Trọn bộ cẩm nang đón "Tết thả đèn" ở Chiangmai (Thái Lan), đảm bảo vừa vui mà lại có cả tá hình xinh xắn

Thành Nhân, Theo Helino 14:27 11/09/2019

Tháng 11 đi du lịch Thái Lan mà được tham gia lễ hội thả đèn trời nổi tiếng thì còn gì tuyệt vời bằng! Tham khảo nhẹ kinh nghiệm từ travel blogger này để tự tin ùa vào cuộc vui trên đất Thái bạn nhé!

Thái Lan từ lâu đã trở thành điểm đến du lịch lý tưởng đối với các tín đồ cuồng xê dịch Việt Nam. Dù đến xứ sở chùa vàng lần đầu hay lần thứ n thì chúng ta chẳng bao giờ thiếu những trải nghiệm mới mẻ. Ví dụ như nếu ghé thăm Thái Lan vào khoảng tháng 11 sắp tới, bạn sẽ có cơ hội tham gia Loy Krathong – một lễ hội thả đèn trời truyền thống rất được khách nước ngoài yêu thích.

Mới đây, nữ travel blogger xinh đẹp Gia Ngọc Huệ (@hueandsuntravel) đã có bài viết chia sẻ tất tần tật kinh nghiệm check-in Loy Krathong chuẩn xịn như người bản địa. Cùng theo chân cô nàng xem người ta đón Tết Trung Thu như thế nào nhé!

Trọn bộ cẩm nang đón Tết thả đèn ở Chiangmai (Thái Lan), đảm bảo vừa vui mà lại có cả tá hình xinh xắn  - Ảnh 1.

Loy Krathong là tên một lễ hội thả đèn trời truyền thống rất nổi tiếng của Thái Lan bên cạnh lễ hội té nước Songkran.

Phân biệt Loy Krathong và Yi Peng

Sau Tết truyền thống té nước Songkran, lễ hội Loy Krathong chính là dịp đặc biệt thứ hai trong năm của người dân xứ sở chùa vàng. 

Một điểm quan trọng mọi người cần lưu ý là Loy Krathong và Yi Peng thực ra là hai lễ hội khác nhau, diễn ra trong cùng 1 thời điểm. Chính Gia Huệ cũng lầm khi chưa tìm hiểu kỹ. Do 2 lễ hội này được tổ chức chung (năm nay sẽ diễn ra trong 3 ngày là 11, 12 và 13/11) nên nhiều người hay gọi chung là lễ Loy Krathong.

Thực tế, Loy Krathong là lễ hội thả hoa đăng trên sông, còn Yi Peng mới chính là lễ hội thả đèn trời nổi tiếng mà mình hay thấy hình check-in siêu đẹp trên mạng xã hội.

Loy Krathong là lễ hội thả hoa đăng trên sông, còn Yi Peng là lễ hội thả đèn trời. Vì diễn ra vào cùng một dịp nên người ta thường gọi chung 2 lễ hội này là Loy Krathong.

Thời gian lý tưởng ghé thăm lễ hội Loy Krathong và Yi Peng

Mùa lễ hội Loy Krathong và Yi Peng theo lịch thường có ngày tổ chức trùng nhau. Năm nay sẽ diễn ra vào ngày 11 - 13/11/2019. Tốt nhất các bạn nên đến sớm trước một ngày để cảm nhận không khí nhộn nhịp của lễ hội nhiều hơn.

Trọn bộ cẩm nang đón Tết thả đèn ở Chiangmai (Thái Lan), đảm bảo vừa vui mà lại có cả tá hình xinh xắn  - Ảnh 3.

Mọi người nên đến sớm trước 1 ngày để cảm nhận hết không khí nhộn nhịp, tất bật của lễ hội.

Địa điểm diễn ra lễ hội

Địa điểm công cộng

Những chỗ này miễn phí nhưng lại cực kỳ đông đúc. Có rất nhiều điểm thả đèn trời và thả hoa đăng trên sông rải rác khắp Chiang Mai. Tuy nhiên điểm tập kết miễn phí nổi tiếng nhất chính là cầu Nawarat bên bờ sông Ping. Ngoài ra, các bạn có thể tham dự trong sân các ngôi chùa lớn khu trung tâm, tại đây các nhà sư có làm lễ và mọi người thả đèn cũng khá đẹp.

