Vào ngày 11/3/2021, người dân Nhật Bản nói riêng và thế giới nói chung đều tưởng nhớ đến những nạn nhân đã thiệt mạng trong thảm họa kép động đất và sóng thần. Dù 10 năm đã trôi đi nhưng những ám ảnh kinh hoàng của thảm kịch đau thương ấy vẫn hiển hiện rõ trong tâm trí của nhiều người.
Thứ 6 ngày 11/3/2011 là dấu mốc không thể nào quên trong tâm trí của người dân Nhật Bản. Cách đây 10 năm trước, thảm họa kép động đất và sóng thần đã làm rung chuyển đất nước này khiến hơn 27.000 người thiệt mạng, 6.152 người bị thương, 2.572 người mất tích tại 18 tỉnh và hơn 125.000 công trình nhà ở bị hư hại hoặc phá hủy hoàn toàn.
Thảm họa kép đã xóa sổ nhiều ngôi làng, thị trấn và khiến nhiều người phải rời bỏ quê hương để đến nơi ở mới, mang theo nỗi đau mất người thân vĩnh viễn. Những hình ảnh và đoạn video ghi lại thảm họa tang thương ấy sẽ mãi là những minh chứng không thể nào quên.
Cơn sóng thần dữ dội đã ập đến cuốn phăng đi tất cả
Nhật Bản bỗng chốc trở thành vùng đất chết sau thảm họa kép
Những con sóng dữ tợn ập đến bất ngờ cuốn phăng tất cả mọi thứ. Nhà cửa, xe cộ, tàu bè đều ngập trong biển nước. Sau thảm họa, đất nước Nhật Bản oằn mình chống chọi với khung cảnh hoang tàn đổ nát, những tiếng khóc thương ai oán cùng hàng trăm mối lo rối như tơ vò. Những bức hình lịch sử được các hãng truyền thông chia sẻ giúp chúng ta cảm nhận một phần nào nỗi đau đớn mà người dân Nhật Bản đã phải gánh chịu.
Chẳng có nỗi đau nào ám ảnh hơn việc đột ngột mất đi người thân yêu, bất lực nhìn họ rời xa mình mãi mãi. Chẳng có nỗi thống khổ nào bằng việc bỗng chốc mất đi tất cả mọi thứ, trở thành kẻ trắng tay. Người dân Nhật Bản đã cùng lúc mất đi người thân và không còn nhà cửa để ở, tất cả tài sản họ cả đời gây dựng nên cũng hóa thành đống đổ nát.
Tiếng khóc ai oan, không khí tang thương bao trùm lên Nhật Bản năm 2011
Động đất và sóng thần còn dẫn tới một thảm họa khác: Sự cố rò rỉ phóng xạ tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, khiến môi trường ở một khu vực rộng lớn quanh đó bị ảnh hưởng nặng nề. Hậu quả, nhiều người dân phải rời bỏ quê hương, chuyển hẳn đến các tỉnh, thành phố khác sinh sống.
Cả thế giới như chết lặng khi nhìn thấy Nhật Bản đang căng tràn sức sống bỗng trở thành vùng đất chết chóc. Từng con đường, từng góc phố, từng ngôi nhà đã bị san phẳng hoàn toàn. Người dân vào thời điểm ấy chỉ còn biết ôm nhau mà khóc!
10 năm đã trôi qua nhưng nỗi đau vẫn chưa hề nguôi ngoai trong lòng nhiều người dân Nhật Bản. Trong suốt 10 năm ấy, những người may mắn còn sống sót vẫn đang tìm kiếm, khắc khoải chờ đợi một phép nhiệm màu nào đó có thể xảy ra.
Vào ngày 11/3 năm nay, chắc chắn đối với nhiều người sẽ là một dấu mốc họ không bao giờ quên trong cuộc đời. Đó là ngày họ sẽ lặng lẽ ngồi cầu nguyện hay viếng thăm mộ của những người thân. Nhưng đối với nhiều người khác, họ vẫn đang mắc kẹt trong nỗi đau của quá khứ và chưa thể nào quên đi được.
