Trung Quốc cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, số ca nhiễm mới tại Đông Nam Á tiếp tục tăng cao

Quỳnh Chi, Theo VTV 08:59 15/08/2021

Đến sáng 15/8, thế giới có trên 207,3 triệu người mắc COVID-19, trong đó hơn 4,36 triệu trường hợp đã tử vong vì đại dịch này.

Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch COVID-19 vẫn là Mỹ với gần 37,4 triệu ca mắc và hơn 637.300 trường hợp tử vong. Trong ngày qua, Mỹ ghi nhận thêm hơn 31.300 người nhiễm virus SARS-CoV-2.

Trung tâm Phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) của Mỹ đã phê chuẩn việc sử dụng liều tiêm vaccine ngừa COVID-19 thứ 3 cho những người bị suy giảm miễn dịch. Khuyến nghị của CDC dành cho những người người cấy ghép nội tạng hoặc tế bào gốc, người nhiễm HIV giai đoạn nặng hoặc chưa được điều trị, bệnh nhân ung thư đang điều trị tích cực và người đang dùng thuốc làm suy yếu hệ miễn dịch cơ thể. Những người suy giảm miễn dịch chỉ chiếm khoảng 3% dân số trưởng thành ở Mỹ, nhưng họ đặc biệt dễ bị tổn thương trước COVID-19 vì có nhiều nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng và kéo dài. Dữ liệu gần đây còn cho thấy, người có hệ miễn dịch yếu khi bị nhiễm virus SARS CoV-2 sẽ dễ lây sang cho những người xung quanh.

Thành phố New York, Mỹ đã ra quyết định yêu cầu công chức, viên chức trên toàn thành phố từ nay đến giữa tháng 9 tới phải hoàn thành tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. New York cũng trở thành thành phố đầu tiên của Mỹ yêu cầu người dân phải có chứng nhận tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 nếu muốn tham gia các hoạt động trong không gian chung trong nhà như phòng tập gym, nhà hàng, rạp chiếu phim, hay các hoạt động kinh doanh khác.

Tại tâm dịch COVID-19 lớn thứ hai thế giới Ấn Độ, vào ngày 14/8, nước này ghi nhận hơn 36.100 ca mắc mới COVID-19 và 491 trường hợp tử vong. Hiện tổng cộng gần 32,2 triệu người mắc COVID-19, bao gồm hơn 431.200 trường hợp thiệt mạng vì COVID-19 tại quốc gia Nam Á này.

Brazil hiện là điểm nóng dịch bệnh lớn thứ 3 thế giới với hơn 567.900 bệnh nhân COVID-19 không qua khỏi trong tổng số trên 20,3 triệu người nhiễm bệnh ở quốc gia này.

Dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp tại Nga khi nước này ngày 14/8 ghi nhận số ca tử vong trong một ngày cao nhất từ trước đến nay. Theo nhà chức trách Nga, trong 24 giờ qua, nước này có 819 người không qua khỏi, nâng tổng số ca tử vong lên 169.683 ca. Hiện tổng số ca bệnh tại Nga đã tăng lên hơn 6,57 triệu người sau khi có thêm 22.144 trường hợp nhiễm mới.

Số ca nhiễm mới theo ngày tại Nga hiện đã giảm so với thời kỳ đỉnh dịch vào tháng 7 vừa qua, thời điểm biến thể Delta đang lây lan mạnh ở nước này, trong khi tốc độ tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 lại diễn ra chậm chạp.

Nhà chức trách Canada nhấn mạnh, tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 là yêu cầu bắt buộc để được làm việc tại cơ quan liên bang hoặc làm việc cho Chính phủ Canada. Động thái này ghi dấu sự thay đổi quan điểm của Chính phủ liên bang Canada về yêu cầu tiêm vaccine. Hiện Canada chưa ấn định thời gian hiệu lực của yêu cầu này, tuy nhiên có thể triển khai vào đầu mùa thu này.

Trung Quốc cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, số ca nhiễm mới tại Đông Nam Á tiếp tục tăng cao - Ảnh 1.

Hiện Canada ghi nhận trên 1,44 triệu người mắc COVID-19 (Ảnh: AP)

Một đợt bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng hơn ở thành phố Sydney, thủ phủ bang New South Wales, đã thúc đẩy các vùng của Australia và bang lân cận thực hiện các biện pháp hạn chế đi lại chưa từng có.

Giới chức trách từng xác định có thể tiếp tục duy trì biện pháp phong tỏa thành phố Sydney cho đến tháng 10 năm nay, nhưng không áp đặt thêm các hạn chế trên toàn thành phố. Người dân vẫn được phép ra khỏi nhà để tập thể dục, mua sắm, chăm sóc sức khỏe và làm các công việc thiết yếu. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, chính sách này chưa đủ chặt chẽ. Hiện nay, về việc phong tỏa, xét nghiệm, hạn chế đi lại và triển khai tiêm vaccine chủ yếu do các chính quyền bang tại Australia quyết định.