Nên đi ít nhất 2 đêm lễ hội, 1 đêm đi sớm ra bờ sông để thả đèn hoa đăng, 1 đêm thả đèn trời. Vì khu công cộng rất đông nên không thể trải nghiệm cả hai chỉ trong một đêm. Đặc biệt, nên mua đèn cỡ vừa, không quá lớn thì chụp ảnh sẽ đẹp hơn.

Nếu đến trễ, mọi người không nên cố chen vào bên trong đám đông đang thả đèn ở phía cầu. Hãy đứng ở khu vực ngoài để đoàn người đang thả đèn phía trong làm background cho bức hình của bạn. Chen vào giữa không gian sẽ rất chật và khó chụp hình.

Trọn bộ cẩm nang đón Tết thả đèn ở Chiangmai (Thái Lan), đảm bảo vừa vui mà lại có cả tá hình xinh xắn  - Ảnh 4.

Vì là địa điểm công cộng nên khó tránh khỏi cảnh dòng người chen chúc nhau rất đông.

Địa điểm riêng

Những nơi này có thu phí vào cửa với giá vé khá "chát" (khoảng 3 triệu/người). Đây chính là kinh nghiệm "xương máu" nhất của Gia Huệ. Do một phần cũng muốn tiết kiệm mà vé lại quá đắt nên hai đứa chỉ đi những chỗ thả đèn công cộng thôi, vất vả hơn cả trăm lần mới canh được khoảng khắc đẹp. Thực sự, nếu các bạn muốn trải nghiệm tốt nhất và có những bức hình đẹp thì nên mua vé tham gia các sự kiện riêng chỉ tổ chức cho vài nghìn người tại vài điểm ngoại ô thành phố Chiang Mai.

Vì là sự kiện được tổ chức quy mô và giới hạn, các bạn sẽ được: Đưa đón bằng xe từ khách sạn đến nơi tổ chức, có kèm ăn tối và chương trình nghệ thuật, đồng loạt thả đèn trời và pháo hoa nên không cần canh hay chen chúc mà lung linh hơn rất nhiều so với thả đèn tại nơi công cộng. Vé tham dự các sự kiện này rất hot và thường hết cực nhanh nên cả nhà nhớ mua sớm nhé! 

Trọn bộ cẩm nang đón Tết thả đèn ở Chiangmai (Thái Lan), đảm bảo vừa vui mà lại có cả tá hình xinh xắn  - Ảnh 5.

Theo travel blogger Gia Ngọc Huệ, nếu ai có điều kiện thì nên trải nghiệm lễ hội tại địa điểm riêng.

Nên tham gia lễ hội mấy đêm?

Cô nàng Gia Huệ đi cả 3 ngày lễ liên tiếp vào năm ngoái, vì mỗi ngày đều đẹp và đi 3 điểm khác nhau cho có những shot hình đẹp nhất. Tuy nhiên năm nay, nếu các bạn không có thời gian thì đi ngày 13/11/2019 cũng được, đó là Ngày Chính Hội và cũng sẽ là ngày đông nhất.

Theo quan niệm nhà Phật, nếu chiếc khom loy (đèn trời) của bạn bay cao mất tiêu thì bạn sẽ có may mắn và lời nguyện cầu được ứng nghiệm. Ngược lại, đèn lồng mà bị cháy giữa chừng, mắc vô cây hay rớt xuống sông thì xác định… đốt lại cái khác nha, không may mắn đâu!

Trọn bộ cẩm nang đón Tết thả đèn ở Chiangmai (Thái Lan), đảm bảo vừa vui mà lại có cả tá hình xinh xắn  - Ảnh 6.

Đừng quên gửi gắm những mong ước, lời cầu nguyện của bản thân vào chiếc đèn trời bạn nhé!

Một số lưu ý khác khi tham gia lễ hội

- Chính quyền Thái Lan đã quy định rất rõ về thời gian lễ hội cũng như địa điểm, vì vậy các bạn nên thả đúng nơi quy định và đúng thời gian.

- Thả đèn trong khu dân cư rất nguy hiểm, vì đèn có thể bị mắc lại mái nhà, đường dây điện,… gây hoả hoạn như chơi đó!

Trọn bộ cẩm nang đón Tết thả đèn ở Chiangmai (Thái Lan), đảm bảo vừa vui mà lại có cả tá hình xinh xắn  - Ảnh 7.

Note lại hết loạt kinh nghiệm phía trên thì giờ tha hồ "đi đu đưa" tại lễ hội thả đèn Loy Krathong nổi tiếng rồi!