Đó là một người cha sống một mình trong căn nhà cuối phố, với con đường dài rợp bóng cây anh đào. Người đàn ông quanh quẩn cô đơn với những cuốn sách. Nỗi đau đớn mất đi đứa con nhỏ khi đứa trẻ ở trong phòng đúng lúc cơn sóng thần ầm ầm ập tới. Trái tim của người cha ấy chưa thôi rỉ máu mỗi khi nhớ đến con mình.
Một người mẹ vẫn bị ám ảnh bởi những tiếng khóc của trẻ con bị mắc kẹt, kêu cứu trong bóng tối. Ngay cả bây giờ, người mẹ ấy vẫn luôn mang bên mình tờ lịch trình di chuyển của chuyến xe buýt mẫu giáo của cô con gái 6 tuổi để luôn an ủi bản thân rằng đứa trẻ vẫn còn sống, chỉ là ở một nơi khác xa hơn mà thôi.
Một người đàn ông cầu nguyện cho những người đã khuất tại một bãi biển ở Iwaki, tỉnh Fukushima
Ông Yoshihito Sasaki, người đã mất vợ và con trai sau thảm họa cho biết: "Tôi từng nghĩ thời gian có thể giải quyết được mọi chuyện nhưng giờ đây tôi mới biết là không thể. Có một số ký ức quan trọng luôn ở trong tâm trí của bạn. Sau 10 năm, nó vẫn in hằn trong trái tim tôi".
Cô Mika Sato vẫn chưa thể nào nguôi ngoai nỗi đau mất đi con gái bé bỏng sau khi cơn sóng thần ập vào thị trấn của cô. Nhiều người nơi đây vẫn ám ảnh về tiếng trẻ con kêu cứu cách đây 10 năm.
Một người vợ không bao giờ từ bỏ hy vọng rằng người chồng sẽ quay trở lại. Trong những dòng chữ viết nguệch ngoạc ở mặt sau của những tờ lịch, người vợ ấy vẫn lặng lẽ gửi dòng thư nhắn nhủ đến chồng, trong đó đôi lần cô trách chồng sao anh đi lâu thế, mãi chẳng chịu về. Đôi khi là tự mình đóng vai người chồng, viết nên những câu hồi đáp ngắn ngủi, khuyến khích động viên cô hãy tiếp tục sống mà không có anh ấy.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều người đang cố gắng từng ngày chữa lành vết thương ở trong tim. Họ tin rằng, thời gian sẽ giúp họ vơi đi nỗi đau và để những người thân yêu ở bên kia thế giới được an lòng. Tại thị trấn Otsuchi, thuộc tỉnh Iwate, Đông Bắc Nhật Bản, trên một ngọn đồi, một bốt điện thoại màu trắng đứng lặng lẽ ở đó và hàng ngày vẫn có nhiều người đến đây để gửi gắm những tâm tư tình cảm của mình. Bốt điện thoại ấy tên là "Wind Phone".
Theo ông Sasaki, người đã dựng lên bốt điện thoại trên đồi cao chỉ một năm sau khi thảm họa sóng thần và động đất xảy ra, cho biết: "Tai họa ập tới một cách bất ngờ, tất cả những người ra đi có lẽ cũng không kịp nói điều gì với những người ở lại. Và rất có thể giống trường hợp của tôi, các gia đình nạn nhân vẫn còn những lời cuối chưa kịp nói với người thân yêu. Chính vì thế mà nỗi đau và sự mất mát đối với những người ở lại càng khó để chấp nhận".
