Trung Quốc tiêm vaccine Covid-19 cho 64% dân số vào cuối 2021, Ấn Độ mở phòng tiêm 24/7

Bích Thuận, PV, Theo VOV 15:48 04/03/2021
Chia sẻ

Nhằm tăng tốc tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 để sớm đạt miễn dịch cộng đồng, Trung Quốc đã đặt mục tiêu hoàn thành tiêm chủng cho khoảng 64% dân số nước này vào cuối năm nay. Còn Ấn Độ yêu cầu phòng tiêm mở cửa 24/7.

Thông tin trên vừa được đưa ra tại một hội nghị trực tuyến nhóm họp mới đây giữa các quan chức đến từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) trên cả nước Trung Quốc, nhằm chuẩn bị cho việc đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng đại trà vaccine Covid-19 ở nước này trong thời gian tới.

Theo đó, mục tiêu của Trung Quốc là đến cuối tháng 6 sẽ tiêm cho 560 triệu người, tương đương 40% dân số và 330 triệu người khác sẽ được tiêm vào cuối năm nay, chiếm 64% tổng dân số.

Việc tăng tốc tiêm chủng là nhằm bắt kịp các quốc gia dẫn đầu về tỷ lệ tiêm, thu hẹp "khoảng cách tiêm chủng", đồng thời ngăn chặn dịch bệnh tái bùng phát vào mùa Xuân và đảm bảo cho việc tổ chức hàng loạt các sự kiện quan trọng sắp diễn ra ở nước này, như Lễ kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng Cộng sản Trung Quốc vào tháng 7 hay các hội nghị quốc tế và các sự kiện thể thao lớn như Đại hội Thể thao Trẻ châu Á tổ chức tại Quảng Đông vào tháng 11/2021 và Thế Vận Hội mùa Đông diễn ra vào đầu năm 2022.

Hàng loạt địa phương ở nước này cũng đã đưa ra lộ trình và mục tiêu để đẩy nhanh tiêm chủng. Ví dụ như An Huy và Thượng Hải đã đặt mục tiêu tiêm chủng cho 40 đến 50% dân số vào cuối tháng 6. Thượng Hải dự kiến sẽ tiêm miễn phí cho tất cả những người từ 60 tuổi trở lên vào cuối tháng 9. Đầu tuần này, Bắc Kinh cũng đã cho phép người trên 60 tuổi có thể chất tốt và có nhu cầu được tiêm vaccine. Việc tiêm phòng cho trẻ vị thành niên dưới 18 tuổi sẽ được thực hiện khi có kết quả thử nghiệm đối với nhóm này.

Theo số liệu mới nhất, đến cuối tháng 2, có 52,5 triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiêm ở Trung Quốc. Hiện nước này có tỷ lệ tiêm là 3,5%, kém xa các nền kinh tế lớn khác trong việc hình thành miễn dịch cộng đồng.

Theo các chuyên gia Trung Quốc, nguyên nhân khiến tỷ lệ tiêm chủng hiện nay ở nước này chưa cao một phần là do thiếu nguồn cung và cơ sở tiêm chủng. Tuy nhiên, ông Trương Văn Hồng, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Trung Quốc lại cho rằng, ông không lo lắng về sản lượng vaccine, mà là khả năng tiêm chủng. Cũng theo ông, việc kiểm soát dịch bệnh tốt có thể là một lý do khác khiến tỷ lệ tiêm của Trung Quốc chưa cao.

Trong khi đó, đã có những đại biểu tham dự hai kỳ họp quan trọng của Trung Quốc (Chính hiệp và Nhân đại) đang chuẩn bị diễn ra tại Thủ đô Bắc Kinh đã đưa ra kiến nghị liên quan đến “hộ chiếu vaccine”, như dùng kết quả xét nghiệm và hộ chiếu vaccine thay cho việc cách ly bắt buộc 14 ngày đối với người nhập cảnh, nhằm tạo điều kiện đi lại giữa các nước, từng bước khôi phục ngành du lịch quốc tế và các hoạt động kinh tế thương mại xuyên quốc gia.

Trong khi đó, tại Nam Á, Bộ Y tế Ấn Độ đã thay đổi giới hạn về thời gian vận hành của các phòng tiêm chủng vaccine Covid-19 trên khắp lãnh thổ nước này. Thay vì chỉ mở cửa từ 9h sáng đến 17h chiều, các địa điểm tiêm Covid-19 tại Ấn Độ sẽ đón tiếp người dân tới tiêm 24 giờ trong ngày và cả 7 ngày trong tuần.

Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan cho biết thay đổi này nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine Covid-19 tại quốc gia Nam Á này. Tuy nhiên, quyết định kéo dài thời gian phục vụ sẽ tùy thuộc vào các phòng tiêm chủng trên cơ sở tham vấn tới Chính phủ. Phần mềm ứng dụng phục vụ công tác tiêm chủng CoWIN 2.0 của Ấn Độ cũng tạo điều kiện để các phòng tiêm chủng đón tiếp người dân tới tiêm được thuận lợi hơn, bất kể thời gian.

Chính phủ Ấn Độ bắt đầu triển khai giai đoạn 2 của chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 từ ngày 1/3. Nhóm đối tượng được ưu tiên tiêm trong giai đoạn này là người trên 60 tuổi và những người trên 45 tuổi có mắc bệnh lý nền.

Tổng số người đã được tiêm vaccine Covid-19 tại Ấn Độ tính tới ngày 3/3 là 16,3 triệu.

TIN CÙNG CHUYÊN MỤC
Xem theo ngày