Từ ngày 14/8, trẻ em từ 12 - 15 tuổi tại Ireland có thể bắt đầu tiêm chủng vaccine COVID-19. Các trẻ sẽ phải có sự đồng ý ít nhất của 1 phụ huynh hoặc người giám hộ trước khi được tiêm. Vaccine được sử dụng là vaccine của Pfizer và Moderna đã được Cơ quan dược phẩm châu Âu cấp phép sử dụng ở trẻ em. Nước láng giềng của Ireland là vương quốc Anh cũng có kế hoạch tiêm vaccine cho thanh thiếu niên 16 -1 7 tuổi trong những tuần tới.

Israel đã triển khai tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 cho người từ 50 tuổi trở lên, trong nỗ lực kiểm soát tình trạng số ca nhiễm tăng trở lại do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2. Israel là một trong những nước đầu tiên triển khai chiến dịch tiêm vaccine phòng COVID-19 trên toàn quốc từ tháng 12/2020. Nhờ đó, tỷ lệ lây nhiễm đã giảm mạnh, cho phép cuộc sống của 9 triệu dân nước này gần như trở lại trạng thái bình thường. Tuy nhiên, Israel ghi nhận số ca mắc mới cao chưa từng thấy kể từ tháng 2 năm nay do biến thể Delta có khả năng lây lan mạnh.

Iran sẽ áp đặt lệnh cấm du lịch và đi lại để ứng phó tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp. Tất cả các doanh nghiệp, văn phòng không thiết yếu sẽ phải đóng cửa từ ngày 16/8 - 21/8. Các loại xe cộ cũng bị cấm đi lại từ tới ngày 27/8, trừ các phương tiện chở hàng hóa thiết yếu và xe cứu thương. Nhà chức trách Iran chỉ cho phép tụ tập ngoài trời để tổ chức các lễ tang của người Hồi giáo Shiite đang diễn ra. Ngày 14/8, Iran ghi nhận gần 30.000 ca nhiễm COVID-19 mới và hơn 460 ca tử vong.

Thủ đô Jakarta của Indonesia đã mở cửa trở lại các trung tâm bán lẻ trong tuần này, nhưng chỉ tiếp đón khách mua sắm đã được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Khách đến mua sắm phải xác minh đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa COVID-19 thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Điều này đồng nghĩa, các trung tâm bán lẻ sẽ chỉ tiếp đón nhóm khách hàng đã được tiêm chủng.

Trong bối cảnh các biện pháp hạn chế vẫn còn được áp dụng ở phần lớn đất nước, các trung tâm thương mại ở Jakarta được phép hoạt động với 1/4 công suất nhằm duy trì hoạt động của nền kinh tế.

Theo Bộ Y tế Indonesia, đến nay có ít nhất 26,5 triệu người trên cả nước đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine và số người đã được tiêm mũi đầu tiên lên tới 53 triệu người. Indonesia là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề do sự lây lan của biến thể Delta. Với 28.598 ca mắc mới trong ngày 14/8, nước này ghi nhận tổng cộng trên 3,83 triệu người mắc và 116.366 trường hợp thiệt mạng.

Bộ Y tế Malaysia thông báo có thêm 20.670 ca mắc mới COVID-19 trong ngày 14/8, nâng tổng số trường hợp mắc trên toàn quốc lên hơn 1,38 triệu người. Số ca tử vong cũng tăng thêm 260 bệnh nhân, nâng số người không qua khỏi vì COVID-19 lên 12.228.

Bộ Y tế Philippines ngày 14/8 cho biết, nước này có thêm 14.249 ca nhiễm mới, số ca mắc mới theo ngày cao thứ 2 kể từ khi dịch bệnh bùng phát tại nước này hồi tháng 1/2020, nâng tổng số người bệnh trên cả nước lên trên 1,72 triệu trường hợp. Hiện tổng số ca tử vong vì COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á này cũng đã tăng lên 30.070 ca sau khi có thêm 233 người không qua khỏi trong ngày qua.

Trước đó, ngày 2/4, Philippines đã ghi nhận số ca nhiễm mới theo ngày ở mức cao nhất kể từ khi dịch bệnh bùng phát với 15.310 ca.

Ngày 14/8, Bộ Y tế Lào cho biết, trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận 226 ca mắc COVID-19 mới, trong đó ngoài 218 ca nhập cảnh được cách ly ngay, còn có 8 ca cộng đồng. Theo Bộ Y tế Lào, số ca nhiễm mới tại nước này tiếp tục tăng cao, chủ yếu là lao động nhập cảnh từ Thái Lan, trong khi một số chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng đã bắt đầu gia tăng số người mắc mới. Savannakhet vẫn là tỉnh dẫn đầu cả nước về số ca nhiễm khi ghi nhận hàng nghìn bệnh nhân kể từ tháng 7, trong đó hầu hết là người lao động trở về từ Thái Lan.