Bốt điện thoại của gió được ông Itaru Sasaki xây dựng giúp những người ở lại có thể gửi gắm nỗi niềm đến người thân đã khuất
Gần 1 thập kỷ qua, bốt điện thoại này là nơi giúp hàng nghìn người có thể gửi gắm những tâm tình của họ đến người đã khuất khiến họ cảm thấy yên lòng hơn, nỗi đau cũng được xoa dịu hơn
Bà Sachiko Okawa (76 tuổi), người mất chồng trong trận động đất và sóng thần năm 2011, chụp ảnh cùng hai cháu trai Reo và Daina bên cạnh "Bốt điện thoại của gió"
Đó là lý do mà ông Sasaki khuyến khích những người dân trong thị trấn tới để "gọi điện" cho những người thân yêu đã sang thế giới bên kia, đến để chia sẻ với người đã ra đi những cảm xúc, những suy nghĩ đang chất chứa trong lòng. Bên trong bốt, có một chiếc điện thoại quay số cổ màu đen chẳng kết nối đến đâu và một cuốn sổ ghi những lời nhắn nhủ. Tất cả đều đã nằm ở đó suốt bao năm qua, chứng kiến biết bao cuộc trò chuyện của những người còn sống và người đã khuất.
9 năm kể từ khi xuất hiện, "Bốt điện thoại của gió" trở thành điểm đến của hơn 10.000 người, từ dân địa phương tới khách du lịch. Thông qua những dòng tâm sự này, ông Sasaki nhận ra rằng, thời gian đang dần chữa lành những vết thương. Hoặc nó cũng là một nơi vỗ về, an ủi những người ở lại để tiếp tục sống tốt hơn.
Đứng bên trong bốt điện thoại, ông Kazuyoshi Sasaki (67 tuổi) đã cẩn thận quay từng con số để gọi cho người vợ quá cố Miwako. Cách đây 10 năm, ông đã điên cuồng và ròng rã đi tìm kiếm tung tích người vợ yêu quý của mình trong nhiều ngày liền sau khi thảm họa ập đến. Ban ngày, ông đi khắp nơi, đến các trung tâm sơ tán để hỏi tung tích vợ, ban đêm thì ông lặng lẽ cô đơn quay trở về căn nhà của họ chỉ còn là đống đổ nát.
"Tất cả chỉ xảy ra trong tích tắc, đến bây giờ tôi không thể nào quên được. Tôi đã gửi cho vợ mình tin nhắn hỏi xem bà ấy đang ở đâu nhưng mãi mãi không có lời hồi đáp", người đàn ông bật khóc đau đớn nói.
Không chỉ mất đi người vợ yêu quý, ông Kazuyoshi Sasaki còn mất đi nhiều người thân và bạn bè sau thảm họa. Dù người bạn đời đã ra đi mãi mãi nhưng với ông Kazuyoshi Sasaki, được gặp và yêu bà Miwako là niềm may mắn nhất trong cuộc đời của mình. Cặp đôi quen nhau 10 năm mới bắt đầu hẹn hò và kết hôn, họ đã có với nhau 4 người con. Trong cuộc gọi với người vợ quá cố, ông Kazuyoshi Sasaki tâm sự với vợ rằng ông và cậu con trai út đang xây dựng một ngôi nhà mới để ông có thể sống cùng với con cháu.
"Tôi sẽ chăm sóc bản thân thật tốt. Bà đừng lo lắng cho tôi. Tôi rất hạnh phúc vì chúng ta đã được gặp nhau. Cảm ơn bà đã đến bên tôi! Hãy chờ tôi, chúng ta sẽ sớm gặp nhau ở nơi ấy", ông Sasaki nhắn nhủ vợ trước khi cúp máy.
Ông Kazuyoshi Sasaki không kìm được nước mắt khi gọi điện cho người vợ quá cố. Rời xa bốt điện thoại sau khi nhắn gửi hết những tâm tư tình cảm của mình, ông Kazuyoshi Sasaki hy vọng rằng ở bên kia thế giới, vợ ông có thể an lòng
Bà Sachiko Okawa (76 tuổi), mất chồng trong thảm họa năm 2011, đã lặng lẽ một mình gọi điện cho bạn đời đã khuất. Bà nói rằng bản thân có thể cảm nhận được giọng nói của chồng ở đầu dây bên kia. "Điều đó khiến tôi cảm thấy ổn hơn rất nhiều", người phụ nữ cho hay
Một người dân đến thăm bốt điện thoại và để lại lời nhắn: "Hẹn gặp lại bạn vào một ngày không xa. Chờ đến lúc đó chúng ta sẽ cùng nhau ôn lại những kỷ niệm tươi đẹp. Mọi người hiện tại cũng đã ổn hơn nhiều rồi"
Dù nỗi đau vẫn hiện hữu nhưng những người dân sống sót sau thảm họa đều biết rằng họ cần phải tiếp tục sống, sống cả phần của người đã khuất. Người dân Nhật Bản từ trước đến nay đều khiến thế giới thán phục bởi tinh thần chiến đấu, ý chí quật cường và mạnh mẽ của họ. Dù phải hứng nhiều nhiều thiệt hại và nỗi đau do thảm họa thiên nhiên gây ra nhưng chưa bao giờ họ trở nên yếu đuối, sự hồi sinh trong họ luôn luôn mãnh liệt.
