Theo thông tin được BBC đăng ngày 14-8, vụ việc xảy ra hồi đầu tháng này tại phía TP Phụ Dương, phía Đông tỉnh An Huy - Trung Quốc.
Mẹ của nạn nhân, chỉ được tiết lộ là một người phụ nữ họ Liu, cho biết con bà bị nghiện internet nặng và gia đình hết cách. Bà Liu và chồng sau đó quyết định gửi con trai đến trại cai nghiện với cam kết sử dụng phương pháp huấn luyện cả về "tinh thần và thể chất" nhằm giúp học viên cai nghiện.
Các trại cai nghiện internet tại Trung Quốc ngày càng phổ biến. Ảnh: NBC News.com
Bà Liu đưa con trai đến trại vào tối 3-8 và 2 ngày sau, gia đình nhận được thông báo con trai bà đã được đưa đến bệnh viện. Nạn nhân qua đời không lâu sau đó.
Nguyên nhân cụ thể khiến nạn nhân qua đời hiện vẫn chưa rõ. Tuy nhiên, theo bà Liu và chồng, bác sĩ khẳng định với họ rằng có hơn 20 vết thương cả bên trong và bên ngoài cơ thể nạn nhân. Bà Liu và chồng được phép nhìn thi thể của con trai trong nhà xác.
"Thi thể con trai tôi đầy thẹo, từ đầu tới chân…Khi tôi gửi con trai đến trại cai nghiện internet, thằng bé vẫn ổn. Tại sao con tôi lại tử vong chỉ trong 48 giờ?" - Bà Liu bức xúc.
Giám đốc trại cai nghiện internet nêu trên cùng với 4 người huấn luyện đã bị bắt giữ. Giới chức trách hiện đã yêu cầu đóng cửa trại cai nghiện trong lúc một cuộc điều tra đang được tiến hành.
Hình ảnh học viên cai nghiện internet được chữa trị bằng liệu pháp truyền điện gây chú ý. Ảnh: News.com
Vụ việc tiếp tục gây ra một làn sóng phẫn nộ đối với những trại cai nghiện internet "theo phong cách kỷ luật quân đội" ở Trung Quốc vốn nhiều lần bị chỉ trích là quá tàn bạo.
Dư luận hiện đang kêu gọi giới chức trách quản lý nghiêm các trại cai nghiện internet đang ngày càng phổ biến ở Trung Quốc bất chấp những biện pháp "chữa trị" gây tranh cãi như đánh đập, chích điện… Năm ngoái, một thiếu nữ Trung Quốc đã sát hại mẹ ruột vì đưa cô ta vào trại cai nghiện internet - nơi cô ta được cho là đã bị đánh đập.
Cũng có một số ý kiến chỉ trích bố mẹ nạn nhân. "Sau cùng, vụ việc xuất phát từ sự thiếu giáo dục của gia đình" - một người dùng mạng xã hội Weibo khẳng định.
Một bài viết đăng trên trang Mingguang Daily nhấn mạnh "một vài bậc phụ huynh khi phát hiện ra vấn đề không nhận trách nhiệm giáo dục. Thay vào đó, họ muốn tìm kiếm sự trợ giúp từ phía thứ 3 liên quan".