Trung Quốc cơ bản kiểm soát được dịch bệnh, số ca nhiễm mới tại Đông Nam Á tiếp tục tăng cao - Ảnh 2.

Biến thể Delta đã xuất hiện tại 22/25 tỉnh thành của Campuchia (Ảnh: AP)

Trước tình hình trên, Chính phủ Lào yêu cầu, các tỉnh có nhiều ca nhiễm bàn bạc và xây dựng cơ chế hỗ trợ lẫn nhau giải quyết tình trạng đông người cách ly và số bệnh nhân gia tăng trong thời gian tới, đồng thời mở rộng cơ sở cách ly và bệnh viện để đảm bảo tiếp nhận lượng lao động trở về từ nước ngoài. Đến nay, tổng số ca nhiễm tại Lào đã lên tới 9.894 ca, trong đó có 9 người tử vong.

Bộ Y tế Campuchia thông báo phát hiện thêm 65 ca nhiễm biến thể Delta mới. Điều đáng lo ngại, 44 trường hợp trong số đó là lây nhiễm trong cộng đồng. Số còn lại đa phần là người lao động hồi hương từ Thái Lan qua cửa khẩu biên giới đường bộ. Hiện có ít nhất 6 điểm xét nghiệm nhanh COVID-19 được thiết lập ở biên giới Campuchia. Các mẫu dương tính khi xét nghiệm nhanh sẽ được xét nghiệm thêm PCR để tách riêng các ca nhiễm biến thể Delta, tránh lây nhiễm trong khu điều trị.

Hiện biến thể Delta đã xuất hiện tại 22 trong tổng số 25 tỉnh thành của Campuchia. Bộ Y tế nước này kêu gọi người dân cảnh giác và thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng chống dịch để ngăn chặn sự lây lan của biến thể này.

Bộ Y tế Campuchia cho biết nước này ghi nhận thêm 598 ca mắc COVID-19 trong 24 giờ qua, trong đó có 187 ca nhập cảnh, cao hơn ngày hôm trước và dự kiến con số này còn tăng mạnh trong những ngày tới. Tính đến ngày 14/8, Campuchia phát hiện tổng cộng 84.860 ca mắc, trong đó 79.654 người đã khỏi bệnh và 1.666 người tử vong.

Thái Lan có thể sẽ gia hạn lệnh phong tỏa đang áp dụng tại 29 tỉnh, thành phố, bao gồm cả thủ đô Bangkok, nhằm ngăn chặn số ca nhiễm mới tại nước này có thể lên tới 70.000 ca mỗi ngày.

Trong 24 giờ qua, nước này có thêm 22.086 ca nhiễm mới và 217 trường hợp tử vong. Bộ Y tế Thái Lan ước tính, nếu các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt không được tiếp tục thực hiện cùng với mở rộng tiêm chủng, vào cuối tháng 8 đến đầu tháng 9, số ca mắc mới có thể vào khoảng 60.000 đến 70.000 ca và số ca tử vong có thể lên tới 800 người mỗi ngày.

Lãnh đạo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Trung Quốc nhấn mạnh, nước này đã cơ bản kiểm soát đợt dịch bùng phát từ ngày 20/7 đến nay. Trung Quốc cũng đã tiêm gần 1 tỷ 832 triệu liều vaccine, chủ yếu là của Sinopharm và Sinovac. Trong đó, có 777 triệu người đã tiêm đủ 2 mũi, chiếm hơn 55% dân số.

36/48 thành phố 5 ngày không báo cáo ca nhiễm mới. Tại tâm dịch thành phố Nam Kinh, tình hình đã được kiểm soát. Các ổ dịch đã được khoanh vùng chủ yếu ở Giang Tô, Hồ Nam, Hồ Bắc và Hà Nam. Nước này đã cơ bản kiểm soát được đợt dịch bệnh lan rộng nhất sau đợt dịch Vũ Hán với 1.280 ca nhiễm, không có ca tử vong. Nguy cơ bùng phát trên diện rộng là khó xảy ra. Trung Quốc hiện còn 156 khu vực nguy cơ trung bình và cao.

Lãnh đạo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc nhấn mạnh, do biến chủng lây lan tốc độ nhanh, dịch bệnh trên diện khá rộng nên lần này Trung Quốc triển khai các biện pháp nhanh, mạnh hơn những lần gần đây để dập dịch khi các ca bệnh chưa nhiều. Dù vậy, nước này tiếp tục triển khai các biện pháp mạnh để phòng dịch ở sân bay, bến tàu, bến cảng, rạp hát, trung tâm vui chơi. Người dân vẫn tiếp tục được khuyến cáo đeo khẩu trang nơi công cộng.

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc (NHC) cho biết, 777 triệu công dân nước này đã được tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa COVID-19, tương đương hơn một nửa dân số. Đây là lần đầu tiên chính quyền Trung Quốc công bố thông tin về số người được tiêm đủ liều vaccine ngừa COVID-19.