Kế hoạch tái thiết lại cơ sở vật chất, hồi phục kinh tế tại đã được triển khai mạnh mẽ suốt 10 năm qua, đem đến hơi thở mới, sức sống mới sau những chuỗi ngày ám ảnh và đen tối ở Nhật Bản. Thị trấn Minamisanriku nổi tiếng với những làng chài chạy dọc bờ biển phía Bắc của Nhật Bản giờ đây đã trở thành biểu tượng cho sự quyết tâm hồi sinh mạnh mẽ.
Cách đây 10 năm, toàn bộ thị trấn Minamisanriku đã bị nước biển nhấn chìm và cuốn đi tất thảy mọi thứ khiến hơn 200.000 người bị mất nhà cửa và khiến 820 người dân thiệt mạng. Ngay sau đó, người dân nơi đây phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực và nước sạch, ảnh hưởng đến cuộc sống của 10.000 người. Điều kiện vệ sinh không được đảm bảo đã dẫn đến dịch bệnh bùng phát cùng tình trạng phóng xạ rò rỉ ở nhà máy hạt nhân Fukushima. Nhưng tất cả chẳng thể nào đánh gục tinh thần đoàn kết và ý chí sắt đá của họ đã được tôi luyện trong suốt chiều dài lịch sử.
Thị trấn ven biển yên bình Minamisanriku bỗng chốc trở thành đống đổ nát sau thảm họa
10 năm sau, Minamisanriku hồi sinh mãnh liệt hơn bao giờ hết
Càng trong khó khăn hoạn nạn, người dân càng gắn bó với nhau hơn. Chợ hải sản Minamisanriku đã nhanh chóng được mở lại và ngày càng sầm uất. Trong thời gian đầu khắc phục hậu quả, các ngư dân chia thành từng nhóm nhỏ, chia sẻ tàu thuyền, trang thiết bị và sản lượng đánh bắt để cùng nhau vượt qua cơn hoạn nạn. Người dân Minamisanriku nổi tiếng là những người "trầm lặng, tốt bụng và điềm đạm". Họ chẳng bao giờ để lộ nỗi buồn ra bên ngoài.
Sau 10 năm, thị trấn ven biển nhỏ bé giờ đây đã sầm uất và nhộn nhịp hơn. Làng mua sắm Sun Sun đã trở thành biểu tượng cho sự hồi sinh nơi đây. Đây là một trung tâm quảng bá sản phẩm và cũng như văn hóa ẩm thực, địa điểm không thể nào bỏ qua của du khách khi tới đây. Làng mua sắm này được thiết bởi bởi kiến trúc sư nổi tiếng thế giới Kengo Kuma (nhà thiết kế sân vận động Olympic Tokyo 2020.
Làng mua sắm nổi tiếng của Minamisanriku thu hút rất nhiều du khách
Một phần của lịch sử được giữ nguyên vẹn tại Công viên Tưởng niệm Minamisanriku
Công viên Tưởng niệm Minamisanriku cũng đã chính thức mở cửa vào tháng 10/2020. Nơi đây vẫn còn lưu giữ dấu tích của thảm họa cách đây 10 năm để người dân không quên đi dấu mốc lịch sử đau thương ấy. Hiện tại, hầu hết người dân nơi đây đều đã được ở trong những ngôi nhà mới khang trang hơn. Minamisanriku giờ đây là một cảng cá sầm uất và là một địa điểm thu hút khách du lịch đạt hơn 1,2 triệu du khách vào năm 2019 so với 880.000 du khách vào năm 2010.
