Lục địa mà bạn đang đứng chỉ là một trong nhiều mảng kiến tạo ghép lại thành lớp vỏ ngoài Trái Đất. Một năm, những mảng này dịch chuyển vài centimet. Theo khảo sát địa chất, cứ "ít lâu", những mảng địa chất này sẽ ghép lại thành một Đại Lục địa lớn, tồn tại khoảng vài trăm triệu năm trước khi tách ra thành các vùng khác nhau.
Các mảng tách ra, tạo thành các lục địa mới và sau khoảng 400 tới 600 triệu năm nữa, chúng lại hợp lại thành một Đại Lục địa mới.
Đại Lục địa gần nhất với thời của chúng ta là Pangea, hình thành vào khoảng 310 triệu năm trước, và tách ra thành các lục địa hiện tại vào khoảng 180 triệu năm trước. Dự đoán theo các dấu hiện có được, các nhà khoa học cho rằng khoảng 200 cho tới 250 triệu năm nữa, một Đại Lục địa nữa sẽ hình thành.
Câu hỏi ai cũng thắc mắc là: cách thức Đại Lục địa tiếp theo sẽ ghép lại là gì, và tại sao lại thế?
Các nhà nghiên cứu cho rằng sẽ có thể bốn kiểu hình thành Đại Lục địa lớn, với tên gọi là: Novopangea, Pangea Ultima, Aurica và Amasia.
Cách thức mỗi Đại Lục địa hình thành sẽ phụ thuộc vào cách Pangea tách ra xưa kia, và cách thức chuyển động của các lục địa hiện tại. Mỗi cơn động đất lớn, mỗi hiện tượng địa lý lớn sẽ đều có ảnh hưởng tới cách thức di chuyển và vị trí các mảng địa chất hiện tại.
Việc Pangea tách ra đã khiến Đại Tây Dương hình thành, và càng ngày nó vẫn càng rộng ra. Lẽ tự nhiên: Thái Bình Dương cũng ngày một hẹp lại. Trên Thái Bình Dương, có "vòng tròn lửa" thụt xuống mức thấp hơn mảng địa chất, vào đến cả phần trong của vỏ Trái Đất. Ngược lại, Đại Tây Dương có khu vực kiến tạo và bồi đắp nên các mảng đại dương mới, chỉ có hai vùng thụt tại khu vực Caribbean và khu vực giữa Mỹ và Bắc Cực.
Dưới đây là 4 Đại Lục địa có thể hình thành trong tương lai.
1. Novopangea
Nếu ta giả định rằng các mảng kiến tạo vẫn giữ nguyên hiện trạng, Đại Tây Dương sẽ tiếp tục mở rộng còn Thái Bình Dương sẽ thu hẹp lại, Đại Lục địa Novopangea sẽ ở phía đối diện với Pangea.
Châu Mỹ tiếp tục trôi về phía Nam Cực, rồi hợp lại với khu vực Châu Phi - lục địa Á Âu đã ghép lại từ trước.
2. Pangea Ultima
Nếu việc mở rộng Đại Tây Dương bị chậm lại, thậm chí bị thu hẹp lại, hai vùng sụt tại Đại Tây Dương có khả năng sẽ lan ra toàn vùng Bờ Đông Châu Mỹ. Một Đại Lục địa mới sẽ hình thành, có tên Pangea Ultima.
Thái Bình Dương sẽ bao bọc lấy toàn bộ Đại Lục địa mới.
3. Aurica
Nếu Đại Tây Dương sản sinh ra thêm vùng sụt lún mới (đã đang xảy ra ở thời điểm hiện tại), cả Thái Bình Dương và Đại Tây Dương sẽ hợp nhất. Đường nứt Pan-Asia đang cắt ngang Châu Á, từ miền Tây Ấn Độ cho tới Bắc Cực sẽ chia ra, tạo thành đại dương mới. Kết quả cuối cùng: Đại Lục địa Aurica sẽ hình thành.
Châu Đại Dương sẽ nằm tại trung tâm của Đại Lục địa mới, Đông Á và Châu Mỹ sẽ chặn ở hai đầu. Mảng địa chất Châu Âu và Châu Phi sẽ nhập với Châu Mỹ, khi mà Đại Tây Dương biến mất.
4. Amasia
Tình huống thứ tư sẽ khác biệt nhất. Nhiều mảng kiến tạo đều có xu hướng trôi về phía Bắc, kể cả Châu Phi và Châu Đại Dương. Các nhà khoa học tin rằng xu hướng này là do dư chấn của Đại Lục địa Pangea để lại ở sâu trong lòng Trái Đất.
Rất có thể các lục địa sẽ trôi hết lên phương Bắc, chỉ trừ Nam Cực. Amasia sẽ hình thành, và cả Thái Bình Dương và Đại Tây Dương sẽ đều còn gần như nguyên vẹn.
Novopangea sẽ có tỉ lệ hình thành cao nhất, sẽ là hướng di chuyển logic nhất trong tình hình hiện tại. Ba Đại Lục địa còn lại chỉ hình thành khi có thêm các yếu tố khác gây ảnh hưởng tới hoạt động địa chất.
Việc nghiên cứu về địa chất Trái Đất sẽ buộc ta phải đẩy xa giới hạn hiểu biết của nhân loại. Khí hậu trên Đại Lục địa mới sẽ ra sao? Dòng biển sẽ ảnh hưởng thế nào tới môi trường? Sự sống sẽ tiến hóa và thích nghi như thế nào? Khi trí tưởng tượng của chúng ta tiến xa, tầm hiểu biết cũng phải đi theo để trả lời những câu hỏi mới xuất hiện.
Tham khảo The Conversation