúng sợ cái học online quá rồi. Với chúng, bạn bè mới là thứ quan trọng nhất trong việc trở lại trường. Cô út mắt rươm rướm khi nói: "Con đang vô cùng háo hức trở lại trường để gặp lại các bạn Phương Linh, Minh Anh, Nghiêm Ngọc, Gia Bách, Quang Huy… Covid ơi là Covid, con ghét Covid".
Phải, lũ học trò mới là những người giận dữ với Covid nhất. Covid khiến chúng phải nói chuyện online với bạn bè chán chết đi được. Covid đã khoá chân tụi chúng lại. Covid đã giam cầm chúng. Covid đã làm chúng không được gặp thầy cô và bạn bè. Chưa bao giờ nghỉ học lại trở thành hình phạt đáng sợ nhất như thế này. Hộp khẩu trang ở nhà lại được tái khởi động mỗi ngày. Nước rửa tay và đủ thứ tích cóp sẵn sàng cho đợt cách ly xã hội lần thứ 2.
Nhưng thật may khi Thủ tướng tuyên bố: "Không thái quá, không ngăn sông cấm chợ". Tôi đã viết một bài trên Lotus về vấn đề này. Khi mà Chính phủ không chọn cách "nhàn" để chọn cách chiến đấu với Covid mà vẫn đảm bảo duy trì phát triển kinh tế.
Nhưng thật may khi Bộ Giáo dục và Đào tạo vẫn kiên quyết tổ chức kỳ thi cho học sinh. Dù cá nhân tôi rất không thích vụ thi cử này. Nhưng kỳ thi được diễn ra như một cách để chứng minh rằng môi trường học đường sẽ an toàn, khi chúng ta tập trung cao độ. Kỳ thi như là một phép thử (và phải thắng) của giáo dục Việt Nam trước đại dịch Covid-19. Chiến thắng này củng cố lòng tin cho toàn bộ hệ thống giáo dục Việt Nam sẽ không bị Covid khống chế, không bị Covid đòi khoá cổng trường học, chặt đứt việc học tập trung của các con. Những kẻ luôn miệng phản đối lũ trẻ đi học liệu có hiểu nỗi lòng của các con?
Và trên cả, những hình ảnh bác sĩ Hải Phòng, bác sĩ Hà Nội, bác sĩ TP.HCM… lên đường vào Đà Nẵng tiếp lửa, tiếp sức, tiếp niềm tin chiến thắng mới thực sự khiến tôi rưng rưng nước mắt.
Làn sóng lan toả khi "giang hồ mạng" có câu: "Bắc Bạch Mai - Nam Chợ Rẫy". Nghe sặc mùi kiếm hiệp mà khoái trí vô cùng. Thấy các bác sĩ như những hiệp khách tráng khí ngút trời. Niềm tin chiến thắng là ở đó chứ đâu?
Khi mà số ca nhiễm tăng vùn vụt từ 416 lên đến 1000+ thì cũng là lúc mà tinh thần chiến đấu chống dịch như chống giặc từ đội quân áo trắng đã làm nên bản hùng ca mãnh liệt.
Những nhà báo cũng xung trận bằng ngòi bút của mình để liên tiếp đưa tin. Thay vì nói về những ca nhiễm đang tăng mỗi ngày, tinh thần lạc quan, tích cực được thắp lên nhờ các nhà báo viết về niềm tin chiến thắng từ chính sự lăn xả của các y bác sĩ. Về những ATM khẩu trang. Về những chuyến xe hỗ trợ, tiếp lửa cho Đà Nẵng. Về cả sự quật cường và bất khuất của các y bác sĩ Đà Nẵng. Về Bệnh viện Dã chiến Hoà Vang được xây trong thời gian ngắn nhất.
Tôi có thể liệt kê ra hàng chục, hàng trăm thậm chí hàng nghìn bài báo, câu chuyện, status của bạn bè tôi, của những người xung quanh tôi đã và đang tin vào Chính phủ, tin vào Bộ Y tế, tin vào người Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid này.
Bởi đó là tất thảy những gì đang diễn ra. Nó trở thành điều tự nhiên nhất mà mỗi người dân Việt Nam này đang chứng kiến. Nó còn hào hùng hơn cả mốc son U23 Việt Nam hôm nào, hay Huy chương Vàng Seagame bóng đá nam.
Thật, chưa có điều gì khiến đất nước đứng lên cùng nhau như thế.
Chiến tranh qua lâu rồi, hoà bình đã lập lại lâu rồi. Nhưng hôm nay, những ngày này, trước giặc Covid-19, chúng ta lại một lần nữa chung nhau một "niềm tin chiến thắng".
Hôm nay, 3/9, 3 đứa trẻ nhà tôi bắt đầu trở lại trường. Mỗi đứa đều ghi nhớ nguyên tắc 5K mà Bộ Y tế vừa kêu gọi:
✅ Khẩu trang
✅ Khử trùng
✅ Khoảng cách
✅ Không tụ tập
✅ Khai báo y tế.
Cùng với một niềm tin chiến thắng - thứ mà mỗi chúng ta đều đang có sẵn trong tim mình. Nào, trở lại trường tìm những lấp lánh thôi!