Người dân địa phương cũng nhận được những khoản viện trợ khác từ nhiều nơi trên thế giới. "Những sự giúp đỡ của các bạn cho thấy chúng tôi không hề đơn độc. Các bạn đã khiến chúng tôi trở nên can đảm hơn", một người dân chia sẻ.
Người dân Nhật Bản cũng rút ra được nhiều bài học trong quá khứ để hiện tại họ có thể xây dựng các biện pháp bảo vệ người dân tốt hơn trước các thảm họa thiên nhiên. Một "bức tường" kiên cố ở ven biển đang được xây dựng ở Minamisanriku để bảo vệ người dân khỏi những đợt sóng thần trong tương lai. Hệ thống cảnh báo sóng thần của quốc gia cũng đã được củng cố trong những năm gần đây với việc cho ra đời hàng loạt các công nghệ dự báo nhanh chóng và chính xác hơn.
Một số hình ảnh cho thấy sự hồi sinh mãnh liệt từ trong đau thương của Nhật Bản
Một bức tường kiên cố dọc bờ biển Minamisanriku để bảo vệ người dân trước nguy cơ sóng thần đang được gấp rút hoàn thành
Để xử lý hậu quả của việc rò rỉ chất phóng xạ từ nhà máy hạt nhân, một trung tâm thử nghiệm nông nghiệp ở thành phố Koriyama đã ra đời để phân tích các mẫu sản phẩm địa phương từ rau củ quả đến thịt bò ở khu vực nguy hiểm. Nhờ sự hỗ trợ của chính phủ mà hàng năm, trẻ em được sinh ra ở vùng phóng xạ Fukushima đã được xét nghiệm miễn phí và được tạo mọi điều kiện để học tập, phát triển.
Vào năm 2014, Nhật Bản cũng đã bắt đầu khởi công xây dựng một bức tường băng ngầm bao quanh nhà máy điện hạt nhân Fukushima, nhằm hạn chế lượng nước nhiễm xạ rò rỉ ra môi trường. Dự án này nhằm xây dựng một hệ thống đường ống đặt sâu dưới lòng đất và một hệ thống làm lạnh sẽ được bơm dọc các đường ống tạo thành bức tường băng dài 1,5km bao quanh nhà máy, chặn các dòng chảy ngầm đi qua khu vực bị nhiễm xạ này.
"Bức tường băng ngầm" được xây dựng ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima
Theo tờ Nikkei, 10 năm sau thảm họa trên, Chính phủ Nhật Bản đã chi tổng cộng 280 tỷ USD cho công cuộc tái thiết ở các nơi bị ảnh hưởng bởi thảm họa kép, bao gồm việc xây dựng lại cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các nạn nhân. Đến nay, trong số những địa phương bị tàn phá nặng nề nhất bởi thảm họa kép, thị trấn Onagawa (thuộc tỉnh Miyagi) được xem là nơi chứng kiến quá trình phục hồi mạnh mẽ và nhanh nhất. Ở đây, người ta đã nhìn thấy những hàng cây xanh mát, các nhà hàng, cửa hiệu mọc lên san sát, và thị trấn Onagawa được hứa hẹn sẽ trở thành địa điểm có sức hấp dẫn đặc biệt với khách du lịch trong thời gian tới.
Thị trấn Onagawa từng là một đống đổ nát, không sức sống
Sau 10 năm, thị trấn Onagawa đã mang một diện mạo mới
Có thể thấy rằng, dù hứng chịu thảm kịch kinh hoàng nhưng Nhật Bản luôn khiến cả thế giới phải thán phục vì tinh thần đoàn kết và ý chí quật cường của họ. Người dân nơi đây đã biến đau thương trở thành sức mạnh để họ xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn, ngăn chặn những thảm kịch tương tự có thể xảy ra trong tương lai.
Nguồn: Tổng hợp